Trong cuộc trò chuyện cùng một nhà thiết kế nổi tiếng gắn liền sự nghiệp với áo dài truyền thống, tôi còn nhớ rất rõ ánh mắt rạng rỡ của anh khi kể về tủ áo dài của mẹ, của bà, từ những năm tháng đất nước còn khó khăn nhưng cốt cách và phẩm hạnh người phụ nữ vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận qua từng nếp áo.
Anh kể về niềm hân hoan khi được sờ vào từng tấm vải lụa dùng để may áo dài của mẹ. Tấm vải nhẹ như làn nước chảy qua từng ngón tay, mát lạnh và thơm lành mùi vải mới. Phụ nữ xưa giữ gìn áo dài rất kỹ, họ thậm chí kết từng chiếc nút, hoặc lên lai chiều dài quần và tà áo bằng chính sợi chỉ làm ra tấm vải may áo, để không ai nhận ra đường may.
Áo dài xưa có chiếc cổ cao, lưng thật thẳng để giữ tư thế ngẩng cao đầu và dáng đi thẳng tắp của người con gái. Những chiếc nút bấm cũng không phải tình cờ mà có. Đó là thứ rất dễ bung ra nếu người mặc nó có những hành động thiếu nữ tính hay quá táo bạo.
Điều đó cũng có nghĩa, người mặc áo dài được mặc định trong hình ảnh dịu dàng và nền nã, nhưng kiêu hãnh và quý phái như chính bộ trang phục làm nên con người họ. Dù họ thuộc tầng lớp nào, thành phần gì, chỉ cần khoác chiếc áo dài lên người, thì họ xứng đáng được người đối diện nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ và lòng trân quý thật thà.
Đó là những gì tôi biết về áo dài xưa qua lời kể của anh. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, tà áo dài truyền thống cho đến nay đã được bàn tay nhà thiết kế tung hứng nhào nặn với không biết bao nhiêu là biến thể. Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng có hai mặt, tốt hơn hoặc tệ hơn, những biến thể cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bên cạnh những biến thể hợp lý, hợp hoàn cảnh xã hội hiện đại, cũng có không ít biến thể gây tranh cãi.
Đó là những chiếc áo dài được may bằng vải ren, thậm chí là lưới hoặc vải trong suốt thay vì sử dụng chất liệu lụa mềm mại. Rất nhiều ca sĩ, người mẫu đã diện những thiết kế này lên sân khấu, thậm chí là đấu trường nhan sắc mang tính quốc tế như trường hợp Nguyễn Thị Loan trong những thiết kế áo dài gây tranh cãi của nhà thiết kế Võ Việt Chung khi tham gia cuộc thi Miss World 2014.
Xen lẫn với những người đẹp được đông đảo công chúng đánh giá cao về gu ăn mặc với bộ sưu tập áo dài nền nã gồm nhiều thiết kế biến thể rất chừng mực, tinh tế; thì nhiều tên tuổi đình đám khác trong làng showbiz Việt để lại trong lòng khán giả những ấn tượng không mấy dễ chịu với hành động "làm tội" áo dài. Chẳng hạn hình ảnh áo dài mix với legging màu chói và boot da cao cổ, hay mốt áo dài buộc vạt "có một không hai" của ca sĩ Mai Khôi từng khiến khán giả vô cùng sửng sốt.
Bên cạnh đó, những chiếc áo dài vượt xa hình ảnh truyền thống như cổ khoét sâu, lưng áo để trần, tay ngắn, tà trên đầu gối, mix với quần jeans, quần lửng, thậm chí là váy đụp hay quần culottes mà rất nhiều cô gái diện trong một dịp quan trọng như tết cổ truyền vừa rồi cũng là những biến thể áo dài gây không ít khó chịu.
Đó là chưa kể những thiết kế áo dài ăn theo bộ phim Cô Ba Sài Gòn, với chiếc băng đô tai thỏ và những họa tiết thân áo được cho là mô phỏng theo hoa văn được ưa chuộng vào thời Sài Gòn những thập niên 70, 80.
Một phụ nữ từng trải qua thanh xuân của mình tại Sài Gòn - Gia Định năm xưa khẳng định với tôi rằng: làm gì có họa tiết đó vào thời kỳ ấy. Thuở đó, chúng tôi mặc áo dài màu trơn hoặc nếu có họa tiết thì chỉ là những bông hoa rất nhỏ đổ xuống thân áo có màu thật nhã nhặn, chừng mực. Chúng tôi tô son đỏ, đeo mắt kính đen thật to như những quý cô sang cả. Còn cái băng đô tai thỏ thì không phải ai đeo cũng hợp và kết hợp với áo dài thì lại càng không.
Nhiều người đổ lỗi cho thị hiếu thẩm mỹ và gu ăn mặc của phụ nữ ngày nay không còn tinh tế và sang trọng như phụ nữ Việt xưa. Nhưng tôi đồ rằng, điều này hơi phiến diện. Nếu mọi sai lầm đều là của người mặc thì vai trò của nhà thiết kế ở đâu? Họ là người tạo ra trang phục, vậy lẽ nào trong quá trình làm ra nó, họ mải chạy theo tiêu chí sáng tạo mà quên mất nhiệm vụ lớn nhất của mình là định hướng thẩm mỹ?
Thực tế có những nhà thiết kế (nổi tiếng, có tên tuổi) từng lai căng hóa chiếc áo dài truyền thống khi sử dụng một họa tiết đặc trưng của Burberry - một thương hiệu đình đám thế giới để làm ra một chiếc áo dài dự định sẽ sử dụng trong một cuộc thi nhan sắc mang tính quốc tế cách đây 4 năm. Tôi không tin những tư duy thiết kế như thế sẽ góp phần định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho người mặc, những phụ nữ luôn muốn mặc đẹp nhưng vẫn còn loay hoay trong khái niệm “đẹp thế nào mới đúng”?
Nhà thiết kế Việt Hùng cho biết, bên cạnh những biến thể khó chấp nhận thì thiết kế áo dài mix với quần tây hay quần jeans tuy có thể làm mất đi sự uyển chuyển, thướt tha, mềm mại vốn có của áo dài, nhưng bù lại nó mang đến sự năng động, nhanh nhẹn, hội nhập và hợp thời đại.
Theo anh, cuộc sống bây giờ vội vã quá, không thể bắt những bạn trẻ năng động chọn bộ áo dài quá thướt tha, đi đứng phải từ tốn, khoan thai như ngày xưa được. Và đó cũng là điều làm nên sự khác biệt giữa phụ nữ ngày nay với phụ nữ ngày xưa. Họ năng động và vội vã hơn để có thể cáng đáng nhiều công việc cùng một lúc, chứ không phải cách ăn mặc kém tinh tế hay không còn thu hút người đối diện như người xưa. Nói thế thì tội cho phụ nữ ngày nay .
Nhưng có lẽ tốt nhất, chúng ta nên gọi những biến thể đi quá xa với áo dài truyền thống là những kiểu váy có "mượn" chi tiết của áo dài thì hợp lý hơn là gọi chúng bằng khái niệm "áo dài cách tân".
Nếu nhìn trên góc độ này, thì những thiết kế đó cũng không còn bị quá bó buộc trong những thể chế, nguyên tắc của áo dài truyền thống nữa. Khi đó chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bớt hà khắc hơn, bởi cái mới sẽ mãi chỉ là cái mới, chứ không phải là cái làm tệ đi cái cũ. Để mỗi khi xuống phố bắt gặp đôi tà áo dài của ai đó bay phấp phới trong gió chiều, lòng ta được chùng xuống, mềm mại, tình tứ như được ủ men của những tháng ngày xa ngái.
Hồng Hạnh