Đừng đùa với bản quyền!

30/01/2018 - 06:30

PNO - Vì sao lại có chuyện MV của Noo Phước Thịnh, Bảo Anh và mới đây nhất là Ngốc của Hương Tràm gặp rắc rối bản quyền?

Một thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ trẻ trưởng thành, tiệm cận hơn với âm nhạc khu vực và thế giới, từ xu hướng, phong cách ăn mặc cho đến ý thức về bản quyền. Vậy thì vì sao lại có chuyện MV của Noo Phước Thịnh, Bảo Anh và mới đây nhất là Ngốc của Hương Tràm gặp rắc rối bản quyền?

Dung dua voi ban quyen!

MV Sống xa anh chẳng dễ dàng dùng hai đoạn nhạc không xin phép. Ê-kíp của nữ ca sĩ đã phải nhanh chóng liên hệ với chủ sở hữu bản quyền để xin lỗi và khắc phục

Sử dụng một chút, không sao?

Lý giải điều này, một nhà sản xuất cho biết: “Đạo nhạc lâu nay được hiểu là mượn một phần tác phẩm của người khác rồi hô biến chúng thành tác phẩm của mình; còn sử dụng một, hai đoạn nhạc chừng vài giây thì không ít ê-kíp sản xuất chưa có ý thức đúng. Tâm lý chung là “dùng một vài score phát lại thì có sao đâu” nên cứ cái gì có sẵn trong kho của ai đó, nghĩ là xài được, thì tiện tay cho vào. Đó là thái độ làm việc thiếu cẩn thận và nghiệp dư”.

Trước câu hỏi có hay không sự vô tình hay sơ sót, nhạc sĩ Giang Son thẳng thắn: “Dùng sản phẩm trí tuệ của người khác thì không thể nói là vô tình được. Có lẽ các bạn nghĩ rằng lấy một tí không sao. Cái chính là các bạn không ý thức hành động đó quan trọng”.

Nhạc sĩ Giáng Son chỉ rõ hệ quả của sự cẩu thả này khiến công sức của cả ê-kíp bị lãng phí nếu chẳng may MV bị gỡ bỏ, quyền lợi và hình ảnh của ca sĩ cũng bị ảnh hưởng: “Thời đại nhạc số, người ta có thể kiểm tra rất nhanh và chính xác nên người làm âm nhạc phải hết sức cẩn thận. Không thể bảo rằng, tôi không biết hoặc ngẫu nhiên thấy đoạn nhạc này hay thì sử dụng mà không biết nó ở đâu ra, xin phép ai. Những người trẻ tài năng, những tên tuổi "hot", vướng lỗi như thế sẽ vô cùng đáng tiếc. Có thể ca sĩ không bao quát, quán xuyến hết được thì ê-kíp phải lo, bởi khi sự việc xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của cả ê-kíp, đặc biệt là ca sĩ, vì khán giả chỉ biết đến ca sĩ thôi”.

Dung dua voi ban quyen!
MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi đã bị YouTube "chạm"... không khẽ tí nào mà xoá hẳn, vì vi phạm bản quyền

Người viết đã liên hệ với ê-kíp của Bảo Anh, đề cập hướng khắc phục trong tương lai để tránh lặp lại sự cố đáng tiếc như trên, nhưng đại diện của nữ ca sĩ từ chối phản hồi với lý do: “Mọi việc cần thiết đã trao đổi trước đó với truyền thông”.

Cần chế tài nghiêm ngặt

Tâm lý “dùng một chút không sao” xuất hiện không chỉ ở thị trường ca khúc. Mảng nhạc phim cũng có tình trạng tương tự. Lời nguyền gia tộc sử dụng ca khúc Unchained melody của The Righteous Brothers, Mùa hè lạnh dùng bản On the nature of daylight của Max Richter, Sói trắng dùng nguyên bản nhạc trong phim Harry Potter…

Điều này xuất phát từ thực trạng thiếu tôn trọng bản quyền tại thị trường Việt Nam suốt nhiều năm qua. Mặt khác, thị trường nhạc Việt hiện đang thiếu những công ty chuyên nghiệp để có thể chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động sản xuất của ca sĩ, bao gồm định hướng, liên hệ tác quyền, kiểm tra bản quyền khi hoàn chỉnh tác phẩm…

Ở lĩnh vực nhạc phim, số người làm nhạc nền giỏi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngoài một vài cái tên quen thuộc như Đức Trí, Viết Thanh, Quốc Trung… “Hơn ai hết, nghệ sĩ phải là người tiên phong trong việc bảo vệ và tôn trọng bản quyền. Nếu không phải là sáng tạo của bạn thì dùng một câu thơ, xài một đoạn nhạc hay sử dụng hình ảnh nhất định phải xin phép” - nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.

Trường hợp của ba giọng ca trẻ, có sức ảnh hưởng vừa kể là bài học đáng lưu tâm để các ê-kíp sản xuất rút kinh nghiệm và nhận thức tầm quan trọng của bản quyền, dù chỉ là một đoạn nhạc ngắn.

Dung dua voi ban quyen!
Ngốc của Hương Tràm đã chung số phận với Chạm khẽ tim anh một chút thôi

“Tôi nghĩ để nâng cao ý thức về bản quyền, bên cạnh chế tài cụ thể, chặt chẽ và nghiêm khắc hơn từ các cơ quan có thẩm quyền thì chính người làm sản phẩm cũng phải tự nâng cao ý thức. Bạn tôn trọng bản quyền của người khác thì mới đòi hỏi người khác tôn trọng bản quyền của mình được” - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết. Anh cũng chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ, cần phải giáo dục điều này cho trẻ em ngay ở tuổi đến trường. Ý thức phải được rèn từ nhỏ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn”. 

“Có thể chia hành động vi phạm bản quyền trên YouTube thành hai trường hợp, bao gồm bản quyền hình ảnh và bản quyền âm thanh. Nếu video có chứa một bài/đoạn nhạc hoặc hình ảnh đã được đăng ký bản quyền, video sẽ không được đăng tải. Để tránh vi phạm, ca sĩ và ê-kíp thực hiện cần cẩn trọng khi sử dụng những đoạn âm thanh hoặc hình ảnh có sẵn. Cần truy nguồn và thực hiện ghi chú đầy đủ. Bên cạnh đó, khi ra mắt sản phẩm âm nhạc, các ca sĩ cũng cần quan tâm tới việc ký hợp đồng bảo vệ bản quyền trên YouTube để tránh tình trạng sản phẩm bị dùng chùa” - đại diện Youtube tại Việt Nam chia sẻ.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI