Đừng hỏi trẻ "tại sao con không tránh thai?"

19/02/2023 - 15:03

PNO - Gần đây, báo chí thông tin liên tiếp các vụ việc nữ sinh 11, 14, 16 tuổi sinh con bất ngờ, cha mẹ không hay biết con mang thai. "Có cách nào dạy con tránh thai hiệu quả" là vấn đề tiếp tục khiến cha mẹ đau đầu.

Sắm bao cao su cho con

Từ ngày 2 cậu con trai dậy thì, bước vào tuổi yêu, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chủ động mua vài hộp bao cao su cho vào tủ thuốc gia đình.

Anh nhẹ nhàng nói với bọn trẻ: “Ba sắm rồi, các con đừng ngại, cứ mang đi phòng hộ”. 2 đứa trẻ đỏ mặt. Người cha giải thích ngắn gọn rằng sự chuẩn bị không bao giờ là thừa. 

Anh Hùng theo dõi số bao cao su, thấy có vơi đi. Anh tin rằng các con đã dùng để bảo vệ mình và bạn gái. Theo anh Hùng, những đứa trẻ 15 - 16 tuổi đã phát triển đầy đủ các nhu cầu cảm xúc, rất khó cấm chúng không được yêu hay không được "làm chuyện người lớn".

Ngoài việc trang bị bao cao su cho con, anh Hùng cũng thường xuyên nói với con về tình yêu nam nữ và việc chọn bạn gái, về các ứng xử trong tình yêu thế nào để không ảnh hưởng tới tâm lý và học hành.

Mỗi lần anh "rao giảng", các con chỉ cười, nhưng anh biết chúng đang nghe và dần dần "ngấm". Nhờ đó, con trai lớn 21 tuổi, con trai kế 19 tuổi đều không giấu việc có bạn gái và chưa gặp sự cố đáng tiếc nào trong tình yêu.

Chị Lê Hồng (33 tuổi, ngụ tại Tân Bình, TP.HCM) đứng ngồi không yên khi biết con gái học lớp 7 có người yêu. Cô bé cao tới 1,67 mét, nặng 54 ký, như một thiếu nữ trưởng thành. Con nói rằng: "Con yêu bây giờ là muộn, ở lớp các bạn có "crush" lâu rồi".

Đặc biệt, cô bé kể về việc các bạn ở lớp yêu nhau và thoải mái “vượt rào” như thế nào. Nghe con nói "chuyện người lớn” trong thế giới học sinh,  bà mẹ đỏ mặt. Chị Hồng không biết nên bắt đầu với con từ đâu, vì trẻ “lanh” hơn cả người lớn trong chuyện quan hệ nam nữ.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng cao theo từng năm. 

"Ai cũng cho rằng các sự cố mang bầu là do trẻ gái trẻ yêu đương nên dại dột. Song thật bất ngờ, lý do được chính các em gái tiết lộ, rằng cuộc yêu có thể từ các cuộc tụ tập sinh nhật, tụ tập bạn bè. Các em uống bia rượu, sử dụng một số loại chất kích thích khác nên không làm chủ được cảm xúc và phát sinh quan hệ. Thậm chí "vượt rào” với ai, mang thai của ai, nhiều bé cũng không nhớ. Ngay trong giới học sinh cũng có tình trạng “yêu” tập thể. Xong cuộc vui, có em đau khổ hối hận, có em không nhớ tránh thai, hoặc có tư tưởng "chắc không sao đâu", tới khi có thai thì phá. Đây là tâm lý vô cùng nguy hiểm. Bởi vì phá thai để lại hậu quả nặng nề ở bé gái, từ tâm lý tới thể chất" - bác sĩ Thành cho hay.

  Trẻ em biết cách tránh thai nhưng không thực hiện theo. Ảnh minh hoạ.
Trẻ em bây giờ hầu hết đã biết cách tránh thai, nhưng có khi các em chủ quan không thực hiện (ảnh minh hoạ)

Không nên dừng ở lý thuyết

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung - Giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, anh trò chuyện với rất nhiều bé gái mang thai ngoài ý muốn. Đa số trẻ “thuộc vanh vách" lý thuyết tránh thai nhưng trong tình huống dẫn tới mang thai lại không thực hiện.

Có em thẳng thắn chia sẻ rằng việc tránh thai vướng víu. Khi vào cuộc “yêu” chúng không nhớ gì, chỉ "theo tiếng gọi của con tim".

Tiến sĩ Trung cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên nói trực diện việc tránh thai như thế nào với trẻ vị thành niên, thay vì nói lý thuyết suông như lâu nay.

Thạc sĩ Đinh Đoàn, chuyên gia tâm lý tại Hà Nội cũng đồng ý kiến, anh cho rằng: Trẻ biết cách tránh thai nhưng chúng không thực hiện, cũng giống như người lớn biết vượt đèn đỏ là sai, nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn làm. Chúng ta không nên đổ hết lỗi cho trẻ ở các tình huống này. Cha mẹ đừng hỏi trẻ những câu khó trả lời như: "Tại sao con không tránh thai?" khi chuyện đã xảy ra. 

Ông Đoàn cho hay, tỷ lệ trẻ mang thai mà chúng ta nắm được chỉ là bề nổi của tảng băng chìm về quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên. Theo ông, hiện nay cách giáo dục giới tính còn rất giáo điều. Thầy cô và chuyên viên tư vấn học đường nói các bài lý thuyết suông cũ kỹ cho hết buổi trò chuyện ở trường, các con nghe nhưng chúng không hứng thú vì chúng "biết hết rồi". Trong khi trẻ có quá nhiều kênh tiếp cận với kiến thức giới tính như có thể tự tìm hiểu trên mạng, qua sách báo... Có những đứa trẻ mới lớp 7, lớp 8 chúng đã đọc truyện ngôn tình, truyện 18+, xem phim “đen”. Từ đó, chúng "tỏ đường đi lối về" không kém người lớn.

Chúng ta muốn giáo dục giới tính hiệu quả, nhưng lại "thiếu mở lòng" với trẻ. Thạc sĩ Đoàn đưa tình huống: Nếu trong một gia đình mà trẻ làm mất cái bút cha mẹ đã la mắng, thì khi có bạn trai, khi lỡ mang thai... sẽ không nói với cha mẹ. Cha mẹ không sát sao với con trẻ, cũng không thể biết con mang thai.

Thạc sĩ Đoàn khuyến cáo cha mẹ nên nhìn vào thực tế: Trẻ sẽ yêu khi chúng dậy thì, không nên nghĩ tuổi học trò chỉ được phép học. Phụ huynh phải theo sát và trò chuyện với trẻ thật nhiều, đấy là cách tốt nhất để "bòn rút" bí mật của chúng. 

Hà Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI