Đừng gieo vào trẻ tính ghen ghét, đố kỵ

30/04/2017 - 06:30

PNO - Thương người một cách vô lý là hại người. Ghét người một cách vô lý là hại mình.

Tình cờ nhận ra nhau trong buổi phát thưởng của cuộc thi viết tại một tòa báo, tôi theo Hương, cô bạn thời trung học về nhà cô dùng bữa cơm trưa.

Dung gieo vao tre tinh ghen ghet, do ky
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đang phụ cô dọn cơm, cháu nội của cô, bé Đạt, đi học về khoe: “Nội ơi, hôm nay con được 8 điểm toán, được cô khen. Nhưng Phong, con cô Hoài, được 9 rưỡi lận đó”. Cô hỏi cháu: “Rồi con có chúc mừng bạn ấy không?”.

Bé Đạt vui vẻ: “Có, con chúc mừng bạn và bạn cám ơn con”. Cô hôn cháu nội đầy thương yêu, khen cậu bé giỏi, biết chung vui với bạn và khuyến khích thằng bé lần sau hãy cố đạt điểm cao như bạn Phong.

Đạt lên lầu rồi, cô nhìn tôi chia sẻ: “Mình dạy hai con mình và giờ là hai đứa cháu nội, ngoại phải biết chung vui cùng bạn. Nếu đứa bé về với số điểm thấp hơn bạn học, mình chê bạn nó, rồi tìm mọi lý do để nó thấy bạn nó không xứng đáng với số điểm đó. Hoặc chê nó học hoài không bằng bạn… thì như vậy mình đã gieo vào đứa trẻ những tính xấu: đó là ghen ghét và đố kỵ.

Với những tính xấu đó trẻ sẽ lớn lên đau khổ vì không thích bạn bè hơn nó. Từ đó, trẻ sẽ trả thù sự thành công của bạn bằng những câu mỉa mai, cay độc và bêu xấu bạn bè. Như thế là không tốt. Mình dạy con cháu phải biết hưởng hạnh phúc cùng bạn, đồng thời cố gắng hết sức để bằng bạn mình. Được vậy, con cháu mình mới thanh thản và vô tư sống trong tình bạn và xa hơn là cộng đồng chung quanh”.  

Điều cô nói khiến tôi suy nghĩ thật nhiều về bạn bè mình. Minh Tâm, bạn cùng trường và là hàng xóm của tôi. Hồi nhỏ, mỗi lần đến nhà bạn chơi, mặc chiếc áo mới, mẹ bạn thường trề môi chê bai tôi chiếc áo không được đẹp chỗ này, xấu xí ở chỗ kia. Không chỉ tôi, mà mỗi sáng Chủ nhật đứng trước nhà, mẹ bạn luôn tìm mọi khuyết điểm của những người đi ngang nhà để chê bai.

Nhưng đồng thời lại đưa Minh Tâm lên rất cao: “Cái đầm kia Minh Tâm nhà bác mặc mới đẹp, vì da nó trắng. Con bé kia mặc thấy tởm”. Ngay việc học, mỗi khi tôi được điểm cao, mẹ Minh Tâm lại nói, hẳn mẹ tôi có quà cáp cho cô giáo hoặc vì gia đình tôi khá giả nên cô giáo mới nể nang.

Không chỉ tôi mà bất cứ ai có điểm gì hơn Minh Tâm, là bà mẹ lên tiếng, nếu không chê bai thì cũng mỉa mai. Thí dụ Bích Trâm, là bạn cùng lớp với Minh Tâm, con bé có làn da trắng, mái tóc đen tuyền lại thêm hàm răng trắng đều. Con bé là “cây đinh” trong trường trung học của chúng tôi. Gặp Bích Trâm, mẹ Minh Tâm không ngần ngại: “Chà, đẹp như cháu là mai mốt ba mẹ nhờ rồi. Cuỗm được thằng nhà giàu tha hồ ba mẹ cháu hưởng phước”.

Tuy nhiên, điều rất nguy hiểm là bà mẹ đã tập cho Minh Tâm tính ghen ghét và đố kỵ trước những thành công của bạn bè. Minh Tâm chỉ “qua lại” với những người bạn “dưới cơ” mình, như nghèo hơn, ít thành công hơn, thậm chí người bạn nào bữa đói bữa no, bị chồng bạo hành hằng ngày… sẽ thấy Minh Tâm bên cạnh.

Nhưng người bạn đó xin được việc làm tốt, con cái ngoan ngoãn… tức thì nhận ngay những lời mỉa mai của Minh Tâm: “Chà, lúc này mày vui rồi. Con cái học giỏi sau này tha hồ ngồi đếm tiền”. Những tưởng Minh Tâm vui với những lời cay độc.

Không! Càng ganh ghét với những “cái được” của bạn bè và mọi người chung quanh, Minh Tâm càng thu mình trong vỏ ốc do chính mình tạo ra. Minh Tâm không thích đến thăm người quen cũng chỉ: “Đến thăm họ, thấy thành công của họ mình càng buồn”. Và nếu có vô tình gặp nhau thì cứ những lời cay độc tuôn ra: “Lúc này bạn sướng rồi… Có du lịch Tây Tàu gì không?”.

Vì vậy, nghe những lời của người bạn cũ mới gặp lại, tôi thấy ngay sự sáng suốt và có lý đó. Như câu danh ngôn chúng tôi từng bình luận ngày xưa: “Thương người một cách vô lý là hại người. Ghét người một cách vô lý là hại mình”.    

Nguyễn Ngọc Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI