Đừng làm từ thiện kiểu thà giúp nhầm còn hơn áy náy

14/02/2025 - 08:45

PNO - Người phụ nữ livestream cảnh ôm con khóc trước cổng bệnh viện và nhận được 27 triệu đồng ủng hộ. Vì sao việc kiếm tiền lại dễ đến vậy?

Ngày 10/2, trên mạng xã hội lan truyền video 1 phụ nữ ôm con khóc trước cổng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM.

Người này nói, dẫn con từ quê lên khám bệnh, khi đang chờ thì bị móc túi lấy hết số tiền 9,5 triệu đồng. Người này kêu gọi ủng hộ tiền.

Video người phụ nữ
Người phụ nữ livestream khóc lóc, cho rằng mình mất 9,5 triệu đồng tiền khám bệnh cho con - Ảnh cắt từ clip

Đoạn video đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Không ít nhà hảo tâm đã chuyển tiền vào tài khoản mà người phụ nữ cung cấp.

Trong bài đăng mới nhất trên Facebook, người này cho biết đã nhận hơn 27 triệu đồng.

Tôi không hiểu vì sao nhiều người lại quá vội vàng đặt niềm tin ở một người không hề quen biết, và không chắc chắn thông tin họ đưa ra đúng. Chỉ một đoạn video than khóc, xin tiền, người phụ nữ đã nhận được 27 triệu đồng.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có bố trí quầy chăm sóc khách hàng (thuộc phòng Công tác xã hội) để hỗ trợ phụ huynh khi trẻ đến bệnh viện thăm khám. Người phụ nữ có thể liên hệ để được giúp đỡ. Những người có lòng tốt cũng có thể thông qua bệnh viện hỗ trợ mẹ con chị.

Không ít người có tư tưởng, thà giúp nhầm còn hơn áy náy vì cảm thấy mình không biết chia sẻ với người khó khăn, hoạn nạn nên sẵn sàng ủng hộ tiền cho người kêu gọi.

Như vậy, việc từ thiện, giúp người tuy xuất phát từ lòng tốt, lại vô tình "giúp" một số người trục lợi. Họ không cần làm việc kiếm tiền mà chỉ cần lên mạng than nghèo kể khổ. Và đôi khi, có một nghịch lý là, những người ủng hộ tiền lại còn nghèo hơn cả người đi xin.

Cũng có không ít người thiếu sáng suốt đến mức, khi có ai đó đặt câu hỏi về tính xác thực của sự việc, họ sẵn sàng phê phán "đã không giúp được thì thôi, bớt nói lại", thay vì tìm hiểu rõ ràng hơn.

Từ bao giờ, người ta có thể trao niềm tin cho người lạ một cách vội vàng và gửi những đồng tiền mình vất vả kiếm được để "làm từ thiện" một cách dễ dãi?

Tôi nhớ năm 2000, khi từ quê đến TPHCM học đại học, thấy có người ăn xin bị khuyết tật ngồi ở ngã tư đường, tôi đã không ngần ngại cho anh ta tiền.

Chiều muộn hôm đó, trên đường về, ngang qua ngã tư, tôi tận mắt nhìn thấy người ăn xin đó đang ngồi nhậu. Trông anh ta rất khỏe mạnh, cười nói lớn tiếng, chẳng có vẻ gì là tội nghiệp như tôi đã trông thấy vào buổi sáng.

Trên Facebook, tôi thường xuyên đọc được những bài viết xin tiền, xin đồ. Người viết chỉ cần than thở khóc lóc, rơi vài giọt nước mắt là ngay lập tức chiếm được lòng tin của nhiều người.

Rất ít người nghi vấn, liệu đó có phải là sự thật, họ có đói khổ ngặt nghèo đến vậy hay không, mà chỉ chuyển tiền với suy nghĩ không đáng bao nhiêu. Một người không bao nhiêu, nhưng nhiều người thì sẽ có số tiền rất lớn. Vậy là người tốt lại vô tình tiếp tay cho những kẻ siêng ăn nhác làm.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi những kẻ "ăn mày từ thiện" đã kêu gọi được kha khá tiền, nếu một ngày nào đó, họ bị dư luận phát hiện và phanh phui về việc nói dối, đánh vào lòng trắc ẩn của người khác để xin tiền, thì những "nhà hảo tâm" ngày nào lại mất lòng tin.

Và khi có trường hợp cần giúp đỡ thật sự, ngặt nghèo thật sự, họ lại cảnh giác, không dám giúp đỡ.

Lòng trắc ẩn thể hiện sự tử tế và giúp mọi người gắn kết, tạo ra thái độ sống tích cực và làm nhiều người có niềm tin vào cuộc sống. Nhưng, cho đi cũng cần sáng suốt và cho đúng người, đừng để lòng tốt dung dưỡng những kẻ lười biếng, trở thành công cụ kiếm tiền của họ.

Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp Công an phường Bến Nghé, quận 1 xuất camera an ninh, điều tra.

Kết quả trích xuất camera của bệnh viện và các cơ sở kinh doanh xung quanh vào ngày 10/2 cho thấy vào lúc 4g37 người phụ nữ bế một em bé đi từ cổng số 4 vào bệnh viện.

Đến 6g18 thì chị này bế em bé sang đường ăn sáng rồi vào lại bệnh viện ở khu vực trước sảnh ngồi chờ khám. Đến 6g49 thì mở điện thoại livestream.

Cả hai tiếp tục trong sảnh bệnh viện đến 12g37 thì qua đường ăn trưa. Đến 13g22 tiếp tục trở vào bệnh viện. 14g8 chị ta cùng em bé ra cổng số 5, bắt xe ôm công nghệ rời khỏi bệnh viện.

Như vậy, thông tin người phụ nữ chia sẻ trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật. Kết luận từ phía công an là không có sự việc dàn cảnh móc túi trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 như lời kể của chị này trong video livestream.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI