Dùng đông y điều trị rối loạn nội tiết tố nữ

09/11/2024 - 06:16

PNO - Rối loạn nội tiết tố nữ là vấn đề sức khỏe phổ biến ở phụ nữ từ 35-55 tuổi nhưng ít được quan tâm. Thực tế, bệnh vẫn đang ngày càng trẻ hóa, nhất là người trong độ tuổi lao động.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thanh Hồng An - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết, rối loạn nội tiết tố nữ là vấn đề sức khỏe phổ biến ở phụ nữ từ 35-55 tuổi nhưng ít được quan tâm. Thực tế, bệnh vẫn đang ngày càng trẻ hóa, nhất là người trong độ tuổi lao động.

Bỗng nhiên "nổi cơn thịnh nộ"

Mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt, chị N.T.K. - 33 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TPHCM - đau bụng dữ dội, máu đen sẫm, đặc nhiều… “Tôi bị tình trạng này từ khi 20 tuổi nhưng chỉ nghĩ do mình bị hành kinh nặng hơn chị em khác, nên cố gắng chịu đựng” - chị K. kể.

Đến khi có chồng nhưng chậm con, chị đi khám mới biết mình bị buồng trứng đa nang. Điều trị suốt 3 năm liền, luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhưng chị vẫn không khỏi. Mệt mỏi, áp lực, gia đình nhỏ của chị tan vỡ.

Chị K. như rơi vào bế tắc, nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi, chị đều đến khám. “Tôi rất ám ảnh mỗi lần đến kỳ kinh, uống rất nhiều thuốc giảm đau. Bạn tôi khuyên nên điều trị theo đông y, nên tôi đến Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM”.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn nội tiết tố nặng, đa nang buồng trứng, gần như kiệt quệ về tinh thần, thể xác. Trong quá trình điều trị, bác sĩ tư vấn tâm lý giúp chị K. ổn định tinh thần. Qua 6 tháng, sức khỏe chị dần ổn định, không còn bị đau bụng khi có kỳ kinh; thi thoảng chỉ bị căng thẳng bởi một số áp lực trong cuộc sống.

Cứ đến khoảng 14g hằng ngày, chị T.L.D. - 49 tuổi, ở quận 12, TPHCM - lại bị nóng ran, xay xẩm, huyết áp tăng nhẹ… Nghĩ mình trong giai đoạn tiền mãn kinh, chị mua thuốc uống hỗ trợ nhưng không khỏi. Cố gắng chịu đựng thêm, chị lại bị chóng mặt, bực bội, rồi khó chịu với người xung quanh.

“Những lúc như vậy, tôi biết rõ nhưng không kiểm soát được lời nói, hành động của mình, bởi càng kìm nén, tôi càng khó chịu. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt, tôi rất sợ mình sẽ làm tổn thương người khác” - chị D. tâm sự.

Bác sĩ chẩn đoán chị bị các cơn bốc hỏa dữ dội do tiền mãn kinh. Sự suy giảm nồng độ estrogen và một số hoóc môn khác đã làm chị bỗng nhiên “nổi cơn thịnh nộ”. Do chị D. được phát hiện và điều trị sớm nên chỉ trong 2 tháng uống thuốc đông y, chị đã hết các cảm giác trên. Hiện, chị duy trì thuốc hỗ trợ nâng thể trạng vì sụt cân, ốm yếu.

Thuốc đông y hiệu quả trong điều trị rối loạn nội tiết tố nữ  - ẢNH MINH HỌA: PHẠM AN
Thuốc đông y hiệu quả trong điều trị rối loạn nội tiết tố nữ - ẢNH MINH HỌA: PHẠM AN

“Đánh” trúng triệu chứng

Theo bác sĩ Đặng Thanh Hồng An, có nhiều nguyên nhân làm cho phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố như: căng thẳng kéo dài, gặp vấn đề uất ức, bực tức; thức đêm, lao lực, ít vận động; gia đình hay có chuyện không vui, mệt mỏi... Ngoài ra, sản phụ sau sinh bị căng thẳng, lo lắng kéo dài; hoặc tiếp xúc nước, gió, không khí lạnh sớm cũng có thể gây rối loạn nội tiết tố.

Khi bị rối loạn nội tiết tố, chị em có nguy cơ đối mặt với hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn tiền mãn kinh, suy buồng trứng, căng thẳng, trầm cảm, các vấn đề về tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa... Tùy vào rối loạn, người bệnh bị nổi mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, thừa cân béo phì, tăng đường huyết, mãn kinh sớm, kinh nguyệt không đều, rối loạn giấc ngủ, tiền đình tái đi tái lại, giảm ham muốn tình dục, nám da, sạm da, dễ bực bội, cáu gắt... thậm chí vô sinh.

Đa số phụ nữ nghĩ rằng các triệu chứng trên là thông thường, cho đến khi cuộc sống bị nhiều ảnh hưởng mới đến bệnh viện, vô tình kéo dài thời gian điều trị.

“Nếu bệnh viện tây y đã chẩn đoán ra triệu chứng, hay các dấu hiệu bệnh đã rõ ràng qua siêu âm, MRI... thì khả năng nồng độ estrogen hay một số hoóc môn của người bệnh đã thay đổi, lúc này việc điều trị sẽ kéo dài hơn. Ở đông y, các triệu chứng sẽ được phát hiện, điều chỉnh sớm hơn, người bệnh đỡ bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống” - bác sĩ Hồng An nói.

Theo đó, tùy cơ địa, tình trạng bệnh, bác sĩ đông y sẽ có các bài thuốc điều trị tận gốc; châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt... rất hiệu quả ở người bị đau đầu, chóng mặt, mất ngủ.

Bác sĩ Hồng An khuyến cáo: “Bài thuốc đông y đặc trưng cho từng cá thể. Người bệnh có thể kết hợp đông y, tây y hay thực phẩm chức năng, nhưng cần bác sĩ tư vấn, bốc thuốc hợp lý, hiệu quả hơn. Người bệnh không được dùng chung toa thuốc với bệnh nhân khác, không dùng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI