Đừng dùng chỉ tiêu hành chính cản bước học sinh

22/03/2023 - 06:04

PNO - Sẽ ra sao nếu con thi trượt lớp Mười công lập? Đó hẳn là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ ở các đô thị lớn trăn trở khi con đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp THCS.

 

Sẽ ra sao nếu con thi trượt lớp Mười công lập? Đó hẳn là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ ở các đô thị lớn trăn trở khi con đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp THCS. 

Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT càng lúc càng trở nên “căng như dây đàn”, bởi nó đặt những đứa trẻ tuổi 15 trước một ngã rẽ mang tính chất quyết định trong cuộc đời.

Dĩ nhiên, nếu không vào được lớp Mười công lập, các em vẫn còn cơ hội vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề. Nhưng nếu những lựa chọn kia là do các em bị ép vào thế phải chọn chứ do năng lực, nguyện vọng hay điều kiện kinh tế thì thật đáng buồn.

Trên thực tế, ngành GD-ĐT ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM đang áp đặt chỉ tiêu dựa vào khả năng tiếp nhận còn hạn chế của mạng lưới trường công lập. Ở các thành phố này, mỗi năm, có hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu đầu vào của các trường THPT công lập chỉ đáp ứng được 60 - 70%. Các em phải lao vào một cuộc thi với tỉ lệ “chọi”, tỉ lệ đậu, rớt đã được ấn định.

Do thiếu trường lớp, ngành GD-ĐT đánh trượt và làm đổi hướng cuộc đời của không ít học sinh. Cách phân luồng cứng nhắc hiện nay đang làm mất đi quyền lợi chính đáng của người học.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển chóng mặt những năm gần đây, đang có một sự chuyển hướng mạnh mẽ về cơ cấu nghề nghiệp. Máy móc, công nghệ dần thay thế nhân lực ở những ngành nghề giản đơn; thị trường lao động đòi hỏi ngày càng nhiều nhân lực chất lượng cao. Nếu chỉ học đến THCS, khả năng tiếp thu công nghệ cũng như đáp ứng được yêu cầu của người lao động sẽ rất hạn chế. 

Dường như các cơ quan chức năng đang đẩy khó khăn về phía người học. Thay vì quyết liệt thực hiện giải pháp tăng chỗ học ở trường công lập và đẩy mạnh chính sách xã hội hóa giáo dục để phân luồng một cách thực chất, hiệu quả, họ lại áp đặt những chỉ tiêu cứng nhắc, thiếu căn cứ.

Từ nhiều năm nay, TPHCM và Hà Nội vẫn thiếu đất xây trường. Ông Mai Văn Trinh - Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) - từng nêu câu hỏi: “TPHCM, TP Hà Nội có thực sự thiếu đất xây trường không, hay thiếu tầm nhìn? Đất xây chung cư vẫn có, sao lại không có đất để xây trường?”. Thậm chí, khi học sinh thiếu chỗ học thì đất ở một số nơi vẫn bị bỏ hoang lâu năm, trường sắp sập nhưng phải chờ thủ tục. 

Đầu năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 81 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, TPHCM được định hướng trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng, trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực, đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, là đầu mối giao thương với quốc tế… 

Để đạt các mục tiêu này, cần có nguồn lực con người có trình độ học vấn, chuyên môn. Việc dùng rào cản hành chính để “ngáng chân” học sinh học lên cao hơn vừa ảnh hưởng quyền lợi người học, vừa khó đảm bảo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính quyền TPHCM từng lấy năm 1999 là năm giáo dục và lãnh đạo thành phố đã quyết tâm xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp, từng quận, huyện ưu tiên dành đất cho giáo dục. Từ đó, mỗi năm, có thêm khoảng 1.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng. 

Vài năm gần đây, tốc độ xây dựng trường lớp đang chững lại với nhiều vướng mắc “gỡ hoài không xong”. Đã đến lúc cần thực sự quán triệt quan điểm “giáo dục là quốc sách”. Tất cả các năm đều phải là năm giáo dục, để luôn ưu tiên cho giáo dục. Đầu tư vào GD-ĐT mới tạo ra nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI