Đừng làm lệch bản chất của một phong trào ý nghĩa

10/03/2023 - 17:12

PNO - Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục), phong trào kế hoạch nhỏ rất có ý nghĩa nhưng cách làm sai lệch đang khiến các trường chạy theo hình thức, danh hiệu.

 

Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích học sinh phân loại rác, thu gom các loại rác tái chế sẽ góp phần bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích học sinh phân loại rác, thu gom các loại rác tái chế sẽ góp phần bảo vệ môi trường

*Phóng viên: Bà nghĩ sao khi có rất nhiều địa phương, trường học áp chỉ tiêu, đưa ra danh hiệu “chiến sĩ”, “dũng sĩ” cho phong trào kế hoạch nhỏ?

- Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng: Mục tiêu của phong trào kế hoạch nhỏ là khuyến khích học sinh tiết kiệm, làm việc có ích cho xã hội phù hợp lứa tuổi. Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích học sinh phân loại rác, thu gom các loại rác tái chế sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Tuy vậy, đang có những biến tướng làm sai lệch ý nghĩa, tính nhân văn của phong trào này. 

Cái sai thứ nhất là ép buộc, khoán chỉ tiêu khiến học sinh phải tìm mọi cách để đạt yêu cầu, thậm chí đi mua ở các vựa ve chai. Điều này chỉ khiến học sinh thấy áp lực, thấy sợ, không “cảm” được bản chất tốt đẹp của phong trào mà lại có cảm tưởng đây là một hình thức trá hình để thu tiền.

Cái sai thứ hai là đưa ra danh hiệu này kia để khuyến khích học sinh chạy theo thành tích. Thực ra, đây không phải là chiến sĩ hay dũng sĩ gì cả. Lẽ ra, trong cùng một môi trường, cùng một hoạt động, cá nhân nào tích cực, làm tốt thì mới được biểu dương. Còn ở đây, mỗi em có một hoàn cảnh gia đình khác nhau, tôn vinh như vậy thì danh hiệu chỉ dành cho những học sinh “có điều kiện”.

* Thực tế, có những phụ huynh quá bảo bọc con, không để trẻ động tay vào bất kỳ công việc gì nên đã làm thay, thậm chí bỏ tiền ra “mua” danh hiệu cho con?

- Để phong trào đúng với ý nghĩa của nó, nhà trường cần truyền thông để phụ huynh thấy rõ mục tiêu tốt đẹp của phong trào và phụ huynh phải đồng lòng cùng nhà trường rèn luyện, giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tương thân tương ái. Nhà trường và phụ huynh không nên làm sai lệch bản chất của phong trào, khiến trẻ nhận thức không đúng vấn đề, tạo nên “mầm mống” của sự giả dối cho con em mình.

* Có nên gói gọn việc thực hiện phong trào trong cách làm cũ kỹ là gom giấy vụn, phế liệu bán lấy tiền không, thưa bà?

- Đúng là hiện nay, có rất nhiều hoạt động của nhà trường như trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng ngôi trường hạnh phúc, ngôi trường văn hóa… Cho nên, có thể lồng ghép, tích hợp mục tiêu giáo dục trẻ trong các hoạt động này. Chẳng hạn, phát động phong trào em làm kế hoạch nhỏ, trong đó cho mỗi học sinh được tự mình xây dựng chương trình kế hoạch nhỏ của mình trong 1 năm.

Ví dụ, có em ở nhà biệt thự, đi xe hơi mà bắt gom rác thải, giấy vụn là không phù hợp. Các em có thể lên kế hoạch trồng 1 cây xanh ở nghĩa trang liệt sĩ gần nhà, làm đồ thủ công để bán, tự mở gian hàng để bán đồ, lấy tiền lãi gây quỹ… Không nên yêu cầu làm theo một hình thức cố định, cứng nhắc mà nên khuyến khích học sinh làm những việc có ích với xã hội, với môi trường xung quanh tùy theo khả năng, điều kiện và sự sáng tạo của mình.

* Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

 Phạm Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI