Đừng làm mẹ anh!

27/07/2022 - 13:13

PNO - Có những người vợ luôn ủ bọc, chiều chuộng chồng, khiến người đàn ông trở thành đứa trẻ, không bao giờ trưởng thành.

 Mệt mỏi vì vợ quán cưng chiều

Anh Nguyễn Ngọc Duy (31 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) luôn được bạn bè trầm trồ, ganh tị vì được vợ “cưng chiều”. 

Vợ chồng anh Duy bằng tuổi. Hai vợ chồng yêu từ ngày học đại học, ra trường 3 năm thì kết hôn. Hiện vợ chồng anh đã có 2 con nhỏ. Vợ anh Duy là người Bến Tre, còn anh là người Nghệ An. 

Từ ngày cưới nhau, chị chăm lo cho chồng con từng li từng tí. Chị có niềm vui bất tận là nấu ăn, phục vụ cho chồng con. Sáng nào chị dậy chuẩn bị các món ăn sáng chồng con thích. Cuối tuần nào chị cũng bày vẽ những món ngon theo mong muốn của các thành viên.

Anh Duy đi làm sớm hơn vợ, chị luôn đứng ra chuẩn bị túi máy tính, khẩu trang sẵn cho chồng. Nhiều lần, chồng đi làm ra tới thang máy quên áo mưa, chị lại vội vã chạy ra đưa cho. Tối về nhà, chị chuẩn bị cho anh từ nước tắm tới quần áo. 

Chị chăm anh như đứa trẻ. Bữa cơm, món gì chị cũng gắp cho anh kèm lời dặn: “Ba ăn cái này nè, tốt lắm”. Món ăn nào nên chấm nước chấm loại nào ngon, chị luôn miệng hướng dẫn cho anh.

Tối đi ngủ, chị vệ sinh cá nhân xong cũng chuẩn bị sẵn cho chồng bàn chải đánh răng. Quần áo sáng mai chồng đi làm chị cũng là sẵn treo lên kèm đôi vớ. 

Những dịp nhà có khách hoặc đi ăn tiệc, đi nghỉ lễ với công ty, chị vẫn chăm chút chồng như thế. Bạn bè, đồng nghiệp nhìn vào ganh tị nhưng bản thân anh Duy chẳng vui tý nào.

Có lúc anh nói thẳng anh “không thích vợ coi như đứa trẻ”, thế là vợ anh dỗi. Nhiều lần, anh muốn hét lên “Đừng chú ý tới tôi một chút được không? Hãy để tôi yên!” nhưng rồi anh biết tính vợ mình chắc chắn không thay đổi.

 

A
Ảnh minh hoạ 

Trường hợp của anh Nguyễn Thành Nam (45 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TPHCM) cũng tương tự. Anh Nam kể, vợ anh như “bà mẹ khó tính”, luôn miệng nói anh phải ăn gì tốt cho sức khoẻ, ăn như thế nào…

Mỗi lần đi làm, anh dắt xe ra là chị chạy theo: "Anh ơi áo mưa nè, anh ơi cầm thêm nước trà thải độc. Anh ơi áo đi nắng, anh ơi quần jean phải đi với giày này chứ…"

Đi ra đường với chồng, ngồi sau xe chồng lái nhưng chị luôn ngồi sau điều khiển “anh đi chậm chậm thôi, xe đằng trước kìa, nhớ quẹo trái, quẹo phải…” dù bản thân anh Nam biết đường rất rõ. Nhiều lần, anh chỉ muốn nhảy quách khỏi xe, đưa tay lái cho vợ.

Anh Nam đi công tác hay du lịch, vợ luôn dặn: “Anh đừng uống bia rồi đi bơi nhé! Có nhiều vụ đuối nước, anh tắm biển cẩn thận nha. Đừng ăn đồ tái sống….” 

Có lần, đồng nghiệp đi cùng anh mở vali đồ của anh trầm trồ  vì đồ đạc vợ chuẩn bị không thiếu thứ gì, gấp gọn gàng. Còn của anh ta chỉ là cái túi du lịch, vài bộ quần áo vơ vội gói gọn vào mang đi. Nhưng anh Nam lại thèm cảm giác “đàn ông bụi bụi” như vậy.

Hãy để đàn ông trưởng thành

Chuyên gia tâm lý gia đình Trịnh Trung Hoà - Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm, Hà Nội - cho rằng, rất nhiều trường hợp gia đình giống như anh Nam, anh Duy khi  người vợ luôn coi chồng như đứa trẻ. Các bà vợ tin rằng lo cho chồng như vậy, chồng nào không thích. Nhưng thực tế, các ông chồng chưa chắc đã thích”.

Bản thân anh Duy cũng từng nhiều lần nói với vợ rằng hãy để anh được làm "người bình thường", nhưng sự việc cuối cùng đâu lại vào đó.

Một người đàn ông có là “đàn ông đích thực” hay không, phụ thuộc một phần vào môi trường gia đình. Môi trường phát huy sức mạnh đàn ông sẽ giúp anh ta trở thành nên mạnh mẽ và trách nhiệm, một môi trường khiến người đàn ông phụ thuộc sẽ khiến anh ta trở nên yếu đuối, lệ thuộc. Có những người vợ luôn ủ bọc, chiều chuộng chồng, khiến người đàn ông trở thành đứa trẻ, không bao giờ trưởng thành.

Chuyên gia Trịnh Trung Hoà cho rằng, chị em phụ nữ không nên quá đảm đang, làm hết việc trong gia đình mà đôi khi cần tỏ ra “vụng về” để có cơ hội “huấn luyện” chồng con. Nếu chồng chưa biết làm thì tập làm vài lần sẽ quen việc. Hãy tập từ chối chồng, thỉnh thoảng có thể nói câu “em không biết” để chồng làm các công việc của mình.

An Nhiên  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI