Là một nhân viên IT luôn bận rộn với công việc, chị L.C.Ng. (ngoài 50 tuổi) đã thuê cô giúp việc người Indonesia Murni Panengsih (25 tuổi) chăm sóc người mẹ 96 tuổi của mình. Đến một ngày, chị cay đắng nhận ra mình đã giao phó người mẹ già mình rất thương yêu cho một kẻ nhẫn tâm.
Mới đây, tòa án Singapore đã tuyên Murni Panengsih 10 tháng tù vì phạm đến 15 tội (mức bồi thường cho mỗi tội danh lên đến 5.000 USD) vì bạc đãi, hành hung người già.
Trước đây, trong mắt L.C.Ng., Murni là một cô gái lương thiện, có vẻ chịu thương chịu khó, hiền lành, ít nói. Chị thuê Murni từ tháng 12/2013 để chăm sóc người mẹ bệnh tiểu đường, thận yếu, phải nằm liệt giường. Bà cụ đã lẩm cẩm, lúc nhớ lúc quên. Sau một thời gian, thỉnh thoảng bà cụ lại bâng quơ nói, có ai đó muốn giết bà, nhưng chị L.C.Ng. và anh trai cứ nghĩ mẹ mình không tỉnh táo. Đôi lúc, họ cũng thấy xuất hiện vết trầy, bầm tím trên mặt và người của mẹ, nhưng hoàn toàn không nghĩ đến việc mẹ mình đang gặp nguy hiểm.
Trong phiên xử Murni, chị L.C.Ng. nghẹn ngào: “Tôi đã quá vô tâm. Nhiều lần tôi thấy cô ấy cố tình ngồi bên cạnh mẹ mà không biết đó là cách cô ấy uy hiếp tinh thần để mẹ không dám nói ra sự thật”.
Tháng 9/2015, chị L.C.Ng. đặt camera theo dõi khi bắt đầu hoài nghi cô giúp việc. Murni “lộ mặt”. Thấy cảnh Murni liên tục tát, thúc chỏ, dùng băng keo y tế bịt miệng và đánh đập bà cụ qua điện thoại di động được kết nối với camera, chị L.C.Ng. tức tốc chạy về nhà để can thiệp. Điều làm chị đau lòng và hối hận nhất là câu trả lời quen thuộc của mẹ: “Cô ấy chăm sóc mẹ tốt lắm”. Nỗi sợ hãi Murni gieo vào tâm trí bà cụ lớn đến mức bà không dám nói sự thật với chính con ruột. Ám ảnh bạo hành còn sâu đậm đến nỗi, dù Murni đã bị cảnh sát bắt nhưng bà cụ vẫn im lặng và trầm cảm cho đến khi qua đời ba tháng sau đó.
Trước khi tòa tuyên án, các chuyên viên tâm lý đã làm việc với Murni. Cô thừa nhận hành vi sai trái của mình và cho biết, cô từng rất thích chăm sóc người già vì đó là một công việc có ý nghĩa. Thế nhưng, cô dần mất kiểm soát khi sức khỏe của bà cụ ngày càng tồi tệ. Bà thường làm ồn giữa đêm, bốc mùi khó chịu vì vệ sinh tại chỗ, khiến Murni mất ngủ liên tục, dẫn đến rối loạn tinh thần và cáu bẳn.
Tuy nhiên, đó chỉ là những thông tin mang tính tham khảo. Quan tòa cho rằng, đó không phải là lý do chính đáng để biện hộ cho những hành vi độc ác của Murni.
Tháng Bảy vừa qua, camera ở Trung tâm chăm sóc người già Mitcham Residential Care (Anh) đã ghi lại được cảnh nhân viên Corey Lyle Lucas (29 tuổi) khi đút ăn cho một cụ ông 89 tuổi đã bịt miệng, mũi, cố làm cho cụ nghẹt thở. Camera do con gái ông cụ, chị Noleen, lén đặt tại trung tâm. Noleen chấp nhận đối mặt với cáo buộc quay lén để làm rõ sự thật về những hành vi bạo hành mà người già ở trung tâm đang phải chịu đựng.
|
Cụ ông người Australia bị nhân viên chăm sóc tấn công trên giường bệnh. Ảnh: ABC |
Trước đó, khi Noleen hỏi chuyện, cha chị chỉ lẳng lặng quay mặt chỗ khác. Linh cảm có điều bất thường, Noleen quyết định đặt máy quay lén. Chị chia sẻ: “Tôi có biết về chính sách cắt giảm chi phí cho trung tâm đã ảnh hưởng đến lương và đời sống của nhân viên, nhưng không thể vì vậy mà anh ta đối xử với bố tôi như thế”.
Nhân viên trên đã nhận án tù 10 tháng. Tình trạng những nhân viên chăm sóc bạo hành người già đang là nguy cơ báo động trong bối cảnh con cái không đủ thời gian tự chăm sóc cha mẹ. Ở Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với tình trạng dân số già tăng nhanh, đã dẫn đến quá tải đối với nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Thống kê năm 2014 cho thấy, có đến 300 vụ bạo hành người già, tăng gấp đôi so với năm 2012.
Chuyên gia xã hội học người Mỹ Sue Lanza lý giải, hầu hết những người làm nhiệm vụ chăm sóc người già phải đối mặt với áp lực rất nặng nề, từ bảo đảm về y tế, dinh dưỡng đến mọi sinh hoạt của người bệnh. Họ thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, dễ cáu bẳn vì phải phục vụ người già, vốn có sức khỏe thể chất và tinh thần đều dưới mức bình thường. Những nhân viên này làm việc 24/24, bất cứ khi nào người bệnh có nhu cầu.
Chuyên gia Sue Lanza cho rằng, người thân của những cụ già cần hiểu áp lực của nhân viên chăm sóc; không nên khoán trắng công việc cho họ mà cần chia sẻ, dù đã trả lương sòng phẳng. Theo chuyên viên tư vấn hỗ trợ nhân viên chăm người già Carol Bradley Bursack, việc gia tăng kênh hỗ trợ nghiệp vụ, tham vấn cho nhân viên là vô cùng cần thiết, vì sau một thời gian làm việc nhất định, mỗi nhân viên cần được trao đổi chuyên môn, đánh giá lại quá trình làm việc và có định hướng cho tương lai gần.
Carol Bradley thường xuyên tham vấn cho nhân viên chăm sóc người già trên trang www.agingcare.com. Chị cho biết, nhân viên chăm sóc người già không chỉ cần có kiến thức mà còn rất cần được hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và tâm lý để không có cảm giác mình đang phải chịu thiệt thòi.
Việc chăm sóc người già đòi hỏi sự tận tâm và tấm lòng nhân ái của những nhân viên đã được đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, hơn tất cả, sự thấu hiểu và chia sẻ từ gia đình mới là liều thuốc tăng lực ý nghĩa nhất cho cả người được chăm sóc cũng như những người làm công việc chăm sóc người già.
Thiên Nhu
(Theo New Paper, ABC, Elder Care Link, Japan Times, Aging Care)