Bão vẫn thổi trên mặt người nghèo, như điệp khúc của những mùa giông gió miền Trung đầy bất trắc. Vẫn chưa hết mưa và mùa đông rét mướt đã về. Giúp họ gượng dậy từ bùn đất và khổ đau là khúc vỗ về trong cơn thương khó. Không gì hơn cho người vùng lũ lúc này là căn nhà đủ sức qua nắng mưa, để họ còn có niềm hy vọng sống tiếp…
|
Nhà bà Trần Thị Sinh, ông Trần Văn Ánh ở tổ 79, khu vực 9, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn |
Khối phố trắng màu tang
Chiều 7/11, những chiếc áo còn lấm lem đất, đẫm nước mưa lần lượt chờ đến lượt mình viếng hàng xóm xấu số. Nhà sập mất rồi, anh Nguyễn Thanh Bình phải nhờ đến nhà sinh hoạt khối phố 1, tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam làm nơi tổ chức tang lễ cho người thân.
Gương mặt người đàn ông trung niên sắt lại, nỗi đau đông cứng trên đôi mắt thất lạc. Đêm 5/11 là đêm tang tóc cho cả khối phố này. Mưa như trút nước, ông Đỗ Hạnh đưa cha là Đỗ Mỹ cùng vợ con, cháu và em gái sang nhà hàng xóm Bình để trốn trú. Một tiếng nổ lớn, đất đá ập xuống, 9 con người đang túm tụm lo mưa, thoắt bị chôn trong đất. Không một tiếng kêu.
Giọng ông Hạnh mếu đi: “Ba tôi giật tay tôi kéo chạy, chưa kịp làm chi thì tối sầm, đất đá tràn xuống”. Ngoài cha của ông, vợ ông là bà Nguyễn Thị Đắc (SN 1972) cũng chết trong đêm định mệnh đó. Anh Bình - trụ cột trong căn nhà cưu mang hàng xóm lúc khốn khó - cũng có ba người thân vĩnh viễn ra đi, gồm Võ Thị Hồng (mẹ đẻ), Nguyễn Thành Phương (em trai) và Hồ Thị Ái (vợ).
Những tiếng khóc, những khấn cầu phập phù hy vọng, những cái nhìn tuyệt vọng không dám thốt ra, khi qua một ngày, một đêm, đất nhão nhoẹt được múc lên, bới tìm, để rồi anh Bình và ông Hạnh ngã quỵ. Phép mầu đã tắt. “Lúc đó, tôi đang làm việc trong rẫy. Tối đó, không hiểu sao tôi cứ bồn chồn, nóng ruột không ngủ được. Sáng sớm, tôi chạy về nhà thì mất hết người thân” - anh Bình khóc, kể.
|
Sạt lở núi tại Quảng Nam |
Trời vẫn mưa. Nhà sinh hoạt khối phố 1 ngợp màu tang trắng. Nhà ông Hạnh cũng bị vùi nát. Thi hài năm con người xấu số nằm đó, như cái xuôi tay bất lực của con người bé mọn trước thảm họa thiên nhiên. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu nói rằng, khu vực này lâu nay không xảy ra sạt lở, nên chẳng ai ngờ…
Sẽ không thể ngờ gì được nữa, bởi tự nhiên cuồng nộ đã bỏ qua những tiếng kêu than. Hiểm nguy bây giờ nó ở ngay trong nhà mình. Sinh mạng mong manh. Anh Bình, ông Hạnh nghèo quá, không đủ tiền để người thân vãng lai cực lạc. Giữa mưa gió tơi bời, những người hàng xóm đã mang thùng đi quyên tiền.
Bà Thoa - người ôm thùng lạc quyên - vừa nói vừa khóc: “Nghĩa tình hàng xóm mà, được chừng nào hay chừng đó chứ biết làm sao. Có ai ngờ, chỗ này mà cũng bị sạt lở vùi thây”. Chỗ này là núi, vốn địa hình đá khá chắc. Nhưng đó là cái vỏ, ai biết ruột nó đã rỗng.
Sẽ chẳng biết được đâu, như dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam sáng 4/11, đang trú ngụ trong những căn nhà nép dưới những hàng dừa bao đời như chở che phong ba thì bất ngờ giông tố ập đến, xé nát mái 82 căn nhà, đập tan 2 căn khác.
“Lúc đó là 9g30, em đang đứng, bỗng cửa đập cái rầm vô đầu. Tỉnh dậy thì thấy nằm ở trạm xá, chẳng hiểu vì sao. Lát sau, nghe anh nói là mẹ em cùng hai con bị đá đè rồi, không biết sống hay chết” - anh Bùi Văn Nhân, ở thôn Bình Trung thuật lại. May thay, họ không chết. Bà Bùi Thị Hoa bị thương nhẹ; hai con anh Nhân là Bùi Thị Kiều Ly bị chấn thương sọ não và Bùi Thị Linh Đan bị gãy tay trái, rách mặt.
Mưa mà ngột ngạt quá. Bốn con người, bốn cái giường gần sát nhau trong khoa ngoại. “Vợ em đi làm, may quá, không thì không tránh khỏi”. Anh Nhân hướng cái nhìn buồn bã ra cửa sổ. Vẫn mưa. “Nhà sập rồi, em làm biển, dạo này càng khó, giờ biết làm sao có cái nhà mà ở qua mùa đông này” - anh Nhân buồn bã.
Màn trời chiếu đất
Bão tan, mưa tạnh, nước rút đi mang theo toàn bộ tài sản, mang cả tính mạng của người dân nơi vùng bão Bình Định. Trước ngôi nhà đổ nát, người phụ nữ ngồi nhặt lại tấm tôn mái nhà đã hoen gỉ, cây sắt còn bám lại trong mảng vữa bê tông, chị khóc. Cảnh tượng hiện ra như bức ảnh thời chiến, cận cảnh người đàn bà trên căn nhà đổ, nhức nhối. Chị Nguyễn Thị Mộc - 43 tuổi, ở xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - như nhấc tay lên không nổi.
Chỉ có tiếng khóc là thay lời muốn nói. Đêm 3/11, gió mạnh quá, mẹ con chị chạy qua nhà hàng xóm lánh nạn, sáng ra dắt nhau về thì ngôi nhà đã nát vụn. Căn nhà cấp bốn này là tài sản được bố mẹ chồng cho lại. Năm 2014, chồng mất, mẹ con chị sống cảnh vợ góa con côi, rau cháo qua ngày. “Ngôi nhà của tôi chỉ có cái bàn thờ chồng, cái giường ngủ và cái bàn học cho con thôi. Nhưng mất nhà là mất hết tất cả, mẹ con tôi không biết xoay xở thế nào” - chị lại khóc.
|
Nhà bà Nguyễn Thị Mộc (xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, Bình Đinh) đổ sập trong bão |
Giờ này, con hẻm nhỏ của khu dân cư nằm sát mép sông Hà Thanh vẫn ngập đầy nước. Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào nhà của ông Trần Văn Ánh và bà Phạm Thị Sinh - ở tổ 79, khu vực 9, P. Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn - bám đầy bùn non. Căn nhà nhỏ với diện tích chừng 30m2 được xây cất bằng táp-lô từ 20 năm trước, nơi trú ngụ của bảy con người, không chống nổi sức gió của cơn bão vừa qua. Vừa nhặt lại chiếc đồng hồ cũ trong đống đổ nát, bà Sinh nói vọng ra: “Tui chỉ ao ước có chỗ cho cháu tui nằm, vợ chồng có chỗ chui ra, chui vô. Chật mà có chỗ ở, còn hơn cảnh màn trời chiếu đất này”.
Ăn nhiều, ở bao nhiêu, nhưng không chốn nương thân, như là lời miệt thị cay đắng của tạo hóa với kiếp người. Làm sao cho qua mùa đông, cho qua hết tuổi già như chiếc lá sắp rụng, nhà cửa không còn, của nả trắng tay, tuổi già như cuộc lội ngược dốc chới với để đi tìm một chỗ an thân, dẫu rau cháo qua ngày. Bao thân hình run rẩy trong ngày mưa đêm gió, tìm đâu ra giữa đất rộng trời cao này một chỗ trú ngụ.
“Khó quá anh ơi, chúng tôi tìm mọi cách rồi, nhưng nói thiệt, xã nghèo quá, 80% nhà dân ngập tới nóc, còn sập nhà thì nhiều, giờ có ai giúp cho, quý hơn vàng”, lời ông Huỳnh Đức Oanh, Bí thư xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi như dài ra.
Nhà ông Châu Soạn, thôn An Điềm 1, xã Bình Chương, đêm 5/11, thoáng chốc nước vào, vượt qua khỏi mái ngói, để rồi khi nước rút đi, vừa từ nhà người thân về đến ngõ, vợ chồng già muốn ngã quỵ bởi bây giờ chỉ còn đống ngói mục. Nhà sập từ lúc nào không biết. Kêu lên xã, xã cũng chỉ biết động viên ông bà về ở với người thân. “Bây giờ làm sao các chú?”.
|
Bão số 12 kèm lũ khiến 119.000 ngôi nhà ở miền Trung, Tây Nguyên đổ sập, hư hỏng |
Câu hỏi của ông dành cho lãnh đạo xã, nhận được cái nhìn cảm thông mà bất lực. Ở xã Bình Chương bên kia, lũ xuống, bà Nguyễn Thị Nhược 75 tuổi bỗng đi lơ ngơ như người yếu trí. Tuổi già mà còn hoảng loạn trước cuồng nộ trời đất. Ngôi nhà bay đi chỉ còn cái bếp. Sống đâu bây giờ?
Bão vẫn chưa nguôi trong những căn nhà đổ. Nơi tâm bão Phú Yên, so với các huyện khác, huyện Đông Hòa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau cơn bão Damrey với 29 căn nhà bị sập, 60 căn nhà hư hỏng nặng, hơn 9.400 căn nhà tốc mái.
Ngồi bệt trước căn nhà mà bão Damrey đánh sập hơn phân nửa, nửa còn lại chỉ cần cái chạm tay cũng sẽ đổ ào, ông Phạm Hải - 70 tuổi, ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa - mếu máo: “Căn nhà của cha mẹ tui cho, ở bao năm nay không sao. Giờ cuối đời, nghèo túng, bão đánh chi mà ác”.
Đêm 4/11, bão về, vợ chồng ông Hải run rẩy ngồi co rúm trong góc nhà. Gió kéo rít từng hồi, mưa đì đùng gào thét. Ầm! Bà Nguyễn Thị Mai - 66 tuổi, vợ ông Hải - bàng hoàng. Miếng ngói rơi, vỡ tan tành trước mặt. Ông Hải lật đật thốc vợ ngồi dậy, đưa qua nhà hàng xóm gõ cửa xin trú tránh. “Bão tan, sáng về mới khủng khiếp. Nhà không còn là nhà, cố tìm một chỗ để vợ chồng xem có vá víu ở đỡ được không, mà không thấy” - giọng ông Hải rưng rưng, xót đắng.
Người chết trong lũ còn đó. Cứ vài giờ, vài ba ngày, lại thêm những tiếng nấc nhói lòng. Chiều nay, lũ ở Thừa Thiên - Huế lại lên. Lo sợ giăng kín mặt nước, mặt người. Ông Lê Hạp - ở thôn Vân Căn, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền - bóp chặt chén trà nguội như ghìm nước mắt tuôn. Nước lên, nghe con điện thoại báo bị mắc kẹt gần khu vực chợ An Lỗ, sốt ruột quá, vợ chồng ông chèo ghe đón, khi về cách nhà chưa đầy 500m, chiếc ghe bị lật. Hai cha con vẫy vùng đưa bà Đoàn Thị Phượng - vợ ông - vào bờ, nhưng bất lực.
Nhìn vợ, nhìn mẹ trôi theo dòng nước lũ, cha con ôm nhau khóc. “Lâu ni, việc nhà từ lớn đến nhỏ, tất cả cũng nhờ vợ tảo tần chạy ngược, chạy xuôi lo cơm nuôi bốn cha con. Giờ vợ mất rồi, không biết cha con tôi làm răng (sao) sống nổi chú ơi” - ông Hạp nghẹn ngào.
Những cái chết nối nhau. Vùng lũ trắng khăn tang. Vợ chồng, cha con, vĩnh viễn lìa xa. Trắng tay, chới với. Giang tay ra lúc này chính là nghĩa đồng bào. Người vùng lũ cần lắm những tấm lòng.
|
Vợ chồng ông Châu Soạn đang ở nhờ nhà người thân |
Chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ dựng lại nhà, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã hỗ trợ dựng lại 10 căn nhà cho dân tại các tỉnh Khánh Hòa (hộ ông Nguyễn Văn Trường, thôn Hội Phú Nam 2, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa; bà H’ Dú, ngụ thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), Phú Yên (ông Phạm Hải, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa; ông Lê Hùng Trí, thôn Nam Bình 1, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa), Bình Định (ông Trần Văn Ánh, tổ 79 khu vực 9, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn; bà Nguyễn Thị Mộc ở xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn), Quảng Ngãi (ông Châu Soạn, thôn An Điềm 1, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn; bà Nguyễn Thị Nhược, thôn Trà Lăm, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn), Quảng Nam (bà Bùi Thị Hoa, thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành; ông Nguyễn Thanh Bình, tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My). Tại Thừa Thiên - Huế, Báo Phụ Nữ sẽ hỗ trợ cho các gia đình có người mất do lũ; hỗ trợ cho học sinh và giáo viên yên tâm đến trường dạy và học.
|
99 người chết và mất tích do bão số 12
Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 7/11, cơn bão số 12 đã làm chết 69 người (tỉnh Khánh Hòa 27 người, Thừa Thiên - Huế 6 người, Quảng Nam 10 người, Quảng Ngãi 5 người, Bình Định 5 người, Phú Yên 1 người; Lâm Đồng 3 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 1 người, cùng 10 người do sự cố tàu vận tải) và 30 người mất tích.
Mưa bão làm gần 1.500 nhà sập đổ, hơn 119.000 nhà tốc mái, hư hỏng; gần 8.000ha lúa và hơn 14.500ha rau bị ngập. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 70.000 ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,2-0,8m; tỉnh Quảng Nam có 82 xã, phường bị ngập sâu trung bình từ 0,5-1m, nơi sâu nhất là 1,5m; tỉnh Quảng Ngãi có 53 xã, phường bị ngập, chia cắt.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 7/11, vùng áp thấp trên vịnh Thái Lan đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực biển Cà Mau, Kiên Giang có mưa rào và dông mạnh; khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tiên tai yêu cầu các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động phòng tránh, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tuấn Minh
|
Mặt trận Tổ quốc TP.HCM trích 18 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiên tai
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM cho biết, đã đề xuất trích từ Quỹ cứu trợ của TP.HCM số tiền 18 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12 (Damrey) và mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cụ thể, hỗ trợ đồng bào tỉnh Khánh Hòa 2 tỷ đồng, Phú Yên 2 tỷ đồng; Quảng Nam, Quảng Ngãi (mỗi tỉnh 1,5 tỷ đồng); các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng mỗi nơi 1 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng đã tổ chức 5 đoàn trực tiếp đi thăm đồng bào bị thiệt hại.
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, các đơn vị kinh tế, đồng bào trong và ngoài nước hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại đến hết ngày 30/1. Địa chỉ tiếp nhận sự hỗ trợ: trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, số 57 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM hoặc qua tài khoản số 000.870 406.001.484, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương - Chi nhánh Bình Chánh, phòng giao dịch Kỳ Hoà, TP.HCM.
Quốc Ngọc
|
Nhóm Phóng Viên Miền Trung