Đừng gia hạn thời gian báo hiếu

14/10/2022 - 10:28

PNO - Tiền không thể mát-xa khi cha mẹ mỏi, không thể nói lời động viên khi cha mẹ buồn, không biết đứng bếp để xào được món rau với tất cả yêu thương.

 

đừng trả giá với thời gian, đừng gia hạn thời điểm báo hiếu (Ảnh minh họa)
Đừng trả giá với thời gian, đừng gia hạn thời điểm báo hiếu (Ảnh minh họa)

Nhận tháng lương đầu tiên, tôi đã dùng tiền mua quà cho má. Tôi chỉ có má, vì ba mất khi tôi học lớp Năm nên tôi đã nghĩ cái gì ngon, thứ nào tốt sẽ dành cho má.

Ngày lễ tết, tôi luôn cố gắng về nhà nhiều nhất có thể. Nếu đi du lịch đâu đó, tôi sẽ mời má cùng đi. Má đau bệnh, tôi không nói từ từ, mà thu xếp nhanh nhất có thể để về. 

Thực tế, đôi khi tôi không thực hiện được lời tự hứa một cách trọn vẹn, nhưng luôn nhanh nhất, tốt nhất. Vì má luôn trong lòng tôi, bất kể ở đâu, làm gì, má vẫn chiếm vị trí rất quan trọng đối với anh, chị em tôi.

Với tôi, cha, mẹ phải được nhận những điều tốt đẹp nhất từ con cái. Bởi, từ khi sinh ra bạn, niềm vui, nỗi buồn, là hạnh phúc, là tự hào, là mối bận tâm lớn nhất cuộc đời của họ, thương yêu, chăm chút và cho bạn hầu như mọi thứ có thể, một cách vô điều kiện. Dù nhỏ, dù lớn, ánh mắt cha mẹ vẫn dõi theo không rời, nên nhà thơ Chế Lan Viên mới viết: “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”...

Sự tần tảo, hy sinh của mẹ cha không gì đong đếm nổi. 

Thậm chí, có những hy sinh thầm lặng, cha mẹ chôn giấu đến hết cuộc đời, vì họ thấy không cần phải kể lể hay nhận công với con cái làm gì. Đó là sự hy sinh vô điều kiện với tấm lòng cao cả.

Với tôi, cha, mẹ phải được nhận những điều tốt đẹp nhất từ con cái. Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Với tôi, cha, mẹ phải được nhận những điều tốt đẹp nhất từ con cái (Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory)

 

Một lần về quê (Bình Thuận), tôi chứng kiến cuộc cãi vã giữa hai chị em nhà kế bên về việc cúng “mâm cao cỗ đầy” cho người cha đã mất. 

Người em có ý định mua thật nhiều món ngon vật lạ để làm giỗ cho cha, mời nhiều người đến tổ chức linh đình, để tưởng nhớ người quá cố, nhưng người chị không đồng ý.  Để thuyết phục em gái, chị nói: “Lúc cha còn sống, em không lo chăm nom, phụng dưỡng. Giờ cha chết rồi chăm chút có ý nghĩa gì nữa, mâm cao ai hưởng, món ngon vật lạ cũng con cháu ăn chứ người chết rồi hưởng được gì nữa?”.

Lắng nghe câu chuyện, tôi ngộ ra, nhiều đứa con khi còn cơ hội báo hiếu, thì không trân trọng, lúc cha mẹ nhắm mắt xuôi tay, mới ân hận muốn bù đắp.  

Có người còn nghĩ: cứ kiếm tiền nhiều hơn, đi xa vài năm, để ổn định cuộc sống, để từ từ… rồi báo hiếu. Liệu rằng chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa? Cha mẹ còn đợi chúng ta được bao lâu? Nếu may mắn cha mẹ còn đợi được thì lúc mắt mờ, chân run, lúc nhớ, lúc quên được cho ăn ngon, họ có thấy ngon, được cho mặc đẹp họ có thấy đẹp nghe lời yêu thương họ có cảm nhận được, nhớ được hay không?

Sao không báo hiếu ngay từ bây giờ, dù chúng ta còn chưa ổn định, còn chưa đủ sức mua của ngon, vật lạ… nhưng có thể cho cha mẹ những gì tốt nhất, đẹp nhất!

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Tốt nhất chính là hết lòng, hết dạ quan tâm, chăm sóc từ giấc ngủ đến bữa ăn, từ thể chất đến tinh thần hay chí ít là thường xuyên gọi điện cho cha mẹ đỡ nhớ. Tiền chỉ là phương tiện, nó không thể mát-xa khi cha mẹ mỏi, không thể nói lời động viên khi cha mẹ buồn, không biết đứng bếp để xào được món rau với tất cả yêu thương, càng không thể mỉm cười khi thấy cha mẹ vui.

Đừng chờ nữa, đừng trả giá với thời gian, đừng gia hạn thời điểm báo hiếu nữa. 

Lê Minh Huân
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI