Đừng lạm dụng chữ chữa lành nữa, được không?

27/04/2024 - 05:58

PNO - Dưới góc nhìn khoa học, người cần chữa lành đã trải qua biến cố, mất mát, hay gặp vấn đề gì cần vượt qua, hồi phục. Có rách, có hỏng mới chữa. Có hiểu rõ, “nhìn” được chính mình thì mới giúp bản thân vượt qua

Chúng tôi sinh hoạt chung trong một nhóm đồng hương. Trong khi mọi người đều đã tương đối ổn định ở độ tuổi gần 40, thì anh chưa lập gia đình, thường xuyên nhảy việc, và có mặt ở hầu hết các hội hè, tụ tập. Trên mạng, anh xuất hiện với hình ảnh một người hay… ý kiến, thích góp lời, ít bằng lòng với mọi điều lớn nhỏ xung quanh. Rồi một ngày, anh đăng lên trang cá nhân, nghèo thì chữa lành làm sao đây?

Nhiều người vào cười cho vui, bởi quen tính anh rồi, hiểu là anh lại khó ở điều gì đó. Nhưng có một chị, chắc “ngứa mắt đã lâu” nên tình thật vài câu. Rằng “Ông chịu khó lao động, bớt ta bà sân si đi, là tự dưng sẽ lành, khỏi cần phải chữa”. Đoạn sau kịch tính thế nào, chắc không khó để hình dung!

Bạn có công nhận là chưa khi nào hai chữ “chữa lành” hiện ra ở khắp nơi, trong mọi bối cảnh câu chuyện như bây giờ? Thất tình, chữa lành. Mất việc, chữa lành. Cô đơn, chữa lành. Bị lừa tiền, cũng chữa lành. Người lười biếng, ích kỷ, nhiều thị phi, càng tỏ ra mình cần chữa lành. Uống một ly nước ép, mua một bó hoa, cũng nhắc tới chữa lành. Ghé một chỗ đẹp đẹp xinh xinh, khoe ngay mình đi chữa lành. Đọc sách, làm gốm, cắm hoa, mua sắm, bài hát, viết lách… chữa lành.

Chữa lành len lỏi vào từng ngóc ngách, từng câu nói cửa miệng, từng… trận cãi nhau của các cặp đôi, hoặc giữa ông bố bà mẹ với đứa con nhiều dỗi hờn trách cứ. Cảnh nhà nhà, người người muốn được chữa lành tạo nên hiệu ứng đám đông khiến cho các hội nhóm gắn mác “chữa lành” mọc lên như nấm, thu hút đông đảo thành viên ghé thăm, mạnh tay “xuống tiền” bất chấp khả năng kinh tế của mình, nhằm xin biện pháp “trị liệu tâm lý”.

Vậy “chữa lành” là gì mà "hot" thế? Đây là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp trong việc hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm con người sau các thương tổn. Healing - chữa lành ngày càng phổ biến và trở thành trào lưu trong vài năm gần đây. Mong mỏi được xoa dịu, bước qua các tổn thương, nỗi đau về thể chất và tinh thần, vứt bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an để thư thái, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn... là nhu cầu có thực, rất cần được quan tâm và tôn trọng. Nhưng ngay cả khi bế tắc nhất về mặt tâm lý, chúng ta cần cố gắng dành một chút tỉnh táo để xác định tình trạng và lựa chọn giải pháp.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước tiên, dưới góc nhìn khoa học, người cần chữa lành đã trải qua biến cố, mất mát, hay gặp vấn đề gì cần vượt qua, hồi phục. Có rách, có hỏng mới chữa. Có hiểu rõ, “nhìn” được chính mình thì mới giúp bản thân vượt qua. Chưa kịp lắng nghe mình mà chỉ thoáng qua liền adua, theo “mốt”, thấy người khác “chữa” thì ta cũng không thể “lành” mà buộc phải “rách” hoặc “nứt”, “nát”, mới đúng điệu! Rồi nhiều người còn nhầm tưởng “chữa lành” với… đi du lịch, đi nghỉ dưỡng, đi chơi, đi thư giãn nghỉ ngơi tận hưởng và trốn việc.

Chữa lành nào phải tấm áo “sang chảnh” hoặc là cái vỏ ốc để khi mỏi mệt bực bội, làm biếng, thì chui vào? Lẽ nào cần tự hào vì ta cũng từng đi “chữa lành” chứ nào phải dạng vừa, thật sao! Thậm chí đang yên đang lành cũng muốn “rách” để thiên hạ hiểu rằng mình cũng có một tâm hồn tinh tế, biết tổn thương, cũng đáng thương khổ sở tâm trạng xì-trét lắm!

Vì đâu ai cũng nhìn thấy mình cần chữa? Thực tế có phải nhiều người lạm dụng khái niệm, giống kiểu mỗi lần đọc triệu chứng của căn bệnh gì đó, hoặc có dấu hiệu gì, là đều quy kết tôi đang mắc phải, tôi đầy đủ “combo” hết? Từ đó dễ phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười, ảnh hưởng tới cuộc sống vốn lẽ có thể “lành” mà không cần phải tốn tiền , công sức đi chữa. Càng không kéo người thân bước vào cảnh phối hợp “đi nhẹ nói khẽ” một cách bất đắc dĩ…

"Anh ở nhà trông con nhé, tôi phải đi chữa lành đây!". Người chồng nhận được tuyên bố này dễ “sốc tâm lý” lắm chứ, bởi sẽ tự hỏi mình sống thế nào, có tròn trách nhiệm làm chồng làm cha chưa, mà để vợ con cần phải chữa trị. Thậm chí, nếu là một đàn ông nhạy cảm, có khi anh sẽ… xếp hành lý để đi cùng vợ nữa! Bởi anh sao chịu nổi cảm giác thất bại về bản thân khi khiến vợ ra nông nỗi ấy!

Một người bạn khác tếu táo khi thấy thiên hạ nhao nhao đòi chữa lành “Tôi vừa quyết định buông bỏ hết để chữa lành. Rồi bỗng tôi nhận ra, mình có cái gì trong tay đâu mà buông với bỏ”. Lẽ nào đây mới là tình trạng chung của một tỉ lệ không nhỏ các trường hợp đang nô nức đợi được “chữa lành”?

Yến Nguyễn

(quận Tân Bình, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI