Đừng đón bão như đánh lô tô với số phận

25/11/2018 - 13:00

PNO - Bao người đã và đang hỗ trợ đồng bào chống bão, hà cớ gì lắc đầu cự tuyệt sự an toàn của chính mình?

0g ngày 25/11, một số quận trung tâm TP.HCM vẫn yên ả. Vài quận, huyện có mưa  nhẹ. Cảm giác ngột ngạt chờ bão tới khiến nhiều người khó ngủ.

Các tuyến đường lớn vẫn có tiếng xe cộ tới lui, như một thành phố bao năm không ngủ, không có gì bão bùng dữ dội như dự báo của các cơ quan chức năng.

Vài nhà hàng khuya còn sáng đèn. Một số thanh niên say sưa ăn nhậu sau chiến thắng của đội tuyển quốc gia trước tuyển Campuchia, như không hề có thông tin bão số 9 sẽ nhắm thẳng bờ biển Vũng Tàu, dội vào TP.HCM, tạt qua Long An, ảnh hưởng đến Bến Tre và các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa… Nhiều người còn nói: "Chắc lại dự báo sai rồi" hay "cứ khi nào chuẩn bị kỹ là y rằng bão không vào".

Dung don bao nhu danh lo to voi so phan
Đường đi của bão số 9

Miền Nam ít khi bão qua. Sự chủ quan này khiến những cơn bão nhỏ thôi cũng làm tan hoang những vùng quê. Người chết, nhà trôi, đau thương thiệt hại không sao kể xiết.

Nói đâu xa, con số 19 người thiệt mạng, 28 người bị thương trong cơn bão số 8 tại Nha Trang cùng bao nhà cửa bị lũ cuốn sập vừa qua khiến cả nước giật mình. Vì chủ quan đấy là cơn bão nhỏ, chẳng đủ sức làm hại, tàn sát ai, nên hầu hết các gia đình đã không hề phòng chống bão, chính quyền cũng không nghĩ đến việc di dời, bảo vệ dân.

Hôm qua (24/11), điện thoại di động của các thuê bao liên tục rung các thông tin bão. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn TP.HCM nhắc mọi người không nên ra đường trừ trường hợp khẩn cấp. Thông tin trên các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật đường đi của bão. Thủ tướng ra công điện buộc các tỉnh, thành dọc bờ biển di dời các hộ dân nhà cửa thiếu kiên cố về trú trong các trường học, ủy ban, nhà cao tầng…

Vậy mà cuộc di dời vì quyền lợi và tính mạng của người dân ấy lại diễn ra không hề suôn sẻ. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre, chính quyền phải vất vả cưỡng chế thì người dân mới chịu dời gót đến nơi an toàn. Đến 3g sáng ngày 25/11, lực lượng chức năng Vũng Tàu mới cưỡng chế di dời thành công những chủ nhân tàu cá cuối cùng.

Dung don bao nhu danh lo to voi so phan
Lãnh đạo TP.Vũng Tàu đến vận động từng nhà người dân di dời

Những anh trung niên cố thủ giữa bè cá đảo Long Sơn (TP.Vũng Tàu); những ngư dân Bến Tre, Bình Thuận lén ra biển dù đã có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi… không phải không sợ chết, mà họ liều và đánh cược với số phận. Họ không muốn bỏ một ngày mưu sinh, không muốn rời xa cơ ngơi, tài sản. Họ bám trụ và trông chờ vào sự may rủi trong câu nói “sống chết có số”.

Vẫn biết mưu sinh vốn đã là cuộc đánh lô tô cùng số phận với bao rủi ro, hiểm nghèo. Vẫn biết xa mái nhà với tài sản tạo dựng cả đời, để mặc nó cho gió quật, mưa bão sẽ xót lắm. Thà mình cùng "nó" cố thủ rồi rách chỗ nào vá chỗ đó, sập chỗ nào kê chỗ đó ngay trong bão. Bao năm chống chọi cùng thiên nhiên, rồi mọi chuyện cũng qua, nay lòng nào nỡ để nhà cửa mặc cho gió mưa vùi dập. Cảm giác xót thương tài sản của mình, lo chúng bị xóa xổ khi mình khuất mặt khuất mày, ai cũng có.

Thế nhưng, người ta đã quên rằng, tính mạng và sự an toàn của ta cùng gia đình mới là thứ quý giá nhất. Tài sản mất đi có thể tạo dựng, nhưng tính mạng và sức khỏe thì không.

Hình ảnh từ các trang báo cho thấy, chiều 24/11, các du khách vẫn mặc bikini, quần cộc, chủ quan nô đùa dưới sóng biển cao tới 2m ở bãi biển Nha Trang, ngay cạnh tấm bảng cấm bơi lội.

Có thể trách những người coi thường tính mạng ấy không? Có chứ, vì khi họ gặp nạn, mất tích, địa phương sẽ tốn rất nhiều tiền của, sức lực để cứu hộ, cứu nạn, thậm chí "nói gở" chỉ là đi tìm xác cũng tốn rất nhiều công sức, vật lực.

Dung don bao nhu danh lo to voi so phan
Nhiều người vô tư tắm biển dù đã có cảnh báo (ảnh: Thuỷ Nguyên)

Chợt nhớ tới những du khách đi phượt, chủ quan hái hoa bắt bướm rồi trượt chân rơi xuống vực, khiến cả trăm người khác cùng bao nhiêu phương tiện vật chất đổ ra đi tìm.

Chợt nhớ những nhân viên văn phòng ung dung ngồi trong tòa nhà khi nghe báo cháy diễn tập cứu hỏa. Rồi tới khi cháy thật, họ tiếp tục ung dung chủ quan “đùa ấy mà”, để rồi khi nhận ra sự nguy hiểm thì đã muộn. Cảnh sát cứu hỏa có khi phải hy sinh, chấp nhận bị thương để đưa họ ra.

Đừng ai nghĩ phòng chống thiên tai là việc tốn của, tốn công. Đừng ai nghĩ đây là việc... vô ích khi cơn bão suy giảm độ mạnh hay các chương trình dự báo vì lý do nào đó mà sai lệch. Bởi, thiên tai khó lường, không còn cách nào là phải phòng, chống. Chuẩn bị không bao giờ thừa và đấy mới là tinh thần tích cực để chiến thắng thiên nhiên mà con người muôn đời mơ ước.

Sáng nay, các quận huyện ở TP.HCM mưa to. Nhiều người bắt đầu dặn nhau cảnh giác với tình trạng ngập. Giữa rừng thông tin trên mạng xã hội, thông tin các khách sạn tư nhân ở Vũng Tàu vẫn tiếp tục mở cửa cho người vô gia cư, người có nhà cửa lỏng lẻo tới trú ngụ, Hội Phụ nữ huyện Cần Giờ tất bật chuẩn bị cơm trưa cho người dân đang "trốn" bão, làm ấm lòng bao người. Bao người đã và đang đưa tay hỗ trợ đồng bào chống bão, hà cớ gì mà lắc đầu cự tuyệt sự an toàn của chính mình?

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI