Đừng "gắn mác" tự kỷ cho con

23/04/2023 - 07:44

PNO - Trẻ vốn tin tưởng vào cha mẹ, người nuôi dưỡng nên nếu người lớn cho rằng trẻ bị tự kỷ, bé lập tức tin và cũng cho rằng bản thân có vấn đề.

"Cô ơi, con bị tự kỷ"

Đó là câu nói bé N.T.H.H. (6 tuổi, ở Đồng Nai) trả lời thạc sĩ tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - khi chị bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu chào: “Chào con gái, cô giúp gì được cho con?”.

Câu trả lời của bé H. khiến chuyên viên tâm lý ngạc nhiên còn chị Nguyễn Thị Hồng - mẹ bé H. - ứa nước mắt: “Con tôi bị tự kỷ bẩm sinh”. Khi chị Quỳnh hỏi tên, tuổi, bé H. đều trả lời rành mạch. Chỉ những hình vẽ trên bàn, bé H. vẫn gọi đúng tên: ô tô, hoa hồng, em bé... Có điều, bé trả lời hơi chậm. Có những câu hỏi chuyên viên tâm lý phải lặp đi lặp lại hoặc giải thích để bé hiểu. 

  Trẻ trầm tính vẫn tương tác tốt, chơi trò chơi cùng chuyên viên tâm lý trong quá trình khám
Trẻ trầm tính vẫn tương tác tốt, chơi trò chơi cùng chuyên viên tâm lý trong quá trình khám

Sau thăm khám, chuyên viên tâm lý kết luận bé chỉ hơi chậm chứ không phải tự kỷ. Lúc này, mẹ bé vỡ òa: “6 năm nay, cả nhà luôn mặc định bé H. mắc tự kỷ bẩm sinh và đối xử với bé như với người tự kỷ”.

Theo chị Hồng, do bé H. là con đầu lòng nên chị rất quan tâm đến sự phát triển của con. Chị hay lên mạng tìm hiểu rồi quan sát biểu hiện của bé. Sau vài lần chị gọi tên, bé phản ứng chậm, ít trả lời, lại hay ngồi một mình, chị cho rằng con bị tự kỷ. 

Đáng nói, gia đình chưa từng đưa bé đi khám. Cha mẹ, ông bà cũng nghĩ như vậy và cư xử với bé như với trẻ tự kỷ, dẫn đến chính bé cũng cho rằng mình bị tự kỷ. Tới khi bé vào lớp Một, học chậm hơn bạn bè, thường ra một góc ngồi, cô giáo tư vấn nên đưa bé đi khám, cả nhà mới vỡ lẽ.

Khi chuyên viên tâm lý phân tích, cả nhà thở phào nhẹ nhõm, đồng thời rất hợp tác trong việc hỗ trợ bé điều chỉnh cảm xúc, hành vi. Chỉ sau một thời gian ngắn, bé H. đã lấy lại sự tự tin, nói chuyện, chơi đùa cùng bạn bè. Tuy bé chưa bắt kịp bạn bè trong học tập nhưng không còn nghĩ mình bị tự kỷ.

Không may mắn như bé H., người nhà bé T.T.K. (4 tuổi, ở Cần Thơ) vẫn một mực cho rằng con mình bị tự kỷ, không chấp nhận các đánh giá của bác sĩ lẫn chuyên gia. 

Lúc bé K. hơn 1 tuổi, cha mẹ bé thường xuyên cãi vã, bạo lực với nhau. Sau khi cha mẹ ly hôn, bé được gửi cho bà nội nuôi dưỡng. Bé K. thường quấy khóc, tức giận mỗi lần bà nội đi ra ngoài, không kịp pha sữa hay đơn giản là chậm đưa món đồ bé thích. Những lúc như vậy, K. hay giật tóc hoặc đập đầu mình vào giường. Bà nội bất lực, kể lại với cha bé. Ban đầu, cha bé quan sát, nhận thấy con mình cộc tính, dễ nổi nóng… nên đi hỏi hàng xóm. 

Dần dần, anh cho rằng con mình bị tự kỷ. Từ đó, anh luôn để con trong nhà, không cho giao tiếp với ai. Sáng, cha bé đi làm, tối muộn mới về. Gần đây, bà nội bé K. lớn tuổi, không thể chăm bé, cha bé muốn gửi con cho người chăm trẻ nhưng khi anh nói con bị tự kỷ, không nơi nào dám nhận. Anh đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám.

Lúc chị Quỳnh chơi trò chơi với K., bé vẫn giao tiếp, trả lời chính xác những câu đố, yêu cầu gọi tên đồ vật hay món đồ chơi bé thích. Đôi khi không hiểu, muốn nghe lại câu hỏi, bé K. ngước nhìn chị. 

Sau khi thăm khám, chuyên viên tâm lý xác định bé bị chậm phát triển có thể do ít được giao tiếp, trò chuyện, không có bạn bè, ít được ra ngoài... Cha bé không đồng ý. Anh nói: “Con trai tôi bị tự kỷ nhiều năm rồi. Bé hay tự đánh, đập đầu mình. Đây là biểu hiện rõ nhất của tự kỷ. Ở quê của tôi có trường khuyết tật nhưng người ta nói phải có giấy chứng nhận mới cho con học được”.

Vì vậy, anh đi nhiều nơi khám cho bé. Song, chưa có nơi nào chẩn đoán con anh bị tự kỷ, mà chỉ là chậm phát triển, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi. Bé cần được hỗ trợ về tâm lý và can thiệp sớm để điều chỉnh hành vi. Đáng tiếc, đến phiên điều trị thứ hai, cha bé vẫn một mực muốn nhận giấy chứng nhận tự kỷ cho con. Khi không được chấp nhận, anh không đưa bé tới khám nữa.

Tự kỷ hay trầm cảm?

Thạc sĩ Nguyễn Quí Quỳnh cho biết hiện nay, trẻ bị tự kỷ chiếm khoảng 50 - 60% trong tổng số bệnh nhi đến khám. Đa số các bé mắc bệnh nhẹ, phát hiện sớm nên có thể can thiệp, hỗ trợ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều phụ huynh lầm tưởng trầm tính, trầm cảm là tự kỷ. Điều này rất ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Bé H. vẫn chơi trò chơi, trả lời các câu hỏi của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM
Bé H. vẫn chơi trò chơi, trả lời các câu hỏi của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM

“Trẻ con rất tin tưởng cha mẹ, người nuôi dưỡng. Nếu gia đình vô tình “gắn mác” tự kỷ cho trẻ, trẻ cũng sẽ tin vào điều này. Thế nhưng, người thân nên phân biệt rõ giữa tự kỷ, trầm tính hay trầm cảm để hỗ trợ kịp thời cho trẻ” - chị Quỳnh nói.

Nhiều người cứ nghĩ trẻ ngồi một chỗ, ngại nói chuyện, thích ở một mình, ít tương tác, ít bạn bè, rối loạn hành vi, tự làm đau mình... là tự kỷ nhưng thực ra không phải.

Trên thực tế, tự kỷ rối loạn trong cả ba lĩnh vực bao gồm hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội có thể phát hiện ở giai đoạn trẻ 12 tháng tuổi, 18 tháng tuổi và 24 tháng tuổi. Các rối loạn thuộc hoạt động chức năng của não, không phải do môi trường xung quanh như cha mẹ thiếu quan tâm, bạn bè ức hiếp, bạo lực... mà là trẻ tự ở trong thế giới riêng của mình.

“Theo thống kê, 70% trẻ tự kỷ thường có biểu hiện tăng động, nghĩa là bé hoạt động rất nhiều chứ ít ngồi yên một chỗ, 30% bé ngồi một mình nhưng gần như không có cảm xúc, không phản ứng theo tiếng gọi.

Trong khi đó, những trẻ trầm tính có rối loạn về sức khỏe tâm thần thông thường do cha mẹ cãi nhau, người lớn không hòa thuận, thường xuyên bị bạn trêu ghẹo, bạo lực học đường… hay có một nỗi sợ vô hình nào đó không thể tự giải quyết. Lúc đó, trẻ thu người lại, tự xoay xở. Tình trạng quá lo lắng khiến các rối loạn ngày càng nặng hơn, trẻ thu người, không muốn giao tiếp hoặc có thể quấy khóc nếu cảm thấy không an toàn.

Vẫn có trường hợp trẻ bị rối loạn, trầm cảm trước 3 tuổi, thường thấy ở trẻ bị bỏ rơi, thiếu hụt tình yêu thương một cách đột ngột. Lúc này, bé ngừng phát triển về nhận thức xung quanh, nhất là chậm về phát triển vận động, ít tương tác với người ngoài, tiếp thu chậm... ” - chị Quỳnh cho biết.

Trầm tính, trầm cảm thường thấy ở trẻ từ lớp Ba trở lên hoặc trong độ tuổi dậy thì, nguyên nhân chủ yếu do căng thẳng trong học tập, cha mẹ trong giai đoạn tiền ly hôn, gia đình bạo lực hoặc trẻ bị bạn ức hiếp nhưng không dám nói ra mà tự thu mình lại.

Biểu hiện đặc trưng nhất ở trẻ trầm cảm là có khí sắc buồn, mất dần sở thích trước đó, chán ăn hoặc ăn rất nhiều, né tránh người đối diện, muốn ở một mình...; nặng hơn sẽ là rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... Nếu bị ép buộc làm theo ý của người lớn, trẻ có thể xuất hiện phản ứng 2 chiều bao gồm tự làm đau mình (rạch tay, bỏ ăn...) hay hướng về người khác (chửi thề, đánh người...), thậm chí trẻ nghĩ đến cái chết nhằm đánh lừa cảm giác sợ hãi, lo lắng.

Quan trọng trong hỗ trợ điều trị cho trẻ là phải xác định được vấn đề trẻ đang mắc phải. Với trẻ trầm tính, khi cha mẹ nói chuyện, chia sẻ và xin lỗi (nếu sai), trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, sẵn sàng nói ra khó khăn. 

Giải quyết được vấn đề, trẻ có thể quay lại cuộc sống bình thường. Trước những mối quan hệ, trẻ thấy an toàn sẽ cởi mở, hoạt bát, giao tiếp bình thường với mọi người. Vì thế, cha mẹ, người thân nên tìm hiểu, biết được giai đoạn nào trẻ có những thay đổi này, tìm nguyên nhân và giải quyết để đưa con trở về trạng thái ban đầu.

Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ tái phát rối loạn bởi có nhiều nguyên nhân. Do đó, người lớn có thể hướng cho trẻ tự giải quyết để trẻ điều chỉnh, kiểm soát được cảm xúc. Đặc biệt, với trẻ vốn trầm tính, không có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cha mẹ không nên ép con phải hiếu động, làm theo ý mình, tránh làm trẻ rơi vào căng thẳng, áp lực.

Nếu nghi ngờ con có vấn đề về sức khỏe, phát triển, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn. Quan trọng là tìm nguyên nhân chính dẫn đến những biểu hiện của con chứ không nên chỉ qua một vài biểu hiện mà “gắn mác” tự kỷ hay bệnh lý 
cho con. 

“Cha mẹ có thể đưa con đi khám ở nhiều cơ sở y tế để tìm nguyên nhân cũng như giải tỏa tâm lý của mình. Khi đã xác định được vấn đề ở con, cha mẹ cần tin tưởng, tuân thủ trong điều trị để giúp con sớm được can thiệp, bắt kịp bạn bè” - chị Quỳnh chia sẻ. 

Bài và ảnh: Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI