TP.HCM đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động. Hiện thành phố có khoảng 300.000 hộ kinh doanh cá thể và đang vận động đối tượng này thành lập DN. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện khi nhiều hộ kinh doanh chưa sẵn sàng.
Ngại lên doanh nghiệp
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, khi vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN cho thấy số lượng chuyển đổi đến nay vẫn rất ít vì nhiều lý do.
Chị Tú Trinh (chủ một quán ăn trên đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chưa muốn thành lập DN bởi khi lên DN đòi hỏi phải có hóa đơn, chứng từ đầu vào. Trong khi nguyên liệu đầu vào của quán lấy từ rất nhiều nguồn, mỗi nơi một ít và người bán nguyên liệu cũng không cung cấp hóa đơn. Điều này sẽ là trở ngại lớn khi thành DN.
“Chưa hết, khi trở thành DN phải thành lập công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, thuê thêm nhân viên, thuê kế toán... Nghĩa là chi phí sẽ tăng thêm trong khi làm ăn ngày càng khó khăn”, chị lo ngại.
DN tư nhân Bảo Khánh tại thương xá Đồng Khánh (quận 5, TP.HCM) cho hay trước đây cũng là hộ kinh doanh, sau đó chuyển thành DN tư nhân.
“Tôi chỉ giỏi buôn bán chứ không có thời gian làm sổ sách, báo cáo thuế. Do vậy tôi phải thuê dịch vụ làm kế toán, khai thuế. Tiền thuê dịch vụ thì không nhiều nhưng hồ sơ thuế đúng sai ra sao thì mình phải chịu trách nhiệm, không phải như thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể chỉ nộp mỗi năm một lần là xong, không phải lo nữa”, ông Khánh cho biết.
Một chủ DN tư nhân khác trong thương xá Đồng Khánh cũng cùng nỗi lo trên. Chị chia sẻ khi là hộ kinh doanh, nộp thuế khoán thì cứ theo thông báo thuế mà nộp, không lo bị truy thu, xử phạt. Nhưng đã là DN thì có rất nhiều thứ hóa đơn, thủ tục, báo cáo phải làm cho đúng cách và đúng hạn.
Mặc dù vậy, chủ DN trên cũng công nhận khi “lên đời” từ hộ kinh doanh cá thể thành DN thì việc sử dụng hóa đơn không bị hạn chế, khó khăn, nhỏ giọt như các hộ kinh doanh. Các chi phí đầu vào đều được tính nếu có hóa đơn, chứng từ.
Tôn trọng tự do kinh doanh
Mặc dù công nhận việc lập DN có thuận lợi hơn khi xuất hóa đơn, giao dịch với khách hàng, khấu trừ chi phí... nhưng rất nhiều hộ kinh doanh có chung tâm lý lo ngại về thủ tục thuế sẽ phiền phức, mất thời gian và trách nhiệm nặng nề.
Đứng quầy số 22, ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, anh T., một người trong DN tư nhân Chấn Phát, cho biết DN này chỉ có ba người cùng một gia đình, thay phiên nhau ra quầy trông hàng. Phần sổ sách, tiền thuế thì thuê dịch vụ thuế làm cho gọn.
Anh nói: “Vì tôi lấy vải từ các công ty trong nước, họ đều có hóa đơn rõ ràng. Khi tôi bán ra cũng bán sỉ cho công ty may mặc, phải có hóa đơn thì họ mới chịu mua hàng. Vậy nên lập DN để dễ giao dịch, hóa đơn, chứng từ rõ ràng thì có lợi hơn”.
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, nhận định nỗi lo của các hộ kinh doanh là có thật.
Họ lo lắng vì chưa quen với chế độ kế toán DN chứ thực sự không có khó khăn như nhiều người nghĩ. Bởi nếu không tự làm thì có thể thuê dịch vụ hành nghề kế toán, giá khoảng 1-3 triệu đồng/tháng. Hiện ở TP.HCM có rất nhiều người làm dịch vụ này.
Tuy phải làm sổ sách, báo cáo nhưng bù lại, khi lên DN người kinh doanh được nhiều điểm thuận lợi. Chẳng hạn khi là hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán dù lời, dù lỗ vẫn phải nộp đủ số thuế khoán.
|
Nhiều hộ kinh doanh có chung tâm lý lo ngại về thủ tục thuế sẽ phiền phức, mất thời gian và trách nhiệm nặng nề khi lên doanh nghiệp. Ảnh: HTD. |
Trong khi đó, khi lên DN thì có chi phí đầu vào, doanh số đầu ra. Nếu chi phí đầu vào cao, kinh doanh lỗ không phải nộp thuế, thậm chí có thể còn được chuyển số lỗ này sang năm sau.
“Ngoài ra, khi lên DN, người kinh doanh có thể được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Đây là điểm thuận lợi lớn mà hộ kinh doanh không có được”, LS Chánh phân tích.
Tuy nhiên, LS Nguyễn Đức Chánh cho rằng quyền tự do kinh doanh đã được hiến định nên việc có chuyển đổi mô hình hay không là quyền của người kinh doanh.
Có thể ở mô hình hộ kinh doanh họ hoạt động có hiệu quả hơn so với việc “nâng cấp” thành DN. Vì lẽ đó, việc chuyển đổi này phải được dựa trên yếu tố tự nguyện, mong muốn của người kinh doanh.
“Với vai trò là chính quyền thì cần hỗ trợ để họ thuận lợi hơn trong việc kinh doanh cũng như giúp họ tăng hiệu quả tối đa trong hoạt động kinh doanh, quản lý. Khi đạt điều kiện nhất định thì việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang DN sẽ có thể diễn ra” - ông Chánh nhấn mạnh.
Không nên ép buộc
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc hộ kinh doanh lên DN phải dựa trên nội lực tự thân của họ, mong muốn của họ. Nếu cưỡng ép, sau một đêm có thể có thêm vài trăm ngàn DN nhưng điều đó không bền vững.
Để hộ kinh doanh lên DN thì phải tạo điều kiện cho họ thực sự mong muốn lên làm DN. Hiện nay DN siêu nhỏ cũng phải làm kế toán, cũng phải báo cáo thuế đủ số kỳ, chịu thanh tra, kiểm tra… như các DN lớn, đại gia. Cho nên nhiều người ngại, không có động lực để làm DN.
Thứ hai, cần xem xét ở góc độ kinh tế. Cụ thể là nên miễn hoặc giảm phí, lệ phí, thuế cho các hộ kinh doanh lên thành DN. Từ đó để kích thích bà con chuyển đổi và cũng để bù đắp các khó khăn ban đầu khi họ mới làm quen mô hình DN. Đặc biệt, cần hỗ trợ thủ tục hành chính trong quá trình họ chuyển từ hộ kinh doanh lên DN.
“Tôi nhớ ở Bắc Ninh, có giai đoạn người ta chuyển phòng đăng ký kinh doanh của sở xuống từng huyện để phục vụ DN tốt hơn. DN đỡ phải đi xa lại được hướng dẫn làm hồ sơ chi tiết”, ông Tuấn nói.
Tại Nghị định 78 của Chính phủ quy định hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên hoặc có từ hai điểm kinh doanh trở lên thì phải chuyển lên DN.
Các hộ kinh doanh karaoke, dịch vụ ăn uống, thường xuyên sử dụng hóa đơn hoặc nộp thuế khoán từ 20 triệu đồng/tháng trở lên nằm trong nhóm được khuyến khích chuyển thành DN.
|