Dùng lá trầu không trị nám, người phụ nữ bị loang lổ khắp mặt

12/08/2022 - 10:45

PNO - Vài tuần sau khi sử dụng lá trầu không đắp mặt, người phụ nữ 35 tuổi hoảng hốt vì khắp mặt loang lổ đốm trắng nâu.

 

Gương mặt chị T. loang lổ vết trắng, nâu trải dài từ má tới cằm
Gương mặt chị T. loang lổ vết trắng, nâu trải dài từ má tới cằm

Ngày 12/8, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - Phó trưởng khoa Laser và Săn sóc da (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cảnh báo về tình trạng tự ý điều trị nám gây hậu quả nặng nề. 

Sau khi sinh con thứ hai, chị N.T.T (35 tuổi, Hà Nội) bị nổi nhiều tàn nhang. Được người quen cho biết, lá trầu không có khả năng trị nám tốt lại giúp trắng da, chị dùng 10 lá trầu, ngâm vào nước sôi và đắp lên mặt hàng ngày. Tuy nhiên, nốt nám không những không mờ đi mà chỉ vài tuần sau, da chị đã mẩn đỏ, kích ứng. Hai bên má kéo dài tới cằm chi chít những đốm trắng, nâu. 

Giống như chị T., rất nhiều chị em trong "nhóm làm đẹp", được phổ biến dùng trầu không cũng gặp tình trạng tương tự. Quá hoảng hốt, họ cùng đến Bệnh viện Da liễu trung ương thăm khám.

Theo bác sĩ Thành, các bệnh nhân được chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng với các tổn thương nặng nề. Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp da bị tổn thương nặng nề do làm đẹp bằng lá trầu không. 

Bác sĩ lý giải, lá trầu không chứa hợp chất trong đó có 2 thành phần làm trắng rất mạnh là phenol và catechol. Lá trầu có tác dụng tẩy trắng chỉ sau thời gian ngắn, vài ngày hoặc vài tuần, và đây là giai đoạn đầu của phản ứng viêm.

"Sau khi bôi cao trầu không hay đắp lá vài ngày, vài tuần, người dùng sẽ thấy da trắng hồng. Nhiều người cho rằng đây là tác dụng chính của lá trầu không nhưng thực tế, da trắng hồng, ửng đỏ, ửng hồng là biểu hiện ban đầu của phản ứng viêm. Nếu tiếp tục bôi, da sẽ tăng sắc tố sau viêm diễn ra khi những mảng trắng bắt đầu thâm đen dần", bác sĩ phân tích.

Ngoài các trường hợp da bị tổn thương do dùng lá cây, rượu ngâm đắp lên mặt như một dạng… mặt nạ, bệnh viện này còn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tổn thương da do nhiễm độc corticoid sau điều trị nám, mụn. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân 50 tuổi tại Hà Nội. Bị nám da, chị tới một spa để điều trị và được hướng dẫn bôi một loại kem với giá bạc triệu. Tuy nhiên, sau 2 tháng sử dụng, da chị bỗng mẩn đỏ, ngứa, kích ứng, mụn lên nhiều hơn ở mặt và trán. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện da liễu Trung ương trong tình trạng giãn mạch trên da rất rõ và được chẩn đoán nhiễm độc corticoid.

Bác sĩ Thành cảnh báo, nám là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi 100% nhưng điều trị đúng cách, da sáng, khỏe, đều màu, có thể làm mờ vết nám được 70-80%. Bệnh nhân bị nám không nên tự ý điều trị, đặc biệt là dùng các sản phẩm kem bôi không rõ nguồn gốc, các loại rượu thuốc, lá cây... mà nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để thăm khám. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI