Đừng làm "ô nhiễm" tình yêu

17/11/2013 - 16:50

PNO - PNO - Những cảm xúc tiêu cực, lời nói khiếm nhã, hành vi quá lố… là rác rưởi khiến tình cảm bị ô nhiễm. Chính vì thế, để nuôi dưỡng một tình yêu lành mạnh, đẹp đẽ, “hai nửa” luôn phải cố gắng giúp nhau dọn dẹp vệ sinh,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dung lam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau ba năm theo đuổi Hương, đánh bại hai bạch mã hoàng tử cùng ve vãn người đẹp, Quang mang một tình yêu nhuốm màu chiếm hữu. Nhất cử nhất động của Hương phải được Quang cho phép. Quang là tài xế duy nhất của Hương. Ban đầu, Hương sung sướng với sự giam lỏng giữ chặt ấy, nhưng dần lại thấy ngột ngạt, mất tự do. Hương luôn bị Quang kiểm soát điện thoại. Hễ thấy số lạ là Quang liền gọi dò hỏi. Nếu là giọng nam thì Quang chửi bới, dằn mặt. Nhiều cuộc gọi khiến Hương cảm thấy bị bẽ mặt. Quang ngày càng ghen tương thái quá. Khi Hương góp ý và đề nghị Quang tôn trọng khoảng trời riêng của cô, Quang điên tiết cho rằng Hương có ai khác, thay lòng đổi dạ nên mới bước khỏi khuôn phép. Quang dọa nếu Hương quen bạn mới, Quang sẽ công bố chuyện hai người đã ăn nằm với nhau và sẽ theo quậy tới cùng. Hương vẫn đi bên cạnh Quang vì sợ hơn là yêu. Sự ích kỷ, độc đoán của Quang đã “rác hóa” tình cảm và làm mất điểm trong lòng Hương.

Bất chấp nhiều khác biệt, Đức và Yến đến với nhau trong cuộc tình không hề bình lặng. Đức là một kỹ sư tài giỏi nhưng tính bảo thủ, thô lỗ, dễ nóng nảy, hay nổi cáu. Yến lại xuề xòa, hời hợt, vô tư. Thời gian hai năm yêu nhau là chuỗi dài Yến bị Đức ăn hiếp. Có khi chỉ vì bất đồng, trái ý, Đức có thể la nạt Yến ở chỗ đông người. Yến vẫn im lặng, nín nhịn cho qua. Bạn bè hỏi: “Sao không làm dữ lại?”, Yến giải thích: “Mình yêu Đức và không muốn đánh mất tình cảm này. Khi Đức có những cư xử không đẹp, mình mắng chửi, mạt sát lại thì ai có thể cứu vãn mối quan hệ này?”. Đức xuất thân từ gia đình có cha thường đánh mẹ, lớn lên trong hoàn cảnh cơ cực, công việc hiện tại gặp nhiều áp lực, Yến hiểu và kiên nhẫn đồng hành cùng Đức qua những khó khăn. Yến hy vọng lấy ưu điểm của mình từng bước bù vào chỗ khuyết của Đức.

Đề cao quyền năng kỳ diệu và thánh thiện của tình yêu, nhà bác học, văn sĩ Pascal đã đúc kết: “Tình yêu nâng cao con người thoát khỏi sự tầm thường”. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp hai nửa yêu thương lại có thể thực hiện những hành động hèn hạ: gây khó, làm tổn thương nhau, thậm chí sát hại nhau khi xung đột. Có hàng tỉ nguyên nhân khác biệt giữa hai người dễ phát sinh mâu thuẫn nhưng chỉ cần mỗi người có ý thức chấp nhận người kia là cá nhân độc lập, khác biệt và sẽ không giống như mình muốn.

Trong chuyên đề “Những cách hóa giải mâu thuẫn trong tình yêu” do câu lạc bộ Tiền hôn nhân (Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TP.HCM, Q.1) tổ chức ngày 16/11, thạc sĩ Trần Tuấn Huy (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Giá trị sống, kỹ năng sống YMCA, Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Không riêng gì tình yêu lứa đôi, mối quan hệ nào cũng luôn tồn tại mâu thuẫn nên vấn đề mấu chốt không phải là làm sao để triệt tiêu mâu thuẫn mà là cả hai cùng đối diện và tháo gỡ những mối thắt như thế nào. Lâm vào tình huống bế tắc trong tình cảm cũng giống như xe đang đổ dốc gặp tảng đá chắn ngang hoặc hố sâu trước mặt, ta phải bình tĩnh giảm ga, quan sát và khéo léo lèo lái”.

Dung lam
Thạc sĩ Trần Tuấn Huy với chuyên đề "Những cách hóa giải mâu thuẫn trong tình yêu"

Theo thạc sĩ Tuấn Huy, trước lời nói, cử chỉ mất kiểm soát của người yêu trong tình huống căng thẳng, nếu ta đáp trả một cách “đích đáng” thì chẳng khác nào “nhận rác” của người ấy. Sao ta không cố gắng giữ cho mình tốt đẹp, thơm tho mọi lúc mọi nơi? Người có bản lĩnh và trân quý mối quan hệ thì cần kiên nhẫn, giao tiếp thận trọng, đừng “thêm dầu vào lửa”, đẩy mâu thuẫn đến mức trầm trọng, không thể cứu vãn. Thoát khỏi tình huống khẩn cấp là lúc bạn cần giúp người kia “đổ rác” hoặc đem “tái chế”. Về tâm lý, không phải ai cũng dễ dàng nhận biết mình đang ứ đầy rác, sẵn sàng trút xả cơn giận cho người khác (dù đó là người yêu), chính vì thế chẳng thể tự kiềm chế, điều tiết. Kỹ thuật để nhắc nhở người kia dừng lại, đừng quá đà là lấy nước mời uống, có thể “cắt cơn bực tức” bằng lời nói ngọt: “Thôi mà!”, “Em bớt giận”, “Bình tĩnh lại anh ơi, mọi người đang nhìn mình kìa!”, “Thôi, mình đổi đề tài khác đi, nói đến chuyện này hai đứa cứ cự cãi hoài”...

Sau đó, ta tìm cách chia sẻ, tìm nguyên nhân gốc rễ khiến mâu thuẫn bùng phát, nguyên nhân từ phía bạn và cả ta. Để hóa giải mâu thuẫn, giữ cho tình yêu trong trẻo, ngọt ngào, mỗi người có thể vận dụng nhiều kỹ năng: lắng nghe, kiềm chế cảm xúc, thương lượng, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định… nhưng tất cả chỉ mang lại hiệu quả nếu dựa trên nền yêu thương, tôn trọng thực sự.
 



DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI