Ngày 23/2, chủ kênh YouTube Chị thám tử đã đăng tải video dài 5:29’ có tên “Trúng phải độc dược thôi miên, mất trắng tài sản”, sử dụng hình ảnh một người phụ nữ Chăm, trong trang phục truyền thống của người Chăm thôi miên cướp tài sản. Ngay lập tức, video này vấp phải phản ứng từ phía cộng đồng Chăm.
Báo Phụ nữ TP.HCM đã có những trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kiều Maily xoay quanh câu chuyện này.
Phóng viên: Là người Chăm, gắn bó với văn hóa dân tộc mình, cảm xúc đầu tiên của chị khi xem video dàn dựng cảnh người Chăm thôi miên cướp tài sản là gì?
Kiều Maily: Tôi thật sự rất bức xúc, không chỉ riêng tôi mà cả cộng đồng của tôi. Cảnh dàn dựng trong video đã bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự một cách rất nặng nề cho cả một cộng đồng dân tộc. Ít nhiều tôi không khỏi nhớ tới những bất công, những kỳ thị đã từng nghe đâu đó. Nhưng cũng thấy ngay là chuyện này vượt qua phạm vi cộng đồng Chăm, dân tộc Chăm và động đến tình cảm, danh dự của mọi dân tộc. Dù nhân danh bất cứ mục đích nào, không ai có thể bêu xấu cả một dân tộc như thế.
* Chuyện này có lẽ không phải là lần đầu tiên xảy ra?
- Rất nhiều lần trước đây, có một số trang cá nhân và cụ thể là facebook của “Nick Thay Sơn”, đã đăng tải video vào lúc 10:30, ngày 23/11/2019 có nội dung người Chăm đi bán thuốc dạo. Lời thoại trong video này cũng tương tự người Chăm đi thôi miên cướp tài sản và bắt cóc trẻ em. Việc vu khống và xúc phạm danh dự người Chăm khiến cả cộng đồng người Chăm rất bức xúc. Cũng may, video chỉ được đăng trên trang cá nhân bình thường, không phải trên một kênh youtube với lượng người xem lớn như trường hợp “Chị thám tử”.
* Hiện nay, có tình trạng các kênh youtube khai thác những câu chuyện giật gân nhằm câu view. Tôi đồ rằng, trường hợp này cũng không ngoại lệ?
- Không thể có ý nghĩ tốt được, và trong suy nghĩ của tôi, đó là điều không thể chấp nhận. Dẫu có nói đúng (trong một trường hợp cá biệt nào đó) đi nữa, thì đây vẫn là một cách trình diễn sự thật hoàn toàn thiếu văn hóa. Không thể đưa câu chuyện cá biệt thành một hình ảnh tiêu biểu của cả một cộng đồng, một dân tộc với danh xưng, khuôn mặt, màu da và trang phục đặc trưng. Tôi không muốn nghĩ rằng youtuber Chị thám tử (hoặc một số cộng sự viên của họ) có tư tưởng kỳ thị người Chăm; nên đành chấp nhận nghĩ rằng họ chỉ là những cá nhân hời hợt, muốn câu like kiếm view một cách dễ dãi và vô văn hóa, tùy tiện.
* Trước phản ứng của cộng đồng Chăm, họ đã gỡ bỏ nội dung nói trên. Cộng đồng của chị chấp nhận lời xin lỗi
đó chưa?
- Trong đời, ai cũng có lúc sai lầm, quan trọng là thái độ ăn năn khi lỗi lầm đã rõ. Qua phát biểu trên trang cá nhân, tôi thấy, chủ kênh Chị thám tử đã kịp thời nhận thức tính trầm trọng của câu chuyện, và đã xin lỗi cộng đồng Chăm. Tuy nhiên, đó chỉ là một lời xin lỗi vội vàng, chưa thỏa đáng; vì chưa đủ để ngăn chặn làn sóng kỳ thị dân tộc đang lan truyền và những hậu quả không hay xảy ra từ sự bức xúc không riêng gì từ cộng đồng Chăm. Họ hứa là sẽ thực hiện một video khác, rõ rệt hơn, để phục hồi một cách thỏa đáng hình ảnh cộng đồng Chăm. Họ cũng nên xin lỗi cả những người đã ủng hộ và theo dõi kênh của họ trong thời gian qua, khi đăng tải một nội dung “lỗi” về mặt văn hóa như vậy.
* Khi ngưỡng văn hóa - giải trí chạm đến ngưỡng của kỳ thị dân tộc?
- Đây không phải là giải trí vui đùa quá trớn, mà tệ hơn nữa khi kênh này dàn dựng với tham vọng giúp đỡ và giáo dục quần chúng. Phê phán một nét văn hóa (hủ lậu) là công việc đáng làm, khác với việc bêu xấu tính cách cả một dân tộc thông qua một tính cách (lỗi lầm tưởng tượng) của một cá nhân nào đó. (ngụ ý) cho rằng cả dân tộc đó (màu da như vậy, ăn mặc như vậy, tên gọi như vậy...) là kỳ thị dân tộc với hậu quả đôi khi tàn khốc, ai cũng biết.
* Tôn giáo và dân tộc luôn là hai yếu tố nhạy cảm và phải cẩn trọng khi đụng vào. Kênh YouTube này có thể không lường trước được hệ quả khi xây dựng nhân vật là người Chăm như thế. Chị có điều gì muốn lưu ý đối với những người làm nội dung, những chủ kênh giải trí khác?
- Đây là bài học dành cho họ. Tôi muốn lưu ý rằng, các bạn hãy tránh xa những thủ đoạn câu view rẻ tiền, đánh vào thị hiếu dễ dãi của đám đông vốn hay tin vào những câu chuyện hấp dẫn, hoang đường. Dàn dựng như thế vì “không lường trước được hệ quả”? Có nghĩa là sẽ tiếp tục làm thế nếu không bị phản đối mạnh?
Trái lại, tôi nghĩ rằng mỗi cá nhân hoặc một nhóm, hay một tổ chức nào đó, phải tự đặt cho mình những giới hạn không vượt qua dựa trên đạo làm người, cũng như những quy tắc về văn hóa, nhất là khi quyền của dân tộc ít người đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo hộ.
“Lỗi lầm” này cũng có thể đi ra từ một tâm thức xa hơn, từ một phông văn hóa đã cũ kỹ còn sót lại từ ngàn năm Bắc thuộc, coi là man di mọi rợ các giống dân thiểu số đông tây. Có lẽ, vì họ chưa hiểu rằng, một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa như Việt Nam, tất cả các giống dân, các nền văn hóa khác nhau, chính là tài nguyên to lớn làm giàu cho tất cả các cộng đồng chung sống.
* Cảm ơn chị.
Trưa 24/2, ê-kíp Chị Thám tử đã đăng lời xin lỗi đến cộng đồng Chăm; đồng thời gỡ bỏ toàn bộ nội dung. Tuy nhiên, có một kênh giải trí khác nhanh chóng đã tải về và đăng lại, hiện ê-kíp đã báo cáo với YouTube để gỡ bỏ
|
Cốc Vũ (thực hiện)