Đừng đụng đến nhà vợ

18/07/2020 - 06:02

PNO - Vợ nổi giận mắng tôi thậm tệ, rồi còn kể tội phía bên họ nhà tôi cả đời chả thấy họp mặt, gia tộc lỏng lẻo, có người đến đám giỗ đám cưới còn… chẳng biết là ai.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi nghe trên báo của chị hay có các chị em kêu ca vì phải… phục vụ nhà chồng khổ quá, đè nén đủ kiểu, nên tôi mạnh dạn kể câu chuyện ngược lại của tôi.

Gia đình cô ấy đông anh em họ hàng bà con và… cứ như một “hội đồng hương con” với rất nhiều hoạt động. Tôi đùa là “ngoại giao con thoi”. Vì quanh năm hết giỗ ông bác này, bà thím kia, đến sinh nhật cô cậu anh em nọ. Tôi mà kêu ca, thì cô ấy bảo “chỉ có đi theo ăn tiệc uống rượu mà còn kêu gì”.

Trong số anh em ruột (tới… 11 người lận), có vài người khá giả, nhưng cũng có một người không biết làm ăn, vợ con ruồng rẫy, sức khỏe yếu rồi mất sớm. Cả “hội” kéo nhau từ khắp nơi về, thương xót nên tổ chức đám tang to lắm. Mời thầy hết lễ ở chùa rồi lễ ở nhà, kỹ lưỡng từng chút.

Tôi tuy chẳng phải lo gì nhiều, nhưng nhất nhất phải theo cho đủ bộ để cô ấy không mất mặt với họ hàng. Chạy tới lui lễ bái cũng đứt hơi, cô ấy luôn ngầm kiểm tra xem tôi có nghiêm chỉnh “chấp hành nội quy” không, đến có đúng giờ không, đã ra mắt chào hỏi các ông bà cô bác vai trên chưa, đừng có sơ suất.

Tôi bảo: “Gớm, lúc ông ấy sống khổ, vợ con bỏ bê thì chả thấy ai chăm sóc, nay chết rồi làm cỗ to, khấn vái bày biện làm gì?”. Chỉ có vậy thôi mà cô nổi giận mắng tôi thậm tệ, rồi còn kể tội phía bên họ nhà tôi cả đời chả thấy họp mặt, gia tộc lỏng lẻo, có người đến đám giỗ đám cưới còn… chẳng biết là ai. “Đừng có đụng đến nhà tôi. Anh chỉ mỗi việc có mặt cho đủ và… ăn cỗ chứ kêu gì”.

Chị thấy tôi có khổ không?

Phan Đình (Đồng Nai)

Gia đình truyền thống gặp nhau . Ảnh minh họa
Nhiều gia đình có truyền thống tụ họp đầy đủ các thành viên vào cuối tuần, lễ tết, giỗ chạp... Ảnh minh họa


Gửi anh Phan Đình,
Đọc thư, đoán thử thấy anh chắc là người thông minh hài hước nên cái sự “kể tội nhà vợ” cũng có nét hài (hội đồng hương con, ngoại giao con thoi… ).

Tôi thấy anh… đi uống rượu ăn cỗ liên miên “khổ” thật. Là vì đi uống cà phê chém gió với bạn nó khác, còn ngồi mâm đám cúng giỗ hội họp đầy lễ nghi thủ tục, nó phải… mệt lắm chứ.

Nhưng thôi, ta hãy tập nhìn từ phía vợ anh thử xem. Cô ấy sinh trưởng trong một văn hóa gia đình kiểu khác, nên cũng không thể dứt bỏ ngay được. Kiểu ấy nay tồn tại ở nông thôn nhiều hơn, nơi dù có giàu lên, con cái đi tứ xứ, nhà cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy… thì vẫn cứ ở trong làng đó chưa tránh đi được. Còn dân thành phố vẫn giữ lễ cúng giỗ mời họ hàng, nhưng đã bớt hình thức đi rất nhiều.

Là do nếp sống, điều kiện sống gấp gáp, đi lại xa xôi, bận rộn làm việc, học hành, có khi xin phép vắng mặt cũng không bị ai lên án. Nhiều người khen lối sống quần tụ “giữ được truyền thống”, chê kiểu Tây mạnh ai nấy sống, bà con tình cảm nhợt nhạt. Thôi thì ta lắng nghe để hiểu cả hai lý lẽ, mỗi thứ đều có lý của nó cả.

Chuyện nhà vợ anh, nên hiểu giùm họ chắc có ý ân hận không chăm được anh lúc sống khổ, nay về tụ tập thôi thì làm thủ tục cuối cho lòng đỡ ân hận. Anh đã “không làm gì” thì cũng chả nên “mỉa mai vạch lỗi” cho thêm đau lòng.

Với người đã khuất thế là xong. Đừng để ảnh hưởng đến tình cảm người đang sống. Khi nào thấy mệt hoặc bận quá, phiền hà quá không theo nổi, anh cứ báo cáo thật với… “thủ trưởng” vợ. Trong tình thương, không phân biệt nhà anh - nhà tôi, chắc chắn sẽ ổn thôi, không phải lúc chỉ trích.

Chắc anh cũng biết điều này rồi. Thư tôi chỉ là “bỏ thêm một phiếu” cho việc thực hiện được nhẹ nhàng hơn.

Chúc anh sức khỏe.

HẠNH DUNG

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI