Dựng lại cuộc đời “thi sĩ của thương yêu”

26/02/2022 - 06:27

PNO - Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái đầu lòng của nhà thơ Nguyễn Bính - đã dành rất nhiều năm tháng đi khắp nơi tìm kiếm tư liệu, chuyện kể về cha mình, và hoàn thành cuốn sách tâm nguyện của đời bà: "Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính".

“Hành trình sinh tử” của cha
Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính (ký sự nhân vật) là tác phẩm mới nhất của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, vừa được in từ trại sáng tác chủ đề Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM. Một cuốn sách dày dặn và sẽ gây xúc động cho những ai đã đọc. Đó là hành trình của con gái tìm kiếm hình bóng, những câu chuyện về người cha đã mất suốt dặm dài đất nước, trải bao tháng năm, và cũng là tâm nguyện đau đáu cả đời bà.

“Ngày cha tôi lên tàu tập kết trở lại cố hương, tôi mới tròn hai tuổi, cái tuổi miệng còn ngậm sữa, cho đến khi người nhắm mắt xuôi tay, tôi vĩnh viễn không được gặp lại cha mình. Vùng ký ức thiêng liêng về cha trong tôi chỉ là một vùng trắng. Tôi cố gắng góp nhặt từng chút một những mảnh ghép nhỏ, rời rạc, trải dọc dài đất nước, suốt cuộc hành trình một đời người - đời thơ của cha, ghi chép thành tập sách nhỏ như đã hằng ấp ủ dùi mài” - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu bày tỏ. Và theo cách ấy, người đọc cũng như được theo chân bà trong suốt hành trình tìm về nguồn cội, gia tộc, những năm tháng sống và viết của nhà thơ Nguyễn Bính. Bà dựng lại cuộc đời người cha yêu kính, người “thi sĩ của hương đồng gió nội” mà dân tộc yêu thương. Cuộc đời ấy bao phen bĩ cực, bao phen nghẹn ngào; đầy vinh quang mà cũng nhiều cay đắng.

Tác phẩm Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính
Tác phẩm Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính

Có rất nhiều câu chuyện chưa biết về nhà thơ Nguyễn Bính lúc sinh thời đã được con gái ông ghi chép lại, không né tránh những vui buồn khổ ải, và có cả sai lầm. Một thi sĩ nghèo rớt mồng tơi, lận đận từ Bắc vào Nam, sống qua những ngày gian khó và đau thương nhất. Tâm cảm ấy, nỗi niềm ấy và những người, những việc, thế thái nhân tình đều đi vào thơ ông, một cách dung dị, gần gũi, thấm tình. Đời thơ dài như đời người, mà mỗi chặng đường, mỗi nơi chốn, hay mỗi con người đã gặp, gắn bó, đi qua cuộc đời nhà thơ đều có thể phảng phất đâu đó trong thi văn của ông.

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa khi còn ở Hà Nội, và gắn bó với báo Hạnh Phúc lúc vào Sài Gòn. Cả hai tờ báo đều chật vật kinh phí và có tuổi thọ rất ngắn. Tên tuổi nổi tiếng trời Nam đất Bắc, nhưng thi sĩ nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong lần thứ hai vào Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Bính và hai nhà văn Tô Hoài và Vũ Trọng Can đã cùng nhau tổ chức bán vé cho buổi diễn thuyết văn chương tại rạp Thành Xương. Để tìm khách, Nguyễn Bính cầm xấp vé chào bán khắp các phố, nhà ga, góc chợ… Kết quả “tiền vé thu được vừa đủ ăn vài bữa cơm mạt hạng” và “vĩnh viễn không có buổi đăng đàn thứ hai”. Chuyện thật xót xa, những văn nhân thi sĩ sống mãi với thời gian đã từng có những ngày tháng cay đắng như vậy giữa Sài Gòn hoa lệ.

Cả cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính chưa bao giờ thôi nghèo khó, nhưng ông có yêu thương của muôn người. Cuộc hành trình phương Nam đã đưa người “thi sĩ của hương đồng gió nội” theo cách mạng, theo con đường của dân tộc, và từ đó ông đã gặp được người bạn đời của mình, bà Hồng Châu (Nguyễn Lục Hà, mẹ ruột của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu).

“Suốt đời mang mấy kiếp long đong”

Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính dày gần 500 trang, gói trọn vẹn cuộc đời 49 năm của thi sĩ (1917-1966 *). Trăm năm như một giấc mộng dài trong cuộc đời thi sĩ, cuộc đời thơ ấy trải qua biết bao biến cố của thời cuộc, bao cuộc chuyển dời, bao lần chia ly. “Sao đặc trời cao sáng suốt đêm/ Sao đêm chung sáng chẳng chia miền/ Trời còn có bữa sao quên mọc/ Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em…” - bài Đêm sao sáng, viết vào năm 1957 khi nhà thơ đã tập kết ra Bắc. Đó là nỗi nhớ dành cho người vợ miền Nam, bà Hồng Châu, từng là Đoàn trưởng Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, Phó ban Trinh thám đỏ 
Trà Vinh.  

Nhà thơ Nguyễn Bính và vợ
Nhà thơ Nguyễn Bính và vợ

Những trang viết của con gái tìm trong ký ức, tư liệu, lịch sử về hình bóng người cha như những thước phim chiếu chậm về cuộc đời thi sĩ. Cuộc đời “mang mấy kiếp long đong” từ xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đến những ngày tản cư, long đong kiếm sống trên đất Hà thành, rồi dấn bước vào phương Nam. Đâu đó như thể còn thấy hình ảnh thi nhân ngồi trên gác Nam Phong (của vợ chồng văn sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết ở Hà Tiên) viết trường ca. Đâu đó như thấy dáng hình tiều tụy của những ngày cơ hàn bĩ cực. Nhưng dù ở bất cứ thời điểm, tình cảm nào, mạch nguồn thi hứng chưa bao giờ vơi cạn.

Nguyễn Bính chép tay tập thơ Lỡ bước sang ngang để bán đấu giá kiếm tiền, Nguyễn Bính đi Huế ôm mộng diễn kịch Bóng giai nhân rồi vỡ mộng, Nguyễn Bính sống qua những ngày trong “tổ tò vò” chỉ đủ trải chiếc chiếu một người nằm vẫn viết Tỳ bà truyện… Và ông đã lặng lẽ từ giã cõi đời vào đúng ngày 29 tết sau khi đã “ăn một tô cơm đầy với tép kho”, đám tang thi nhân không kèn không trống…

Lúc sinh thời, thơ ông được nhiều người yêu thích, nhưng cũng có lời chê, phê bình trên báo chí, cho rằng thơ ông là vè, hoặc “có vấn đề”. Khi ông qua đời, thơ Nguyễn Bính vắng bóng trên thi đàn suốt hơn 20 năm. Mãi đến năm 1986, thơ ông mới được in lại và ngay lập tức bán hết hàng chục ngàn bản in lần đầu. Thập niên 1980-1990, thơ Nguyễn Bính đã vượt con số phát hành hàng triệu bản và sống mãi trong lòng bạn đọc.

Trong Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính, ngoài ghi chép về cuộc đời của cha mình từ hồi ức của nhiều người, con gái thi sĩ còn giải mã những uẩn khuất trong cuộc đời của thi nhân, giãi bày cả những nỗi khổ tâm mà bà đã gánh chịu hàng chục năm ròng khi bị đời dị nghị là “mạo nhận con Nguyễn Bính”. “Tôi hoàn toàn không có ý thanh minh, đính chính hay phản bác điều chi, chỉ cố hết sức mình trả sự thật về đúng chỗ của nó” - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ. Những sự thật cay mắt người hôm nay.

Cầm Thi

(*) Lâu nay nhiều tài liệu vẫn ghi năm sinh của nhà thơ Nguyễn Bính là năm 1918. Tuy nhiên, theo nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, trong gia phả dòng họ, năm sinh của ông được ghi là 1917

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI