Đừng giữ bí mật về bệnh ung thư với con cái

27/03/2024 - 06:09

PNO - Với nhiều bậc cha mẹ, khi phải chấp nhận chẩn đoán ung thư, cuộc trò chuyện khó khăn nhất chính là lúc họ thông báo tin dữ cho các con.

Kate Catherine - công nương xứ Wales (Anh) - vừa tiết lộ: cô đã phải thông báo tin buồn về chẩn đoán ung thư của mình cho 3 đứa con nhỏ của mình. Cô chia sẻ: “Chúng tôi dành thời gian để giải thích mọi thứ với George, Charlotte và Louis theo cách phù hợp và trấn an chúng rằng tôi sẽ ổn thôi”.

Thẳng thắn nói với con

Với nhiều bậc cha mẹ, khi phải chấp nhận chẩn đoán ung thư, cuộc trò chuyện khó khăn nhất chính là lúc họ thông báo tin dữ cho các con. Trong video phát biểu hôm 22/3, công nương xứ Wales cho biết, tin tức về căn bệnh ung thư của cô là một “cú sốc lớn”.

Công nương xứ Wales cùng chồng và các con đến xem ngôi trường mà bọn trẻ sắp nhập học vào năm 2022 - Nguồn ảnh: Getty Images
Công nương xứ Wales cùng chồng và các con đến xem ngôi trường mà bọn trẻ sắp nhập học vào năm 2022 - Nguồn ảnh: Getty Images

Cô và chồng - hoàng tử William - có lẽ sẽ dành kỳ nghỉ lễ Phục sinh để giúp các con hiểu và chấp nhận căn bệnh của mẹ. Trong trường hợp của họ, cuộc khủng hoảng gia đình hoàng gia cũng là câu chuyện thời sự toàn cầu và họ cần nỗ lực để bảo vệ những đứa trẻ khỏi áp lực của sự đưa tin không ngừng nghỉ của truyền thông.

Ở tuổi lên 10, 8 và 5, George, Charlotte và Louis sẽ có mức độ hiểu biết khác nhau khi đón nhận chẩn đoán của mẹ. Dù vậy, các tổ chức từ thiện và bác sĩ ung thư đã khen ngợi lựa chọn của công nương. Trước đây, “ung thư” thường không bao giờ được nhắc đến trước mặt trẻ em. Kết quả, một số người trải qua nỗi thống khổ về cái chết của cha mẹ mà không biết nguyên nhân trong nhiều năm.

Hiện nay, theo tổ chức Cancer Research (Anh), “cởi mở và trung thực hầu như luôn là cách tốt nhất để giao tiếp với trẻ em; sự không chắc chắn hoặc không biết có thể khiến trẻ em khó đối mặt hơn sự thật”.

Kathy Hirsh-Pasek - giáo sư tâm lý tại Đại học Temple (Mỹ) - đồng quan điểm: “Trẻ em coi cha mẹ là tảng đá vững chắc. Nếu có điều gì đó phá vỡ sự ổn định đó thì đối với chúng, nó thật đáng sợ”. Giáo sư Hirsh-Pasek lưu ý rằng, trẻ em có khả năng quan sát cao nên nếu cha mẹ giấu điều gì đó, chúng sẽ nhận ra ngay.

Hadley Maya - nhân viên xã hội tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) - nói thêm: “Từ ung thư thường không khiến các em lo sợ như người lớn chúng ta. Việc không biết gì mới khiến chúng sợ hãi nhiều hơn”.

Làm thế nào để báo tin xấu?

Theo Cancer Research, trẻ nhỏ chỉ có những hiểu biết cơ bản về bệnh tật và có thể lo lắng bản thân đã làm điều gì đó gây ra bệnh ung thư hoặc sợ căn bệnh mang tính truyền nhiễm. Chúng có thể không diễn đạt được cảm xúc của mình mà thay vào đó thể hiện nội tâm thông qua tâm trạng hoặc hành vi.

Trẻ mầm non và tiểu học có thể bám lấy cha mẹ hơn bình thường và quay trở lại các hành vi cũ như mút ngón tay, giận dữ vô cớ hoặc đái dầm. Chúng cũng có thể thu mình lại hoặc nảy sinh những lo lắng và sợ hãi mới như sợ bóng tối, thú vật.

Một số phát triển các triệu chứng thể chất như đau đầu, đau dạ dày hoặc có thể khó ngủ, gặp ác mộng. Nhóm trẻ lớn hơn “hiểu rõ hơn về cách cơ thể hoạt động” và biết rằng con người có thể mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời theo bản năng, trẻ cũng dễ dàng nhận biết liệu cha mẹ có đang che giấu điều gì hay không.

Elizabeth Farrell - nhân viên xã hội tại Viện Ung thư Dana-Farber (Mỹ) - nói, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ kỹ về địa điểm và thời điểm để trò chuyện với con về căn bệnh. Cô khuyến khích mọi người chọn một không gian thoải mái như ở nhà, để trẻ phản ứng theo cách chúng muốn hoặc cần. Mặt khác, phụ huynh cần sử dụng những từ thực tế của chẩn đoán như “ung thư”, “hóa trị”, “phẫu thuật”… Theo cô Farrell, các bậc cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách nói với con rằng bản thân có một số tin tức quan trọng muốn chia sẻ và họ muốn chúng biết chuyện gì đang xảy ra.

Điều quan trọng tiếp theo sau khi đưa tin là đảm bảo cho bọn trẻ biết chẩn đoán sẽ ảnh hưởng đến chúng như thế nào trong cuộc sống hằng ngày - như phải tự đi đến trường hoặc cha mẹ có thể phải xa nhà một thời gian. Hãy đảm bảo cuộc sống của trẻ vẫn diễn ra bình thường nhất có thể về mặt hoạt động và lịch trình. Sau đó, cha mẹ nên cho trẻ một chút không gian để phản ứng, ngồi lại, đặt câu hỏi và giải tỏa cảm xúc. Cuộc nói chuyện sẽ rất xúc động và có thể đi cùng nước mắt, sự sợ hãi.

Cuối cùng, Farrell nói, trẻ em phải có khả năng duy trì cảm giác tin tưởng vào gia đình. Chúng không nên cảm thấy bị bỏ rơi hoặc không đủ quan trọng để được chia sẻ về căn bệnh của cha mẹ.

Ngọc Hạ (theo The Guardian, NPR, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI