PNO - "Cứ thử cầm chục triệu hằng tháng tiền lương của chính các ông và để các ông tự làm bài toán kinh tế xem duy trì được bao nhiêu ngày trong tháng thì cạn?"
"Của chồng công vợ" thời đại nào cũng đúng. Thế nhưng đôi khi liên quan đến vấn đề kinh tế giữa những người trong cuộc và việc một trong hai bên "lấn sân" sang nhau gây nên những xung khắc, dẫn đến người vợ hoặc chồng mang tâm trạng bức xúc, không biết bày tỏ cùng ai.
Anh Hải, quê Cần Thơ, lập gia đình cách đây 10 năm và đã có ba mặt con, than phiền: "Tiền mồ hôi công sức mình làm ra nhưng cứ đến cuối tháng, "đến hẹn lại lên" là mụ vợ đứng ra "lột sạch". Mụ luôn có chiêu bài cũ rích: "Tiền nhà, tiền điện nước, chợ búa, chi phí cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học đủ thứ phải lo. Ông không đưa cho tôi cân đối chi tiêu thì vài ba ông bạn nhậu với nhau, chỉ đi cùng dăm bữa là cạn sạch. Cả tháng tới với bao nhiêu chi phí biết trông chờ vào đâu?". Mỗi lần đi làm mệt mỏi về tới nhà, nhìn thấy bà vợ già đầu bù tóc rối, chỉ mở miệng ra là càu nhàu và thở ra chỉ chữ "tiền" là anh Hải cảm thấy chán nản, chỉ muốn xách xe ra khỏi nhà, a lô cho mấy ông bạn nhậu lai rai đến tối mịt mới về.
Ảnh minh họa
Đứng về chiến tuyến "bà vợ già chỉ thở ra chữ "tiền", chị Thu Lan, cũng làm nghề nội trợ lâu năm, lên tiếng: "Các ông chồng sướng mà còn không biết hưởng. Vợ ở nhà làm quản gia, làm thủ quỹ kiêm thêm ti tỉ thứ việc không tên. Các ông chỉ mỗi đi làm rồi cuối tháng về đưa tiền cho vợ, sau đó tối kê cao gối mà ngủ. Còn chị em chúng tôi, cầm cục tiền các ông đưa cho mà đâu có sắm sửa cho bản thân được gì ra hồn. Mua cái gì cho mình cũng cân lên đặt xuống, chỉ nghĩ những thứ tốt đẹp nhất cho chồng con. Rồi bão giá khiến chị em cầm một triệu trong tay đi chợ, đến khi thanh toán cứ hoang mang như mình vừa bị móc túi vì chẳng mua được gì lớn đã hết veo số tiền. Cứ thử cầm chục triệu hằng tháng tiền lương của chính các ông và để các ông tự làm bài toán kinh tế xem duy trì được bao nhiêu ngày trong tháng thì cạn?"
Đồng quan điểm đó, chị Lan Hạnh, kết hôn từ năm 2013, để chồng tự quản lý tiền nong, đến năm 2017 thì chồng... báo nợ 150 triệu. Trong khi hai vợ chồng chưa làm được việc gì lớn ra hồn, nhà chưa, xe cộ cũng chưa nốt. Chị tá hỏa, thu vén chi tiêu và cương quyết đứng ra quản lý thu nhập của chồng, tự trang trải chi phí cuộc sống. Chỉ mới hơn 1 năm mà chị đã dôi dư được 50 triệu trả nợ, số còn lại chị nhẩm tính với cái đà này khoảng hai năm nữa thì xong nợ và bắt đầu gầy dựng lại.
Chị Hạnh than phiền: "Các ông chồng ông nào chẳng mắc bệnh sĩ. Không có tiền trong ví thì thôi chứ có là "vung tay quá trán,", "bóc ngắn cắn dài". Nhiều khi nhậu bốc đồng lên chỉ đôi bữa là lương lậu trong tháng cạn sạch. Rồi các ông lấy khoản nọ đập khoản kia, về nhà không dám hé răng với vợ nửa lời vì sợ la rầy."
Còn chị Mai Lan, cưới được chồng trẻ, đẹp trai ngời ngời, chỉ sợ với những ưu thế đó, cộng với ví tiền chồng lúc nào cũng rủng rỉnh thì gái theo dài dài. Thế nên chị áp dụng phương châm "thắt chặt hầu bao" để chồng lúc nào cũng rón rén hơn khi đi ra ngoài xã hội, từ đó các em trẻ đẹp nhìn thấy anh giai "phong độ nhưng ví lép" mà bỏ qua các chiêu trò thả thính tán tỉnh.
Ảnh minh họa
Đi ngược lại với quan điểm trên, anh Lê Nam, lập gia đình được 15 năm và có hai con, lên tiếng: "Thế thì các chị em lầm to nhé. Đàn ông chúng tôi hư hỏng là do tính cách và bản lĩnh, chứ chị em "thắt chặt hầu bao" của chồng chỉ là giải pháp phần ngọn mà không giải quyết được căn nguyên vấn đề. Chồng lăng nhăng thì ví lép vẫn lăng nhăng. Đầy các bà các cô đại gia rửng mỡ nhiều tiền, sẵn sàng "bao" sộp các anh trai để đổi "tình" nhé."
Đồng quan điểm trên, một "đức ông chồng" khác là anh Hải Hiền, bày tỏ chính kiến: "Tôi nghĩ các chị em cũng nên tôn trọng chồng mình, chỉ quản 2/3 thôi, số còn lại để anh em còn đi ra xã hội, trang trải các khoản liên quan đến ngoại giao. Chứ các chị em "lột sạch", mỗi khi chúng tôi có việc cần đến phải ngửa tay xin vợ, trước đó còn phải trình bày đi đâu, dùng vào khoảng gì, khác nào con ở. Cái gì cũng phải vừa phải thì mới lâu bền, chứ "tức nước vỡ bờ" thì vợ chồng cũng chẳng lâu bền được với nhau".
Đối xử khá ôn hòa với vấn đề trên, vợ chồng chị Nga anh Thái ngay từ khi mới kết hôn đã đứng ra lập quỹ chung. Tiền cả hai vợ chồng ai kiếm được thì giữ riêng cho người đó chủ động chi tiêu, nhưng chỉ phân nửa. Số còn lại là quỹ phúc lợi chung, gộp cả của hai vợ chồng. Mỗi khi ai có việc cần dùng như đi thăm bố mẹ hai bên, đi sinh nhật, đãi tiệc tân gia... đều lên tiếng để người còn lại biết và chủ động.
Vợ chồng nên tôn trọng cả vấn đề tiền nong, cùng nhau trao đổi bàn bạc việc "quỹ chung" thì hạnh phúc mới mong được lâu bền. Ảnh minh họa
"Tiền dù vợ hay chồng làm ra cũng đều là mồ hôi công sức của người đó, đừng nên "lột sạch". Đến người mẹ đẻ ra chồng cũng không có được phúc phận đó, giờ mình là người vợ mà làm quá, e rằng dồn ép chồng đến mức chán nản vợ con. Đừng cố biến thành "mẹ" thứ 2 của anh ấy, thêm vào đó hãy tình nguyện phát huy vai trò là người bạn, người tình của chồng, mới mong hạnh phúc gia đình bền lâu", chị Nga chân thành giải bày quan điểm.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.