|
Học sinh THPT hiện nay cần những thông tin hướng nghiệp trải nghiệm hơn là những kiến thức suông |
Nhóm học sinh Trường THCS Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TPHCM) vừa có buổi trải nghiệm ngành quản trị nhà hàng - khách sạn, quản trị bếp và ẩm thực tại Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM. Các em đã vào bếp nấu ăn, pha chế thức uống dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, anh chị sinh viên và được thưởng thức các món ăn do chính tay mình thực hiện.
Gương mặt các em hiện rõ sự hào hứng. Chắc rằng, các em sẽ có hình dung ban đầu về nghề bếp, về ngành nhà hàng. Biết đâu trong số đó, có vài em phát hiện ra thiên hướng của bản thân, dần yêu thích và sẽ chọn học nghề bếp ngay khi học xong bậc THCS.
Dù tốn thời gian, công sức và có thể khó khăn khi liên hệ với doanh nghiệp, các trường để đưa học sinh đến nhưng rõ ràng, việc trải nghiệm theo kiểu “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” cho học sinh cái nhìn trực quan về các ngành nghề trong xã hội. Chỉ có trải nghiệm thực tế, nhúng tay vào việc, học sinh mới hình dung ra những nghề cụ thể, dần định hình nghề nghiệp tương lai.
Trên thực tế, không nhiều trường THCS chịu khó tổ chức các chuyến trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh. Cách làm thường thấy là cứ sau khi địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp Mười, các trường sẽ đẩy nhanh tiến độ ôn tập cho học sinh, tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh.
Gọi là tổ chức tư vấn hướng nghiệp nhưng thực chất là giáo viên định hướng cho những học sinh có học lực không tốt đi học nghề. Khi đó, cả phụ huynh lẫn học sinh đều chưa nghĩ đến việc này, cũng chưa có khái niệm gì về một nghề nghiệp cụ thể nào, từ đó gây ra bức xúc.
Theo học các trường nghề phù hợp cũng là hướng đi tốt bởi nhu cầu lao động qua đào tạo đã tăng trong thời gian gần đây. Nhưng cách định hướng nghề nghiệp của nhà trường cần phải tránh gây sốc cho học sinh. Lẽ ra, giáo viên nên cung cấp các con số thực tế, chỉ rõ quy trình, các hướng đi và khuyến khích tính tự chủ, tự quyết của phụ huynh, học sinh.
Phân luồng sau THCS không phải là chuyện mới. Trước đây, đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề cập về phân luồng nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Đến nay, số học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề vẫn rất thấp so với chỉ tiêu 30% nói trên.
Hằng năm, học sinh sau THCS được hướng vào 4 luồng chính: học tiếp lên THPT, học giáo dục thường xuyên, học nghề, đi làm kiếm sống. Nhưng thực tế, phần lớn học sinh (70% đến hơn 80%) chọn học tiếp lên THPT.
Với chương trình giáo dục mới 2018, Bộ GD-ĐT đã đưa nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vào bậc THCS nhằm giúp học sinh có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp, lập được kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản. Tuy vậy, khi triển khai, nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng.
Thực chất, cách làm lâu nay ở nhiều nơi vẫn là hướng nghiệp suông nên vẫn nặng tính hình thức và dĩ nhiên không hiệu quả. Luồng nghề cũng chưa được bố trí phù hợp nên chưa thu hút người học. Do đó, theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện việc giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp mà quan trọng là thực hiện mô hình kết hợp dạy văn hóa bậc phổ thông với dạy nghề. Khi phụ huynh, học sinh thấy được những lợi ích của luồng nghề thì họ sẽ tự giác, tự nguyện đến với trường nghề.
Quế Minh