Đừng dùng cách “thử lòng” trẻ con để dạy chúng sự hiếu thảo

19/07/2016 - 15:38

PNO - Người ta xin trẻ quần áo, xin chúng đồ ăn, xin chúng đồ chơi; trẻ có cái gì trên tay cũng bị người lớn “thử lòng”.

Hôm nay tôi có một chiếc áo mới, tôi hân hoan khoác nó lên mình, sung sướng muốn khoe với mọi người. Vừa bước chân ra cửa, tôi lập tức được khen ngay. Câu thứ nhất: “Ôi cái áo của chị xinh thế!!!” (Phấn khởi ghê!) Câu thứ hai: “Cho em nhé! Em mặc cái áo đấy cũng đẹp lắm!”. Chân đang dợm bước thì khựng lại. Miệng chưa kịp cười đã tắt luôn. Sao lại có người vô duyên thế… Chẳng thiếu thốn gì, bỗng dưng đi xin áo của người khác. Thật là vô duyên chưa từng thấy!!!

Trả lời sao đây? Nếu nói có, chả lẽ mất cái áo? Nếu nói không, cô ta sẽ cười hô hố vào mặt mình và chế nhạo: “Xời ơi, đồ kiệt xỉ! Hỏi thử thế mà cũng không cho.”

Thật đúng là quân xỏ lá!

Trong tình huống này, nếu là bạn, hẳn bạn cũng sẽ có những suy nghĩ khó chịu như tôi ở trên. Nhưng bạn biết không, đây là cảm giác mà rất nhiều đứa trẻ xung quanh chúng ta phải chịu đựng hàng ngày. Người ta xin trẻ quần áo, xin chúng đồ ăn, xin chúng đồ chơi; trẻ có cái gì trên tay cũng bị người lớn “thử lòng”.

Dung dung cach “thu long” tre con de day chung su hieu thao
Ảnh minh họa.

Đây là phương pháp giáo dục gì vậy? Với mục đích gì vậy? Để dạy trẻ sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác? Để dạy trẻ biết nhường nhịn, biết hi sinh bản thân cho mọi người? Tôi chẳng thấy có gì hữu ích ở đây,ngoài mấy thứ sau: Thứ nhất, khiến trẻ khó chịu và xa lánh người trêu chọc chúng. Thứ hai, kích thích s ự ích kỷ của trẻ (Phản ứng tự nhiên: Càng xin, chúng càng giữ rịt lấy đồ). Và như thế, dần dần trẻ lại trở nên thật sự keo kiệt. Vậy là phản tác dụng.

Cũng xin được hỏi: Thật lòng mình, bạn có thích thú và sẵn lòng cho hết mọi thứ khi người khác xin bạn không? Tôi nghĩ: Điều mình không thích thì đừng có làm cho người khác, nhất là khi đó là một đứa trẻ.

Tôi không phải là một chuyên gia trẻ em, nhưng may mắn trong quá trình làm báo, được tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia trẻ em giỏi. Và nhờ thế, tôi được học hỏi rất nhiều từ họ. Họ cho tôi hiểu rằng: Nếu bạn muốn dạy trẻ biết nhường nhịn, chia sẻ, đầu tiên, hãy làm gương. Sau nữa, cho chúng tham gia chơi chung với mọi người, cùng chia sẻ đồ chơi, đồ ăn. Kể cho trẻ nghe những câu chuyện về sự nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Đưa chúng đến tham gia các hoạt động từ thiện, để chúng thấy niềm vui của những người khác khi nhận được quà tặng được trao bằng thành ý. Những cách làm ấy dần dần khiến trẻ thấu hiểu về sự nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc người khác. Chứ không phải bằng cách trêu chọc, dè bỉu, chê bai, cười cợt chúng.

Dung dung cach “thu long” tre con de day chung su hieu thao
Trẻ con hồn nhiên, đừng thử lòng chúng bằng cách xin những gì chúng có trên tay.

Điều đáng buồn, đây chỉ là một trong vô vàn cách mà nhiều người lớn chúng ta đang sử dụng hàng ngày để trêu chọc bọn trẻ. Tôi tự hỏi: Tại sao họ lại làm như vậy? Chỉ là do vô tình? Do thói quen truyền đời? Hay nó xuất phát từ cảm giác thỏa mãn ngầm bắt nạt được người khác khi thấy đứa trẻ lâm vào tình trạng khó xử? Có lẽ mỗi người có một lí do khác nhau, nhưng tôi chỉ chắc chắn một điều, nếu chúng ta tôn trọng trẻ, tôn trọng cảm xúc của trẻ giống như cảm xúc của chính mình thì chúng ta sẽ không bao giờ hành xử với trẻ kiểu như vậy.

Có thể nhiều người đang nghĩ, tôi có trầm trọng hóa vấn đề quá không? Nhưng bạn biết đấy, trẻ hình thành nhân cách từ chính những việc nhỏ hàng ngày. Sự ích kỷ của chúng có thể bắt nguồn từ chính những lời trêu chọc vô duyên này!

Cường Nguyễn (st)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI