Khi những người làm cha mẹ được hỏi là vào những thời điểm nào họ dễ cáu giận nhất, cũng như dễ đi quá đà trong việc trừng phạt con cái khi chúng phạm lỗi, hay nói ra những lời khiến họ phải hối tiếc về sau, câu trả lời thường thấy đó là vào những lúc họ đang bận rộn, căng thẳng, những khi về nhà mệt nhoài sau một ngày làm việc vất vả.
Vào những thời điểm đó cha mẹ thường kém chịu đựng và chỉ cần một lỗi nhỏ của con cái cũng khiến họ bộc phát những phản ứng quá mức so với bình thường.
Cũng cần phải hiểu cho những người làm cha làm mẹ, họ thường phải thay đổi một cách đột ngột từ vai trò trong công việc sang vai trò làm cha mẹ mà không có lấy một khoảng trống nào giữa hai vai trò này. Bản thân họ cũng không nhận ra rằng mình cần phải dẹp bỏ vai trò trong công việc trước khi nhập vào vai tiếp theo của người làm cha mẹ.
Các phụ huynh cho tôi biết trên đường đi làm về họ thường phải suy nghĩ về những công việc trong ngày và không có lấy một “khoảng trống” nào trong tâm trí để ngồi lại, hít một hơi thật sâu và nghĩ về ngày đã qua, để có thể chuyển sang vai trò kế tiếp với một đầu óc tươi mới.
Gần đây tôi có tập huấn về giá trị sống cho một nhóm học viên làm nghề giáo viên, cũng là những người làm cha mẹ. Một trong các nội dung tập huấn là để cho các giáo viên có một khoảng trống mỗi ngày để thư giãn và suy nghĩ về bầu không khí của gia đình mình, từ đó tìm ra những giá trị nào họ cần củng cố để cải thiện bầu không khí đó.
Các học viên đã trung thực chia sẻ. Một người nhận xét rằng trong mắt của các học sinh và đồng nghiệp cô luôn là hình ảnh của một giáo viên kiên nhẫn, vậy mà mỗi khi trên đường từ trường về nhà trong đầu cô lại luôn thấy cảnh con mình quậy phá ở trường, không chịu làm bài tập, hay không dọn dẹp phòng ốc gọn gàng và nỗi tức giận trong cô cứ thế lại càng lúc càng tăng.
Lúc về đến nhà cũng là lúc cô cảm thấy căng thẳng và mất bình tĩnh. Chỉ cần một lỗi nhỏ của bọn trẻ cũng khiến cô nổi cáu với chúng. Bước tiếp theo của tiến trình suy ngẫm, cô nghĩ đến bầu không khí ở nhà vào các buổi tối mà theo cô là căng thẳng và kém vui, cả hai vợ chồng đều phản ứng tức thời ngay cả với những lỗi lầm nhỏ nhặt của con cái. Cô quyết định sẽ củng cố hai giá trị Bình an và Khoan dung mỗi khi trên đường về nhà và tìm hiểu xem hai giá trị này có thể cải thiện bầu không khí trong gia đình ra sao.
Ngày hôm sau cô kể lại với mọi người là gia đình cô đã có một bầu không khí hoàn toàn mới mẻ và tích cực suốt tối qua, cả cha mẹ và con cái đều vui vẻ chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện của nhau. Sau đó cả nhà cùng chơi vui đến nỗi không ai nghĩ đến việc mở tivi. Thật hiếm khi gia đình có được một buổi tối như vậy.
Một bà mẹ khác kể rằng cô đã suy nghĩ về hình ảnh của mình hối hả chạy xe về nhà mỗi chiều và ngay lập tức nấu bữa ăn tối cho gia đình. Khi đó đứa con gái ba tuổi của cô thường chạy vào bếp và níu áo mẹ. Vì vội nấu nướng, cô thường bắt con đi ra chỗ khác, la mắng nó và đôi lúc còn phát cho đứa bé một cái để buộc nó ra khỏi bếp.
Mường tượng lại cảnh này từ góc nhìn của một người quan sát, người mẹ chia sẻ rằng cô đã hiểu ra tại sao con gái cứ hay níu kéo mình mỗi tối. Đó là bởi vì đứa bé yêu mẹ và muốn gần gũi với mẹ, nó nhớ mẹ khi cô phải đi làm cả ngày. Đứa con gái bé bỏng muốn mẹ ôm mình và nghe mình líu lo về những việc đã xảy ra trong ngày.
Sau khi suy ngẫm về điều này, người mẹ quyết định mỗi ngày sẽ dành ra 10 – 15 phút để chơi với con gái mỗi khi đi làm về. Cô sẽ hỏi han và lắng nghe con. Đứa bé được mẹ chú ý sẽ thấy mình được yêu thương và cảm thấy thoả mãn, còn bà mẹ sau đó có thể yên lòng đi nấu bữa tối. Nếu đứa trẻ vẫn muốn vào bếp cùng mẹ, cô có thể giao cho con làm giúp mình một công việc đơn giản và điều đó sẽ khiến cả hai mẹ con đều thấy vui.
Bằng một thay đổi nhỏ này người mẹ có thể nhìn thấy bầu không khí trong gia đình của mình sẽ thay đổi ra sao và cảm thấy hào hứng để thực hiện nó. Tiến trình học hỏi này của người mẹ thật sự rất đơn giản: chỉ bằng cách lùi lại để làm người quan sát các tình huống trong cuộc sống, theo dõi và rút ra bài học từ những thói quen hiện tại và tìm cách để cải thiện nó.
Cuộc sống của chúng ta đang ngày càng trở nên bận rộn hơn. Các bậc cha mẹ thường phải vội vã chuyển từ vai trò này sang một vai trò khác mà không có lấy một khoảng dừng. Chúng ta cần đổ xăng để nạp năng lượng cho chiếc xe máy của mình. Nhưng là con người, dù có lúc quả là chúng ta cũng vận hành như những cỗ máy, ta không đơn thuần chỉ cần nạp năng lượng từ thức ăn mà thôi!
Chúng ta còn cần có những “khoảng lặng” cho bản thân để có thể suy ngẫm, thư giãn, và đơn giản chỉ là để “sống”. Không nhất thiết phải đi nghỉ hay “giấu mình” ở một nơi xa nào đó; chỉ cần ta dành vài phút trong ngày để bước lùi lại và suy ngẫm, hít thở sâu, suy tư và thư giãn.
Hãy dành ra vài phút mỗi buổi sáng khi thức dậy để hình dung về một hình ảnh tích cực hay có một vài suy nghĩ tích cực. Bạn cũng có thể tìm đọc một vài điều gây cảm hứng, khích lệ trong giờ trưa để tâm trí trở nên tươi mới và có thêm năng lượng, thay vì chỉ nạp thức ăn cho cơ thể. Một thời điểm quan trọng khác có thể sử dụng để thực hiện điều này là khi bạn đang trên đường về nhà.
Trước tiên hãy dành ra 5-10 phút trong tĩnh lặng tại chỗ làm việc hay một nơi gần đấy. Ngồi thoải mái, hít thở một vài hơi thật sâu.. để cho toàn thân thư giãn và trở nên tĩnh lặng. Hãy nhìn vào tâm trí giống như khi bạn đang xem một cuốn video .. một cuốn phim về ngày bạn vừa mới trải qua, những tình huống, những lần giao tiếp trong ngày… Mỗi khi gặp cảnh nào mà bạn cảm thấy không được thoải mái hãy chấp nhận nó, và tìm ra bài học hay kinh nghiệm cho bạn từ đó, rồi cho nó qua đi để bạn có thể tiếp tục xem những cảnh khác trong ngày.
Hãy đóng tất cả những sự kiện trong suốt một ngày làm việc của bạn… thư giãn và tĩnh lặng rồi về nhà trong sự bình an, để bạn có thể tươi mát và toả sáng trong vai trò tiếp theo, vai trò của một người cha, người mẹ, người vợ, hay người chồng… Cũng giống như với một chiếc máy vi tính, nếu trong cùng một lúc ta mở ra quá nhiều tập tin và chương trình thì điều gì sẽ xảy ra?
Hoặc là máy chạy chậm lại, hoặc đứng hẳn mọi hoạt động. Chúng ta cũng y như vậy, nếu mở ra cùng một lúc qúa nhiều tập tin về những gì đã xảy ra với ta trong ngày, chuyện của ngày hôm qua, suy nghĩ về buổi chiều, lo lắng cho ngày kế tiếp,.. chúng ta cũng sẽ không thể nào vận hành tốt cho được.
Vậy những người làm cha mẹ hãy nhớ rằng mỗi khi cảm thấy choáng ngợp vì quá nhiều việc và căng thẳng, tốt nhất hãy dành ra vài phút, một khoảng dừng cho mình để đóng lại mọi “tập tin”, mọi sự kiện trong ngày, trước khi bạn có thể an nhiên trong vai trò tiếp theo.
Trish Summerfield
Cố vấn trung tâm Innerspace – Làm giàu thế giới nội tâm TPHCM