edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày 21/11, ông Nguyễn Thận - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - cùng ông Huỳnh Văn Truyện (88 tuổi, tạm trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân) đã có mặt tại Hà Nội để gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Đơn kêu cứu đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem xét kháng nghị tái thẩm lại bản án tù chung thân mà Huỳnh Văn Nén (52 tuổi, con trai ông Truyện, ngụ thị trấn Tân Minh) đang phải hứng chịu.
Tình tiết bất ngờ
Đơn kêu cứu của ông Thận và ông Truyện có kèm theo biên bản xác nhận mới nhất vào ngày 20/11 của Nguyễn Phúc Thành (ngụ thị trấn Tân Minh, thụ án ở một vụ án khác) về chuyện hung thủ giết bà Lê Thị Bông vào đêm 23/4/1998 thực chất là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt - người cùng địa phương, thời điểm đó nghiện hút, thường xuyên trộm cắp để có tiền tiêu xài.
Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 21/11, luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội và ông Nguyễn Thận đã đưa ra một bài báo đăng ngày 20/10/2000. Trong đó, trung tá Phạm Văn Phóng, Trưởng Giám thị Trại giam Sông Cái, cho biết sau khi yêu cầu Nguyễn Phúc Thành viết đi, viết lại nhiều lần bản tường trình tố giác tội phạm và thấy trùng khớp nên đã fax về Cục Quản lý trại giam - Bộ Công an (V26). Cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã tới trại giam làm việc với Thành về những tố giác.
Ông Huỳnh Văn Truyện trình bày vụ việc với luật sư Trần Vũ Hải. Ảnh: THẾ KHA
Đơn tố giác của Thành ngày 26/8/2000 lẽ ra phải được coi là tình tiết mới, quan trọng làm thay đổi bản chất vụ án nhưng đã không được các cơ quan chức năng xem xét thỏa đáng. Sáu ngày sau đó, phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Bình Thuận mở vẫn được tiến hành bình thường và tuyên Nén tù chung thân.
Ngoài ra, việc nộp đơn tố giác tội phạm trong vụ giết bà Lê Thị Bông của ông Nguyễn Thận, ông Huỳnh Văn Truyện và luật sư Trần Vũ Hải, luật sư Phạm Hồng Hải được gửi tới các cơ quan chức năng trung ương cũng như “đá ném ao bèo”.
Ông Nguyễn Thận cho biết giai đoạn 1990-2003, khi ông là chủ tịch UBND xã Tân Minh (thị trấn Tân Minh bây giờ), trên địa bàn đã xảy ra 2 vụ án giết người phức tạp là “kỳ án vườn điều” (1993) và vụ sát hại bà Lê Thị Bông (1998). Ngày 3/9/2000, UBND xã Tân Minh tiếp nhận đơn thư tố cáo của công dân, thấy vượt quá thẩm quyền giải quyết nên ngày 29/9/2000 đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận và VKSND Tối cao, TAND Tối cao, kèm theo đơn tố giác tội phạm trong vụ giết bà Bông - có dấu hiệu oai sai đối với Huỳnh Văn Nén.
Nhiều điểm “giống vụ ông Nguyễn Thanh Chấn”
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết Huỳnh Văn Nén liên quan trực tiếp tới “kỳ án vườn điều” mà ông đã cùng luật sư Phạm Hồng Hải nhận bào chữa miễn phí, sau đó cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã phải thừa nhận sai lầm, xin lỗi công dân - trong đó có ông Nén. Tại các phiên tòa của “kỳ án vườn điều”, Nén đều khẩn thiết đề nghị các luật sư hỗ trợ pháp lý cho mình trong vụ án bà Lê Thị Bông bởi Nén “không phạm tội và bị ép cung, nhục hình”.
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết sau khi giúp các công dân được minh oan trong “kỳ án vườn điều”, trong 2 năm 2006-2007, ông đã tới gặp các vị lãnh đạo VKSND Tối cao, trình bày sự việc của Huỳnh Văn Nén có nhiều dấu hiệu bị oan sai. “Ai nghe tôi phân tích, trình bày kèm theo bằng chứng và đơn tố cáo của Thành cũng gật đầu, hứa hẹn. Tôi cứ tưởng rằng vụ án sẽ được sớm xem xét và giải oan cho người vô tội nhưng rồi chả thấy đâu vào đâu cả”- luật sư Hải nói.
Theo luật sư Hải, vụ việc của Huỳnh Văn Nén có nhiều điểm rất giống vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) khi xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. “Tại sao Nguyễn Thọ bỏ trốn khỏi địa phương từ ngày bà Lê Thị Bông bị giết, đến nay chưa từng một lần trở về thăm gia đình nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa truy tìm để đối chất với tố cáo của Thành và một số người liên quan khác vẫn đang sinh sống tại địa phương? Còn Hồ Văn Việt thì đã chết cách đây 2 năm vì nhiễm HIV rồi”- ông Nguyễn Thận thắc mắc.
Theo luật sư Trần Vũ Hải, sau khi trao đổi cùng luật sư Phạm Hồng Hải sáng 21/11, 2 ông đã quyết định sẽ tiếp tục hỗ trợ pháp lý miễn phí giúp ông Truyện minh oan tới cùng cho con trai Huỳnh Văn Nén.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thận cho biết ông và cha của Nguyễn Thọ rất thân thiết, quý mến nhau. Song, không vì thế mà suốt 13 năm qua, ông dừng việc viết đơn thư kêu cứu cho Huỳnh Văn Nén. Ông Thận đề nghị cơ quan chức năng sớm truy tìm, dẫn giải Nguyễn Thọ về địa phương điều tra, làm rõ trắng đen.
Thoát án tử nhờ “có công”! Cáo trạng số 84/KSĐT-TA của VKSND tỉnh Bình Thuận kết luận hành vi của Huỳnh Văn Nén phạm vào 3 tội: “Cố ý hủy hoại tài sản công dân”, “Cướp tài sản công dân” và “Giết người”. Tại phiên xét xử hình sự sơ thẩm ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận thống nhất quan điểm như cáo trạng nêu và kết luận: Bản chất của Nén “là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, ngày nào mà y còn tự do ngoài xã hội là mối hiểm họa cho lương dân”. Tuy nhiên, TAND cũng cho biết trong quá trình bị tạm giam, Nén tự nhận trước đây đã từng cùng đồng bọn tham gia giết người nhưng CQĐT không truy tìm được thủ phạm; nếu Nén không khai thì CQĐT không có căn cứ tìm ra thủ phạm và tang chứng. Vì thế, “có thể cho bị cáo một con đường sống để y có điều kiện học tập, cải tạo lâu dài chuộc lại những lỗi lầm”. Nhờ “công lao” này mà Nén đã thoát án tử hình, lãnh mức tù chung thân. Vụ án mà cơ quan tố tụng kết luận Nén “có công” khai ra chính là “kỳ án vườn điều” xảy ra ngày 19/5/1993, trước 5 năm so với vụ sát hại bà Lê Thị Bông. Hiện trường của 2 vụ án chỉ cách nhau vài trăm mét. Lúc bấy giờ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện thi thể bà Dương Thị Mỹ (cũng ngụ xã Tân Minh) trong một vườn điều. Do không làm rõ được thủ phạm nên 4 tháng sau đó, CQĐT đã tạm đình chỉ điều tra. Khi có lời được xem là “tự khai” của Nén, “kỳ án vườn điều” được phục hồi điều tra. Cả 10 thủ phạm đều là người trong cùng một gia đình mà Nén là con rể. Theo đó, Trần Văn Sáng (SN 1959) có quan hệ tình ái với Dương Thị Mỹ (đã ly thân chồng, chờ ngày ly hôn). Nguyễn Thị Nhung (vợ Sáng) phát hiện và tỏ thái độ phản ứng nhưng Sáng và Mỹ không chấm dứt quan hệ. Một đêm, 9 người trong gia đình Nhung đến phục ở vườn điều. Chờ Sáng và Mỹ ôm nhau, Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ Nén) nhảy vào chém Mỹ nhiều nhát, Sơn (con Nhung) dùng cây đập vào đầu Mỹ nhiều nhát, các đối tượng còn lại (có cả Nén) đều cào cấu, đấm đá khiến nạn nhân gục tại chỗ. Tiến (em ruột Nhung) lột tất cả nữ trang của nạn nhân... Vụ án từng được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 27/3/2001 rồi phúc thẩm vào ngày 5/4/2002 nhưng lần nào các bị cáo cũng chống án, kêu oan. Bản thân Nén luôn khẳng định đã bị đánh đập và được hứa hẹn phải khai như thế mới thoát án tử hình. Sau đó, CQĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử nhiều lần nhưng vẫn không có manh mối gì mới. Đến tháng 8/2004, 5 bị can được đình chỉ điều tra, miễn truy cứu hoặc hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và Nguyễn Thị Nhung đã chết trong thời gian giam giữ (vì ung thư). Ngày 21/12/2004, bà Nguyễn Thị Lâm, bị can cuối cùng, được hủy bỏ biện pháp tạm giam. Ngày 20/1/2006, TAND, VKSND và Công an tỉnh Bình Thuận đã phải công khai xin lỗi, minh oan cho bà Lâm và 7 thành viên khác trong gia đình. Chỉ riêng Nén vẫn tiếp tục thụ án chung thân cho đến nay do là thủ phạm trong vụ sát hại bà Lê Thị Bông. |
Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG - THẾ KHA (Người Lao Động)