Đừng đồng cảm trên… màn hình

04/01/2019 - 17:53

PNO - Chẳng lẽ, đến già mới biết, hay chỉ những người có tuổi mới biết hỏi han, thăm viếng nhau?

Chị là giáo viên dạy văn, từng ra rất nhiều đề tập làm văn, đề thi văn cho học trò, nói về sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ với nỗi đau của người khác. Học trò làm bài gần giống nhau, theo đề cương hướng dẫn. Nhiều đứa thậm chí chép y nguyên. Chị nói chuyện với đồng nghiệp: bây giờ thói vô cảm tràn ngập khắp nơi, dạy cho học trò biết đồng cảm, biết nhận ra nỗi đau của người khác vô cùng khó. Mình ra nhiều bài nghị luận xã hội về đề tài này, bắt viết đi viết lại, sao cho in hằn vào não học trò, càng tốt. 

Dung dong cam  tren… man hinh
Ảnh minh hoạ

Một ngày, chị đi khám, bệnh viện thông báo phải nhập viện mổ. Ca mổ tim phức tạp vì phải đặt thêm thiết bị. Chị về nhà với trái tim cần được lắng nghe và chăm sóc từng giờ, từng ngày. Bạn bè tới thăm, chị nói mình bây giờ ngày nào cũng nghĩ, cũng viết tập làm văn, đề bài: thế nào là sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của người khác?

Chị giãi bày, cứ thử đau ốm một lần rồi biết có ai thấu hiểu nỗi đau của mình không. Ngay cả trong một nhà, cha mẹ con cái, sự đồng cảm cũng hiếm hoi lắm. Vợ bị bệnh tim nằm nhà, có thể ra đi bất kỳ lúc nào sau một cơn nhồi máu, nhưng chồng hết giờ làm vẫn giữ thói quen la cà với bạn chút xíu, chẳng vội về nhà làm gì. 

Mẹ nằm trên gác, trông giờ con về nhà. Nghe tiếng kéo cửa, nghe tiếng rồ xe, nghe tiếng con vô phòng để ba-lô xuống, rửa tay rửa mặt… nghe hết, rồi lúc nào cũng nghĩ giờ con sẽ lên chỗ mình, sẽ hỏi mình có mệt không, có đau không, giờ con sẽ… Nhưng rồi chẳng có gì, đứa con rửa mặt thay đồ xong nằm lăn ra giường ôm cái điện thoại. 

Dung dong cam  tren… man hinh
Ảnh minh hoạ

Chị sực tỉnh ra, mình đã quên dạy con về nỗi đau, quên dạy con cách nhận ra người khác đang đau ốm, đang mệt mỏi. Bản năng bảo bọc khiến người đàn bà ngăn chặn tất cả những nguy cơ có thể làm tổn thương đến con mình, chồng mình. Những đứa trẻ được bọc kỹ trong sự an toàn gần như tuyệt đối. Chúng hầu như không bị đau đớn gì. Nếu lỡ có vấp chân chảy máu một chút, người thân sẽ xoa vuốt, dỗ dành, rồi chúng cũng nhanh chóng quên thôi. 

Lớn lên, sự ích kỷ của tuổi trẻ tràn đầy năng lượng khiến chúng chẳng hề nghĩ đến việc phải hỏi han, chia sẻ với nỗi đau của người khác, cho dù đó là những người ruột thịt của mình. 

Sự đồng cảm đang bị biến thành một loại phô diễn. Trẻ con được dạy viết về nó, nói về nó, chụp hình phô diễn nó ở khắp mọi nơi. Nhưng ngay trong chính ngôi nhà của mình, chúng chưa được dạy rằng, việc nói lời thăm hỏi chân thành với người thân đau ốm, về đến nhà chạy ào vào thăm mẹ… mới là những yêu cầu cơ bản nhất của sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ. 

Những vòng sóng yêu thương cần được lan tỏa từ chính gia đình mình, từ những người thân yêu. Đừng quá mải mê với những kết nối bên ngoài, kẻo những kết nối bền vững trong gia đình sẽ rạn nứt, sẽ trống rỗng mất, rồi nỗi cô đơn sẽ tràn vào lấp đầy tất cả, khiến sự đồng cảm thực sự trở nên ngày một khó khăn. 

Dung dong cam  tren… man hinh
Ảnh minh hoạ

Mãi đến khi gối mỏi, xương cốt đau nhức, bệnh tật hỏi thăm, người ta mới nhận ra rằng, mình mong mỏi sự đồng cảm, thấu hiểu từ những người thân yêu. Cũng lúc ấy, người ta muộn màng nhận ra, mình đã bỏ qua những lần có thể nói gì đó, làm gì đó với người thân yêu. Chẳng lẽ, đến già mới biết, hay chỉ những người có tuổi mới biết hỏi han, thăm viếng nhau? 

Chẳng biết trong những lớp học kỹ năng mềm mở ra dày đặc, khiến người trẻ háo hức trang bị cho mình, người ta có đề cập đến sự đồng cảm bé nhỏ này không? Một sự đồng cảm thật lòng mà người ta mong mỏi, chứ không phải là màn thể hiện sự đồng cảm trên màn hình, với ai đó, ở đâu đó… 

Mai Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI