|
Gốc cây được chống đỡ, bao bọc cẩn thận, cành lá cũng đã xanh tốt - Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Bão càn qua, một gốc cây cổ thụ trên phố ngã xuống, bao người ngẩn ngơ…
Mùa thiên tai cuối cùng của năm 2020 chấm dứt với cơn bão mang tên Vamco. Một số nhà tốc mái. Cây xà cừ trước bến xe Nguyễn Hoàng, TP. Huế, đường kính hơn 1m, bị gió quật ngã. Cây được trồng cũng đã quá nửa thế kỷ, tạo ra một khoảng xanh rộng trên phố. Xe ôm, xích lô, hàng rong, người dạo phố cứ thế ngang qua, ngược về mà hưởng bóng mát.
Những cây cổ thụ giữa phố không chỉ cho bóng mát mà còn là nhân chứng lịch sử của cả một vùng đất. Nó chứng kiến đô thị Huế đi qua biết bao trầm luân, biết bao biến động để hướng về tương lai. “Tiếc” - người dân Huế và cả người ngoài tỉnh thốt lên như vậy khi nhìn thấy gốc xà cừ đổ xuống.
“Trồng lại, cứu bằng được gốc cây” là một quyết định hợp với lòng người. Gốc cây được cắt tỉa, dựng lại ở một khoảnh đất gần đó trước sự háo hức, chăm chú của người dân.
Cây lại đứng nơi góc phố thân quen, nơi mà mấy mươi năm nó hưởng dinh dưỡng từ đất, tỏa bóng mát che người, che đất. Người dân qua lại vẫn còn thấy được cây dẫu hình hài không còn như xưa, dẫu thương tích đầy mình. Một năm sau, cây sinh sôi nảy nở.
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè 2022, người ta xúm lại quanh gốc một cây xà cừ khác trước mặt Phu Văn Lâu, TP. Huế. Họ đào bới, di chuyển để trồng ở địa điểm mới. Vị quản lý giãi bày, cây xà cừ đã nghiêng ra quá nhiều phía ngoài đường, sợ mùa mưa bão đến gây nguy hiểm cho người, cho di tích Phu Văn Lâu. Cây sẽ được chăm sóc cẩn thận như cây xà cừ bị bão quật ngã mấy năm trước.
Dựng lại một gốc cây vừa ngã hay di chuyển, trồng lại gốc cây già ở một địa điểm mới không chỉ là trả nghĩa cho cây mà chính là dựng lại thứ tuyệt tác của thiên nhiên, tạo lại sinh khí tốt lành cho một vùng đất. Có đi đâu, ngồi đâu rồi cũng chẳng bằng đứng dưới tán cây. Ngửa mặt nhìn cây, nghe tiếng chim, nghe gió thổi rồi hít một hơi thật sâu, tâm hồn dẫu có buồn bực cũng trở nên hiền dịu.
|
Thêm một gốc cây xà cừ cổ thụ được đào gốc đem trồng lại ở nơi khác nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường - Ảnh: Công Bằng |
Về với cây, với rừng, với khí trời sẽ giúp ta có được nơi nương náu tốt nhất. Trước thiên nhiên, con người đã bộc lộ phần nhân tính tốt đẹp, sáng trong mà đôi khi bị những hệ lụy của đời phủ kín. Trồng cây xanh, rồi nương theo bóng cây mà đi, lòng sẽ bình yên. Dẫu mưa, dẫu nắng, bóng cây vẫn đem lại sinh khí cho con người.
Dẫu người đời có bạc với cây, cây vẫn không bao giờ tệ với ai. Nó vẫn cứ che bóng mát, cho ta những thứ tốt nhất. Không có con người, cây vẫn sống và sinh sôi nhưng không có bóng cây, con người sẽ chẳng trụ vững. Đừng lầm tưởng rằng những thứ hiện đại lắp trong nhà sẽ cho ta tất cả.
Dựng lại gốc cây vừa ngã không hẳn là bảo vệ một cây xanh mà là dựng lại cả một nơi mang đầy ký ức của đô thị, của cư dân. Những gốc cây cổ thụ dù ở phố hay ở quê đều là nơi lưu giữ không ít ký ức của con người. Có những người suốt một đời gắn bó, làm bạn với cây. Họ nương tựa vào cây mà sống, mà làm tri kỷ. Người Việt hay có thói quen cột dải khăn trắng vào mỗi gốc cây khi có người thân nằm xuống như một nét văn hóa, một sợi dây kết nối con người với cây cỏ, thiên nhiên.
Tử tế với cây xanh, đối đãi hòa nhã với thiên nhiên là bài học ông cha ta đã đúc kết muôn đời nay. Bởi, thiên nhiên có thuận, cuộc sống của con người mới thuận.
Nguyễn Đắc Thành