Dựng lại nhà sau bão

05/11/2017 - 19:47

PNO - Có lẽ hình ảnh tốt đẹp và quen thuộc nhất của cha trong lòng chúng tôi chính là hình ảnh ông gắn với cái mái nhà.

Bóng ông đen đen in hằn trên nền trời xám, tay kiềm, tay cuộn dây thép buộc cái này, giặm vá cái kia.

Dung lai nha sau bao

Đàn ông miền Trung từ nhỏ đã học cách dựng nhà, dựng rào, sửa nhà. Chị em tôi toàn "vịt giời" mà biết thắt nút dây chão, đóng đinh, nhào vữa... còn trước cả cầm bút.

Trước mỗi trận bão, cha tôi kè kè chiếc radio nghe diễn tiến hướng bão. Ông "đi tuần" tới lui buộc chỗ này, chèn chỗ kia. Nhà tôi cấp bốn, cũ nát, trận bão nào chẳng bị giật tung vài mảng. Có trận bay toàn bộ mái ngói, chỉ còn bốn bức tường ngó lên trời.

Cái chuồng heo cuối vườn khi nào chẳng tan hoang, bình địa sau bão. Cây cối trước nhà ngã ngổn ngang. Chúng tôi chui ra sau khi trời ngớt mưa, thân thể cũng ẩm xì, hôi hám vì ngấm nước mưa tạt mấy ngày trời, phải đạp lên lá, trèo lên cành mà ra. Nhưng ra khỏi nhà, nhìn trời mây xanh thắm, trong ngăn ngắt sau bão, lũ em tôi hò reo ra đường nhặt trùn, lội nước.

Tôi lớn nhất hiếm khi được đi chơi, thường theo sau lưng cha đạp chân trần lên cây, cột, ván, ngói, gạch và trăm thứ bà dằn rác rến gió bốc, nước cuốn từ đâu tới, lòng cũng ngổn ngang chẳng biết bắt tay dọn từ thứ gì. Cảm giác bao cố gắng xây dựng, vá víu giờ tan hoang hết, trở về con số không; cảm giác buồn tủi và bất lực khiến đôi tay đàn ông vốn mạnh mẽ của cha tôi đã bủng đi vì đói ăn, vì ngâm nước, như chỉ muốn buông thõng đầu hàng số phận.

Dung lai nha sau bao

Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Mẹ tôi tìm được đôi ủng, lội bùn đi chợ kiếm bó rau, miếng thịt. Cha tôi xỏ chiếc găng bảo hộ lao động đã sờn lòng để nhặt từng miếng ván, miếng tôn, cục gạch...

Tôi không sao quên những ngày làm công việc "dọ thám" đi thu thập tin tức hàng xóm. Nhà nào có tang, nhà nào sập hết mái không còn chỗ ngủ, nhà nào gà lợn sổng chổng chạy đâu hết... Giữa rừng thông tin đó, cha mẹ tôi lọc chắt và sắp xếp rất nhanh, ghé nhà ai trước, mang thuốc men hay sơ tán lũ trẻ về nhà mình, vì cha chúng đã bị cây đổ đè gãy chân, mẹ phải vào viện chăm nuôi...

Ngày bão, tình hàng xóm là thứ bỗng thiêng liêng quý báu, dù trước kia có mích lòng nhau cỡ nào. Cô tôi vốn hiếm khi nhìn mặt chị dâu, nhưng tối nào cũng đội gió bão sang thăm hỏi mẹ tôi cái thùng thực phẩm có cần thêm chục trứng gà nhà cô vừa đẻ không?

Nắm đèn cầy tôi mua để gắn lồng đèn vui trung thu cho bầy em trở thành hàng quý hiếm trong đêm mất điện, mẹ nói tôi đem chia khắp xóm, chỉ giữ 1 cây cho nhà mình.

Dung lai nha sau bao

Dựng nhà sau bão nếu chỉ hì hục một mình, chắc cha tôi sẽ cô đơn giữa trời đất ghê lắm. Nhưng quê tôi hiếm khi người ta bỏ rơi nhau lúc buồn tủi gian khó. Những nhóm đàn ông tập hợp nhau lại, chia nhau các đầu việc, cùng dựng lại nhà này, cùng vá lành nhà kia. Không khí khẩn trương và sôi nổi.

Ừ thì sống chung với bão, phải can đảm và đoàn kết. Con người nhỏ bé trước thiên tai, chịu tổn thất đau thương nhưng con người chưa bao giờ chịu khuất phục khó khăn. Nhà sập rồi sẽ có cách này cách khác mà vững chãi trở lại.

Lũ chúng tôi lớn lên vào thành phố hiện đại, xa rốn bão để đi học. Cứ đau đáu cảnh những ngôi làng trù phú, những thị tứ nhộn nhịp chỉ một trận bão quét qua là như bị thần chết gạch tên. Tôi đã lên mạng xem hàng trăm bài viết phòng chống và khắc phục thiên tai. Toàn những điều ngoài tầm tay những nhóm đàn ông nhỏ lẻ như trồng rừng đầu ngừng, khơi sâu luồng lạch sông ngòi, xây hồ chứa điều tiết nước, bê tông hóa và dựng nhà sàn chống lũ....

Tôi đọc kỹ lắm những kinh nghiện tầm cỡ quốc gia của người Nhật như nghiên cứu ứng dụng các hệ thống quan trắc dự báo bão, động đất, sóng thần... theo dõi vô vàn những hội thảo khoa học, những sáng kiến phòng chống biến đổi khí hậu địa cầu...

Nhưng càng tìm hiểu tôi càng bất lực. Tôi chỉ có thể ghé các tiệm đồ xây dựng chọn mua những bộ dụng cụ kiềm búa, ốc vít, khoan điện... hiện đại để trang bị cho cái kho "đồ đàn ông" của cha tôi thêm phong phú, tiện dụng.

Cha tôi năm nay 70 tuổi. Ông vẫn tay búa tay kìm, khoác thêm cuộn sắt 6mm ở khuỷa tay vừa bắc thang leo mái nhà giặm vá lại sau trận bão kinh hoàng. Người đàn ông miền Trung vẫn chỉ có đôi tay "đấu" với cơn thịnh nộ của đất trời. Xót quá!

T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI