PNO - Ở nhiều vụ án hình sự, đặc biệt là những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, khi cần củng cố thêm chứng cứ, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phải dựng lại hiện trường.
Đây là bước quan trọng trong tố tụng hình sự nhằm khẳng định, không bỏ lọt tội phạm cũng như không kết tội người vô can. Tuy nhiên, với nhiều vụ việc, đặc biệt là các vụ án xâm hại trẻ em, việc dựng hiện trường luôn lợi bất cập hại!
"Mẹ ơi, chuyện này xong chưa mẹ?"
Câu hỏi của con gái (cháu D., 9 tuổi, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) khiến chị N.T.N. rơi nước mắt. Chị nói: “Ngày 3/4/2019, phát hiện con gái bị ông T. xâm hại, tôi đã tố cáo ông ta, đến nay cả gia đình tôi chưa một ngày yên ổn. Cháu D. thì hoảng loạn, học hành không thể tập trung. Gặp đàn ông, kể cả những người thân thiết trong gia đình, cháu cũng né tránh, không dám đến gần. Sau hai lần đến công an xã, và cơ quan điều tra công an huyện về, cháu cứ hỏi tôi, chuyện này đã xong chưa. Thiệt tình, tôi không biết phải nói sao với con”.
Dù không biết chữ, nhưng qua giải thích của cơ quan điều tra, chị N. hiểu rõ, bé D. có thể còn phải “đối diện” với cán bộ điều tra thêm ít nhất một lần nữa vì án hiếp dâm trẻ em vượt thẩm quyền thụ lý của công an xã, huyện. Thế nhưng, rắc rối là ngày 14/4 vừa qua, khi cơ quan điều tra yêu cầu chị N. phải đưa con gái đến nơi xảy ra sự việc để “dựng hiện trường”. Do không muốn con mình thêm tổn thương, chị N. đã từ chối và bị lập biên bản với nội dung “người nhà nạn nhân từ chối dựng hiện trường”. Chị N. chưa hết lo âu: “Họ bắt tôi ký biên bản vậy thì có khép lại vụ án của con tôi không? Làm gì thì làm nhưng xin đừng để con gái tôi bị “xâm hại” thêm lần nữa”.
Từ khi phát hiện con gái bị xâm hại, bà mẹ mù chữ N.T.N. (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) phải bỏ hết việc đồng áng, chuyển sang nghề may gia công tại nhà, để tiện vừa làm việc vừa chăm sóc con
Trong những ngày này, chị H.T.T.T., P.14, Q.Tân Bình cũng đang phập phồng chờ đến ngày “dựng hiện trường” vụ con gái 5 tuổi bị xâm hại ở khu nhà trọ. Chị bộc bạch: “Nửa tháng sau khi xảy ra chuyện, con tôi vẫn chưa hoàn hồn, giờ bắt cháu làm lại cảnh bị sờ soạng, tôi lo quá”. Được luật sư tư vấn, chị T. đã từ chối đưa con đến nơi dựng lại hiện trường. Cơ quan điều tra cho biết họ sẽ dùng hình nhân thay thế. Tuy nhiên, cán bộ điều tra lại yêu cầu chị T. tìm hình nhân thay thế giúp. Thế là ngày 22/4 vừa qua, bà mẹ trẻ đã gửi con, gửi quán để đến cơ quan điều tra đưa cho họ con búp bê(?!).
Rất may là cả hai bà mẹ đã từ chối yêu cầu khá kỳ lạ của các điều tra viên, không để con xuất hiện ở các cuộc dựng hiện trường. Các cấp Hội Phụ nữ cũng kịp thời lên tiếng ngăn chặn việc làm tổn thương thêm cho hai đứa trẻ. Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN H.Hóc Môn - cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo của chị N., chúng tôi đã tìm hiểu, và trước buổi làm việc với HĐND thành phố giữa tháng 4/2019 vừa qua, Hội đã hỏi đại diện công an lý do bắt buộc nạn nhân phải có mặt tại hiện trường thì được giải thích là do công an viên ở xã có sự nhầm lẫn nên mới yêu cầu như vậy. Với những vụ việc như vậy, hoàn toàn có thể dựng hiện trường mà không cần có sự hiện diện của đứa trẻ”.
Chỉ dựng hiện trường khi thật sự cần thiết
Sự nhầm lẫn và những yêu cầu khó hiểu của các điều tra viên đã đẩy người thân của các nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD) vào sự lo lắng, bất an. Chị Lôi B.V., mẹ của bé N.L., 5 tuổi, nạn nhân trong vụ án XHTD trẻ em tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi hồi tháng 12/2017, cho biết: “Hơn một năm qua, mỗi lần nhìn con gái co ro sợ sệt hoặc giật thót khi gặp đàn ông lạ là tôi lại đau xót trong lòng. Tôi nhớ hoài cái bữa công an xã và huyện xuống dựng hiện trường, khi chú công an kêu bé bước vào căn phòng nơi xảy ra sự việc, con bé đã chạy ngược lại ôm chặt chân tôi… Cuối cùng, hiện trường ấy không thể tái hiện”.
Tuy nhiên, điều chị V. đau xót nhất là vụ án kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của cả gia đình chị. Đã vậy, vụ án tưởng “chìm xuồng” khi Công an huyện Củ Chi ra quyết định đình chỉ vì không đủ chứng cứ. Cũng may là nhờ các đoàn thể, Hội Phụ nữ can thiệp nên vụ việc mới được lật lại.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Ở từng vụ án, tùy vào đánh giá của cơ quan tố tụng, nếu xét thấy cần thiết, sẽ tiến hành dựng hiện trường nhằm củng cố chứng cứ và làm sáng tỏ các tình tiết. Đặc biệt ở các vụ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại như các vụ án xâm hại trẻ em, nhiều khi việc dựng hiện trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, luật không hề bắt buộc nạn nhân phải trở lại hiện trường để diễn lại cảnh mình bị tấn công, xâm hại, mà cơ quan điều tra, với nghiệp vụ của mình có thể tìm người hoặc dùng hình nhân thay thế...”.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, nguyên tắc tố tụng hình sự của các vụ án liên quan trẻ em là phải vì lợi ích của trẻ. “Hãy tránh, đừng để vì khâu dựng hiện trường, củng cố chứng cứ của cơ quan điều tra mà một lần nữa xâm hại trẻ”.
Mô hình “một cửa” chống xâm hại trẻ em
Mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đã đề xuất với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện mô hình “một cửa” nhằm chống XHTD trẻ em.
Bà Thu Hà dẫn chứng số vụ XHTD có chiều hướng gia tăng, nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng ở nhiều nơi, trong một số vụ việc, còn chậm, gây bất bình dư luận.
Chẳng hạn như vụ Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy, vụ thầy giáo chủ nhiệm sờ mó nhiều học sinh nữ ở Bắc Giang… Bên cạnh đó, mức phạt đối với những vụ quấy rối tình dục phụ nữ còn thấp, chưa có tính răn đe. Việc giám định trong một số vụ việc còn chậm, nhiều vụ khi đưa nạn nhân đến cơ sở giám định thì không còn dấu vết XHTD nữa; nạn nhân và gia đình gặp khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu giám định. Bà Thu Hà đề xuất sửa Luật Giám định tư pháp theo hướng cho phép gia đình người bị hại được trực tiếp trưng cầu giám định pháp y ngay sau khi bị xâm hại mà không phải chờ cơ quan tiến hành tố tụng từ chối trưng cầu giám định thì mới được trực tiếp trưng cầu giám định như luật hiện hành.
Theo bà Thu Hà, các biện pháp xử phạt về quấy rối tình dục hiện không nghiêm khắc, tội danh tấn công tình dục cũng chưa hề được đề cập trong bất kỳ điều luật nào. Bà đề xuất Chính phủ đưa ra những chế tài xử phạt đủ mạnh, đảm bảo sự nghiêm minh trong các vụ XHTD trẻ em.
Cũng theo bà Thu Hà, đã đến lúc thực hiện mô hình “một cửa” chống XHTD trẻ em để tiếp đón, hỗ trợ, thu thập thông tin, tư vấn và áp dụng các quy trình pháp lý đầu tiên giúp nạn nhân và gia đình. Đây là mô hình mà nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc… đã và đang áp dụng.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.