Đừng dự Oscar theo kiểu “cho có”

20/12/2024 - 17:03

PNO - Phim Đào, phở và piano đã không có mặt trong danh sách rút gọn 15 phim hạng mục Phim quốc tế xuất sắc của Oscar 2025.

Đây là điều có thể đoán trước, ngay từ khi Cục Điện ảnh công bố cái tên đại diện Việt Nam đi thi. Trong số 15 phim được chọn lọc từ 85 phim của các quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Á chỉ có 2 phim là From Ground Zero (Palestine) và Gia tài của ngoại (Thái Lan). Với thành tích này, Thái Lan lần đầu lọt vào danh sách rút gọn Phim quốc tế xuất sắc.

Phim Đào, phở và piano (trên) và Gia tài của ngoại (dưới)
Phim Đào, phở và piano (trên) và Gia tài của ngoại (dưới)

Việt Nam đã có phim tham gia vòng loại Oscar từ năm 1993 với phim Mùi đu đủ xanh, nhưng từ năm 2006 trở đi, Việt Nam mới nhận lời mời chính thức từ Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ để đều đặn gửi phim dự thi. Từ đó đến nay, điện ảnh Việt chưa từng được gọi tên trong danh sách rút gọn hạng mục Phim quốc tế xuất sắc. Điều này không có gì bất ngờ vì đây là hạng mục khắc nghiệt, chủ yếu do các cường quốc điện ảnh “thống trị”. Như năm nay, 11/15 phim trong danh sách rút gọn do châu Âu sản xuất. Ngay cả các nước châu Á có nền điện ảnh mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng “đứng bên lề”.

Trở lại với việc chọn ứng viên dự thi năm nay của điện ảnh Việt, chỉ có 4 phim đăng ký ứng tuyển là Đào, phở và piano; Cái giá của hạnh phúc; Lật mặt 7: Một điều ước; Mai. Nhìn lại 18 năm qua, phim được chọn thường chứa đựng tinh thần lịch sử, dân tộc như Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long, Mùi cỏ cháy.

Oscar là giải thưởng danh giá mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn tham gia và chiến thắng. Từ kỳ tích của điện ảnh Thái Lan năm nay khi một bộ phim thương mại, sở hữu câu chuyện không “đao to búa lớn” đã lọt vào danh sách rút gọn, có thể thấy, đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư nghiêm túc hơn cho đường đua Oscar. Nếu xác định cử phim tham gia với mục đích chính là truyền tải lịch sử, văn hóa dân tộc hơn là nghĩ đến chuyện thắng thua thì vẫn phải đầu tư ngay từ đầu để hằng năm có tác phẩm trọng điểm đem đi chinh chiến.

Những bộ phim mang “tầm vóc” như vậy chỉ có thể đến từ các hãng phim nhà nước chứ không thể trông chờ vào tư nhân. Nếu chưa thể kể được một câu chuyện “tầm cỡ” về lịch sử, văn hóa, dân tộc như mong muốn, hãy đầu tư kể những câu chuyện đời thường giản dị nhưng đầy cảm xúc như điện ảnh Thái đã làm được với Gia tài của ngoại. Việc gửi một bộ phim đến Oscar chính là gửi “bộ mặt” điện ảnh nước nhà. Chuyện lựa chọn đại diện cũng đâu nhất thiết chỉ khoanh vùng vào phim nhà nước, tư nhân mà hoàn toàn có thể mở rộng ra cho phim độc lập. Nhất là khi dòng phim này gần đây đang có nhiều tiếng vang đối với khán giả quốc tế.

Năm nay, Đào, phở và piano không những chưa đủ “sức nặng” về mặt chất lượng nội dung mà chất lượng kỹ thuật cũng kém do kinh phí thực hiện có hạn. Thế giới sẽ nghĩ gì khi xem một bộ phim Việt đề tài lịch sử, chiến tranh không đạt “chuẩn” như vậy?

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI