Người thân của tôi mắc bệnh nan y. Cả nhà liên tục lên mạng tìm hiểu thêm về phương pháp điều trị cũng như các loại thuốc, thực phẩm được cho là tốt nhất với hy vọng còn nước còn tát ngoài việc trông chờ vào phác đồ điều trị của bệnh viện.
Rất nhiều trang Facebook chuyên về bệnh nan y do các bác sĩ (BS) chuyên môn lập ra và quản lý. Nội dung trên các trang chủ yếu là thông tin về bệnh, triệu chứng, cách phòng hoặc phương pháp chữa trị nhưng không khó để nhận thấy các thông tin quảng cáo thuốc hay dịch vụ khám chữa bệnh được lồng vào một cách khéo léo. Cũng dễ hiểu thôi, đâu có mấy ai bỏ thời gian, công sức, tâm huyết để chăm chút cho những trang thông tin như thế miễn phí.
Một trang web giả mạo tự tung các thông tin khám chữa bệnh với bác sĩ. Ảnh TTX |
Điểm chung của những trang mạng xã hội với chủ đề bệnh nan y thường rất đông thành viên. Ai cũng có nhu cầu tìm hiểu thông tin về bệnh trạng của mình hoặc người thân vì các BS ở bệnh viện thường quá bận rộn để trả lời hết mọi câu hỏi, giúp giải tỏa mọi lo lắng của họ. Phần "lý lịch" của chủ các trang này nếu là BS kèm tên bệnh viện nơi họ đang công tác cũng là một sự bảo chứng về mức độ uy tín khiến số lượng thành viên hoặc người theo dõi càng đông thêm. Đây là một yếu tố thuận lợi cho những người kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm y tế, đặc biệt là thuốc và các sản phẩm chức năng hỗ trợ.
Nhiều người dễ dàng bị cuốn vào mấy bài quảng cáo của các KOL, những nhân vật nổi tiếng và nhất là các BS. Cũng bởi đâu phải ai cũng có kiến thức, cơ sở để kiểm chứng hay đủ mạnh mẽ để không bị thao túng tâm lý. Thêm nữa, "có bệnh thì vái tứ phương", những lời khuyên, phân tích của BS chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh để người bệnh bám víu. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, không tin BS thì họ biết tin ai?
Đáng trách chăng là những người vì lợi ích mà sẵn sàng "hút máu" đồng loại trong cơn nguy khó. Người giàu không tiếc tiền chỉ mong cứu được người thân của mình nên giá cả với họ không quan trọng. Nhưng không ít bệnh nhân đã đánh đổi cả gia tài ít ỏi tích luỹ được bấy lâu hoặc cầm cố nhà, đất, vay mượn, kêu gọi giúp đỡ... để mua vài toa thuốc với hy vọng kéo dài sự sống được ngày nào hay ngày ấy, trong khi hiệu quả của thuốc chẳng ai kiểm chứng được ngoài những lời quảng cáo như rót mật vào tai của những "BS mạng". Mà thuốc trị bệnh nan y thường có giá trên trời, mỗi nơi một giá, nguồn gốc loạn xạ, chất lượng không đảm bảo, bảo hiểm y tế lại không kham nổi...
Đó mới chỉ là thầy và thuốc tây y. Các trang "BS mạng" trong lĩnh vực đông y cũng nhộn nhịp không kém. Nhiều trang Facebook rao bán các loại thuốc nam và khẳng định hiệu quả trị bệnh nan y như đúng rồi mà không hiểu các cơ quan chức năng có kiểm soát được không.
Cách vận hành của các trang mạng chuyên cung cấp thông tin bệnh nan y (nhưng chủ yếu là để bán thuốc) rất dễ nhận biết: quản trị trang (thường là BS) thường xuyên chia sẻ, cập nhật kiến thức y khoa liên quan chuyên môn của họ. Họ rất nhiệt tình trả lời thắc mắc của bệnh nhân cũng như thân nhân của người bệnh và sẵn sàng cho toa mà bệnh nhân không cần đến khám. Dù họ không chèo kéo người bệnh mua thuốc nhưng ai cũng hiểu cách dễ nhất để có được các loại thuốc đó là mua từ chính những người quản trị trang đó. Không khó để nhận ra nhiều bình luận dưới các bài quảng cáo khen hiệu quả thuốc là của "người nhà" để khách hàng tin tưởng.
Trên trang quảng cáo của mình, vị BS nọ luôn ca tụng loại thuốc T. như "thần dược" và được nhiều người lùng mua bất chấp giá cả để mong cứu sống người thân của mình. Dù không mua thuốc của ông nhưng bệnh viện nơi người nhà tôi điều trị cũng dùng loại thuốc ấy khiến cả nhà mừng như bắt được tiên đơn. Chỉ sau hơn 2 tháng sử dụng, "hiệu quả" là người thân của tôi đột ngột qua đời vì tác dụng phụ của chính loại thuốc ấy dù bệnh trạng chưa đến nỗi nào.
Khi tôi vào trang của BS nọ bình luận, nhắc mọi người đừng quá tin vào công dụng của thuốc mà bỏ qua những yếu tố khác, mọi bình luận của tôi lập tức bị xoá và nick của tôi cũng bị chặn ngay sau đó.
Mọi người không chỉ tự trang bị kiến thức y học tối thiểu mà còn không nên khám, chữa bệnh, mua thuốc từ các "BS mạng", thuốc chưa rõ nguồn gốc, không có giá quy định. Quan trọng là có những bệnh BS phải cho toa sau khi khám trực tiếp. Tiền mất, tật mang cũng đành, chỉ e cái mạng sống cũng không còn để mà rút kinh nghiệm khi lỡ trao niềm tin cho những lang băm xem tiền còn cao hơn mạng sống của người khác.
Hoài Anh