Đừng đùa với hợp đồng tín dụng

14/08/2017 - 19:43

PNO - Ngoài chuyện phải chịu mức lãi suất cao, nhiều người còn đau đầu vì phí phạt trả nợ trễ hạn hoặc trước hạn.

Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng không ít khách hàng quá tin tưởng vào nhân viên ngân hàng (NH), công ty tài chính mà xem nhẹ khâu tìm hiểu hợp đồng tín dụng (HĐTD), nên phải dở khóc dở cười khi bị bắt đóng phạt, chịu lãi suất (LS) cao… 

Dung dua voi hop dong tin dung
Khi vay tiền hoặc mua trả góp qua ngân hàng, người vay nên xem kỹ hợp đồng

Bên cả tin, bên lập lờ

Anh Phạm Văn Linh (ngụ tại tỉnh Trà Vinh) cho biết, đầu năm 2017, anh  vay NH Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 126 triệu đồng để mua một chiếc xe tải. Dù đã trả trước 40 triệu đồng tiền mua xe nhưng NH vẫn yêu cầu anh Linh mở một tài khoản, trong đó có 18 triệu đồng do NH cung cấp với lý do “phải đảm bảo tài chính mới cho vay”.

Đúng theo nguyên tắc, ngay sau đó, anh Linh phải trả lại cho NH số tiền 18 triệu đồng và không phải chịu LS gì. Nhưng do thẻ này không có trong quy định hợp đồng, nhân viên NH chỉ nói lập lờ “thẻ chỉ sử dụng một lần”, hoàn toàn không nói gì đến việc phải trả tiền liền hoặc người vay phải chịu LS bao nhiêu nên đúng một tháng sau, anh Linh nhận được tin nhắn phải đóng số tiền hàng tháng là 1 triệu đồng, mức LS phải chịu là 2,99%/tháng.

“Mặc dù tôi đã đóng 7 tháng nhưng vẫn còn nợ là gần 14 triệu đồng. Tôi gọi điện thoại khiếu nại thì phía NH cho biết, LS được tính theo dư nợ ban đầu chứ không phải theo dư nợ giảm dần. Rõ ràng, nhân viên NH đã lập lờ với khách” - anh Linh bức xúc. 

Để hấp dẫn khách hàng, không ít công ty tài chính, NH quảng cáo cho vay với LS rất thấp. Chị Nguyễn Ngọc Như Ý, nhân viên một công ty in cho biết, chị nhận được một danh thiếp từ một Công ty tài chính trên đó có ghi LS là 1 – 2,1%tháng. Khi chị liên hệ thì nhân viên công ty này nói LS chỉ từ 0,9 – 1,6%/tháng. Sau khi biết chị Ý đang làm việc trong một công ty, nhân viên này vội thay đổi LS ở mức 1,66%/tháng. 

Chị đề nghị nhân viên này làm hợp đồng vay, nhưng sau đó “té ngửa” vì đến lúc ký hợp đồng, nhân viên này cho biết LS chị phải chịu là 2,17%/tháng, với lý do: nếu làm ở công ty có hợp đồng lao động, trả lương qua NH thì lãi suất 1,66%/tháng, còn chị làm ở công ty trả lương bằng tiền mặt thì lãi suất 2,17%/tháng”. Chị Ý tính toán, thấy mức chênh lệch 0,5%/tháng là không nhỏ, nên đã từ chối vay. Trên thực tế, đã có nhiều người không tính toán kỹ, cho là chênh lệch LS “không đáng bao nhiêu” và thấy “sự đã rồi” nên đồng ý ký luôn.   

Với nhiều công ty tài chính, tùy theo uy tín cá nhân, nơi làm việc mà khách hàng sẽ hưởng LS thấp hay cao. Tuy vậy, nhiều nhân viên tư vấn không quan tâm đến quyền lợi của người vay. Như khi chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM) vay mua xe trả góp ở Công ty tài chính HD SAISON, nhân viên chỉ hỏi mức thu nhập hàng tháng rồi làm hợp đồng, chị Hoa vội vàng ký mà không chú ý đến mức LS.

Về sau, chị tính toán kỹ mới thấy số tiền vay là 35 triệu đồng, thời gian trả 18 tháng, mức trả 2,8 triệu đồng/tháng, vị chi tổng số tiền gốc và lãi cần trả là 50,4 triệu đồng, tức LS 3,96%/tháng. Trong khi đó, với điều kiện làm việc hiện tại, mức LS chị đáng ra phải trả chỉ khoảng 1,66%.

Ngoài chuyện phải chịu mức LS cao, nhiều người còn đau đầu vì phí phạt trả nợ trễ hạn hoặc trước hạn. Đơn cử như anh Nghĩa (nhà ở H.Hóc Môn, TP.HCM), vừa qua có vay tại Home Credit 5 triệu đồng, nhưng thanh toán trễ hạn đến lần thứ ba nên số tiền bị phạt tăng lên 450.000 đồng. Anh Nghĩa cho rằng lẽ ra anh phải được thông cảm, vì anh là “khách mối” của công ty,  dù mức phí phạt đã được công ty quy định và ghi rõ trên thẻ thanh toán. 

Thận trọng để khỏi “ôm cục tức”

Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn luật sư TP.HCM, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Luật Hằng Sinh - cho biết, gần đây, công ty thụ lý không ít vụ khiếu nại của khách hàng về phí phạt do vi phạm thời hạn trả nợ trong HĐTD. Hầu hết các trường hợp này, phía tổ chức tín dụng không sai. Nguyên nhân chính là do người dân còn thờ ơ với các HĐTD, chỉ chú trọng vào việc vay được số tiền mình cần mà thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, khi xảy ra thiệt hại mới nhận ra. 

Đặc biệt, hiện nay, với dạng cho vay tín chấp, nhiều nơi đang áp dụng phương thức trả nợ tính theo dư nợ ban đầu. Không ít người vay đinh ninh LS luôn theo dư nợ giảm dần, chỉ khi thấy số tiền phải đóng hàng tháng quá nhiều, xem kỹ lại hợp đồng mới biết điều này. 

Theo luật sư Nghĩa, HĐTD rất dài nhưng khách hàng chỉ cần chú ý đến một vài điểm quan trọng như phí phạt trả nợ trước hạn, quá hạn, cách tính LS trong tương lai bằng cách quy về hiện tại xem có hợp lý hay không. 

Thanh Hoa

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI