Dùng hình Yến Lan minh hoạ cho Hàn Mặc Tử: Là ẩu chứ không phải nhầm!

12/02/2017 - 11:51

PNO - Không chỉ hình Yến Lan bị cho là Hàn Mặc Tử, Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng được "hô biến" thành Phan Thanh Giản, thơ của Nguyễn Du bị in sai chữ… tại Ngày thơ Việt Nam 2017 vừa qua.

Trước sự chỉ trích khi Ban tổ chức (BTC) Ngày thơ Việt Nam 2017 sử dụng nhầm lẫn hình ảnh của nhà thơ Yến Lan cho phần thơ của... Hàn Mặc Tử, nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, cho rằng sự nhầm lẫn này là do... trời tối.

Nhà văn Hữu Thỉnh cho biết ban ngày Văn Miếu là khu du lịch nên BTC chỉ có thể thi công được vào buổi tối trong điều kiện thiếu ánh sáng nên mới có sự nhầm lẫn đáng tiếc này.

Nghe lời xin lỗi của của vị có chức sắc cao nhất hội nhà Văn Việt Nam mà thấy thật khôi hài. Bây giờ là những ngày đầu năm của năm 2017 chứ không phải là của năm 1977 khi mà đất nước vẫn còn khó khăn đến độ thiếu ánh sáng, gây khó khăn cho công việc nào đó. Việc tổ chức sự kiện bây giờ cũng không chỉ phụ thuộc vào mỗi ánh sáng. Nó là cả một quá trình tìm hiểu, chuẩn bị và sau đó mới diễn ra chứ không chỉ đơn thuần là chuyện móc cái kẹo trong túi đặt lên bàn và diễn ra sự kiện.

Thế nhưng, việc sử dụng ảnh nhầm lẫn chưa phải là lỗi duy nhất. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng được hô biến thành... Phan Thanh Giản, câu thơ nổi tiếng của cụ Nguyễn Du thì bị in sai từ chữ "trời" thành "đời". Sự nhem nhuốc còn thể hiện ở chỗ, chỉ cần ai đó để ý kĩ sẽ thấy, những biển tên được dán đè lên, vẫn còn hiện chân chữ ở phía dưới. Một sự kiện lớn về văn chương, rốt cuộc lại được tổ chức cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp, nhem nhuốc như thế.

Một năm chỉ có một ngày dành cho người làm thơ đến để tụ tập, gặp gỡ, giao lưu. Mỗi năm cũng chỉ có một ngày để Hội nhà Văn Việt Nam thực sự có vai trò rõ ràng trong việc gắn kết các nhà thơ (đã và đang hoạt động) và công chúng yêu thơ trên cả nước.

Thế nhưng ngay cả với ngày duy nhất họ được tạo điều kiện để khẳng định vị trí bản thân thì những người tổ chức cũng đã tự cầm bút và vẽ nguệch ngoạc lên mặt mình trước khi xuất hiện ở sân khấu lớn cất cao giọng đọc. Còn lại những ngày trong năm họ làm gì? Họ yên thân trong "tháp ngà" của chính mình, để đọc cho nhau nghe thơ, để bình những tác phẩm văn học và trao giải cho các Hội viên mà bất chấp tác phẩm đó có đến được với đám đông hay không.

Dung hinh Yen Lan minh hoa cho Han Mac Tu: La au chu khong phai nham!
Chân dung nhà thơ Yến Lan được minh hoạ cho thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh: FB Kiều Mai Sơn

Ngày hội thơ chỉ để đọc thơ? Vậy các hoạt động nhằm khuyến khích, phát lộ các tài năng thơ sẽ như thế nào? Đã có một tập thơ nào được ra đời từ ngày thơ chưa? Đã có một tài liệu nào thống kê sau 15 lần tổ chức đã có bao nhiêu đầu sách thơ được chọn in, được vinh danh và số lượng nhà thơ tăng giảm như thế nào? Tuyệt nhiên không thấy có những số liệu đó. Vậy tính mục đích của ngày thơ chỉ là đến và đọc thơ cho nhau nghe, chấm hết?

Muốn duy trì một hoạt động cần phải có cả sự phát triển đồng bộ trong cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Ngày thơ Việt Nam nếu cứ hoạt động theo mô hình đơn giản, cung cách tổ chức nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp và "mạnh ai nấy làm" như thế này thì dù có tổ chức thêm vài chục năm nữa, những đóng góp cho thi ca Việt Nam cũng không ghi nhận được là mấy.

Đến chân dung nhà thơ còn vẽ vội thì lấy gì mà làm tử tế được? Câu hỏi đó, gay gắt nhưng không phải ngẫu nhiên. Mà đó là vẽ nhà thơ - đối tượng được tôn vinh chủ đạo trong ngày thơ hàng năm.

Thật đau lòng khi nhiều nhà thơ trong mấy ngày qua đã “hài hước” với nhau rằng có lẽ cố nhà thơ Hàn Mặc Tử đã tiên liệu được điều này nên ông từng cảnh báo trong 1 bài thơ của mình: “Chân dung tôi xin người đừng hoạ bậy/ Cuộc đời tôi khổ đau đã nhiều rồi”. Kết quả, ngày hôm nay con cháu thơ của ông vẫn gắn ông vào chân dung nhà thơ Yến Lan

Đức Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI