Đúng là một chàng trai... lì!

06/08/2023 - 09:00

PNO - Lỳ tên thật là Đặng Vũ Huy - 28 tuổi, quê ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - là chủ một quầy thuốc thú y. Đời Lỳ không hề phẳng lì nhưng Lỳ đã cố vượt qua, lì đòn để hơn 1 năm rưỡi sau Lỳ đi được và nói được.

Sinh ra trong một gia đình mẹ là giáo viên, ba làm nông, Lỳ và cậu em út được ăn học và trưởng thành trong gia đình ấm áp, vui vẻ. Lên cấp III, Lỳ được chọn vào lớp chuyên văn Trường THPT Chu Văn An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Một ngày cuối tháng 4/2013, khi Lỳ đang đi học thêm cùng bạn trên chiếc xe máy Cup 50 thì bị tai nạn. Người bạn chở Lỳ chỉ bị trầy xước nhẹ, còn Lỳ ở phía sau, ngã va đầu vào đá nên bất tỉnh.

Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, bác sĩ chẩn đoán Lỳ bị chấn thương sọ não, phải mổ gấp. Vậy là ước mơ làm thầy giáo dạy văn khi chuẩn bị thi vào Trường Sư phạm Huế của chàng trai giỏi văn đành dừng lại.

Lỳ rơi vào hôn mê, tình trạng ngày càng yếu. 10 ngày sau, Lỳ được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế. Lỳ phải thở máy suốt 1 tháng liền. Gần 3 tháng Lỳ nằm trên giường bệnh, không biết gì; tiền bạc không có sẵn trong nhà, cha mẹ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có đủ số tiền hàng trăm triệu đồng để chạy chữa cho con.

Cha mẹ Lỳ đếm từng ngày, mong sao con tỉnh lại. Mẹ của Lỳ - cô Lê Thị Ánh Tuyết - chia sẻ: "Lúc Lỳ nằm trong phòng hồi sức tích cực, mỗi lần nghe loa thông báo đọc tên con mình là tôi lại sợ. Sợ nghe tin xấu về con". Dần dần, Lỳ tỉnh lại, bị mất trí nhớ tạm thời. 

Lỳ bắt đầu với việc tập vật lý trị liệu tại bệnh viện. Được mấy tháng, Lỳ phải về nhà vì điều kiện kinh tế không cho phép. Về nhà, Lỳ cùng mẹ chiến đấu. Có những lần tập, ngã chảy máu, Lỳ vẫn cố gắng đến khi không tập nổi nữa mới dừng.

Lỳ tâm sự: "Lúc tập đứng chựng, 1 ngày té trên dưới chục lần, nhưng Lỳ vẫn nhịn đau. Tập đi thì té nhiều hơn, có khi còn chảy máu, nhưng vẫn cố bước". Mẹ bắt đầu tập đi cho con trai. Bà phải học phần chuyên môn giống các bác sĩ vật lý trị liệu - ngoài hoạt động trị liệu còn có âm ngữ trị liệu phối hợp với nhau.

Trong quá trình điều trị, 2 mẹ con lại tiếp tục theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của Lỳ để tiếp tục đưa ra những bài tập mới, những mục tiêu mới phù hợp với từng giai đoạn điều trị.

Từ tập đứng, đến khi đứng vững thì tập chựng, chựng vững thì bước, bước được thì tập đi. Ban đầu đi yếu nên Lỳ phải đội mũ bảo hiểm và tay chống gậy. Hằng ngày, cứ 4 giờ rưỡi sáng, Lỳ cùng mẹ tập luyện. Nằm trên giường, mỗi sáng Lỳ đều phát âm "a”, “ê" để tập nói.

Đúng là tên Lỳ! Đời Lỳ không hề phẳng lì nhưng Lỳ đã cố vượt qua, lì đòn để hơn 1 năm rưỡi sau Lỳ đi được và nói được. Đến nay, vẫn giữ thói quen đó, cứ đúng 4 giờ rưỡi sáng là Lỳ lại đi bộ khoảng 2km rồi mới về nhà ăn sáng và làm việc. Mẹ thấy thương con, bảo: "Con đi ít thôi, mưa gió nên ở nhà cho khỏe". Nhưng Lỳ không chịu, vẫn đi suốt, không nghỉ ngày nào.

Không đành lòng, hễ mưa gió là cô Tuyết lại cầm dù đi bên cạnh con. Lỳ thấy thương mẹ nên rút ngắn quãng đường đi của mình. Lỳ trích dẫn thơ: "Dẫu con đi hết cuộc đời/ Vẫn không đi hết những lời mẹ ru".

Lỳ (đeo kính) và em trai mừng sinh nhật mẹ
Lỳ (đeo kính) và em trai mừng sinh nhật mẹ

Ngay khi đi được, Lỳ đến trường cấp III mình học để đăng ký thi tốt nghiệp nhưng được đặc cách và nhận bằng. Lỳ thi đậu vào Trường trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, chuyên nghành chăn nuôi thú y.

Bắt đầu với ngôi trường mới nhưng lại khó khăn khi Lỳ không thể đi xe máy được. Vậy là cứ đều đặn mỗi ngày, mẹ lại chở Lỳ đến trường và chở về, suốt 2 năm trời dù nắng hay mưa.  

Ra trường với tấm bằng loại ưu. Được hơn 1 năm, Lỳ nhận thấy bà con quanh vùng chăn nuôi nhiều nhưng lại không hề có cơ sở nào gần đó bán thuốc thú y. Thế là năm 2018, Lỳ bắt đầu mở quầy thuốc thú y tại nhà.

Lỳ đã bắt đầu tự nuôi sống bản thân, không còn phụ thuộc vào gia đình nữa. Những khó khăn, trắc trở của Lỳ đã được đền đáp xứng đáng. Người dân trong vùng nghe tin có quầy thuốc thú y đều đến mua; người không mua thuốc thì đến để hỏi cách thức cho ăn, cho uống, cách chăn nuôi sao cho đúng để phát triển.

Khách hàng phản hồi tích cực là niềm vui lớn nhất Lỳ đạt được trong mấy năm qua. Lỳ tâm sự: "5 năm qua, Lỳ đã cho ba mẹ sự an tâm về mình, không cần phải lo lắng cho Lỳ nữa".

Mong muốn lớn nhất của Lỳ là: "Mọi người hãy xem Lỳ là người bình thường biết vươn lên thay vì một người khuyết tật biết cố gắng. Nếu cuộc đời bằng phẳng quá, e rằng không có Lỳ của ngày hôm nay". 

Vân Trình
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI