Đừng đợi tới 8/3: Yêu thương không cần chờ lễ tết

08/03/2022 - 06:00

PNO - Những nghiên cứu xã hội học các năm gần đây cho thấy, tỷ lệ đàn ông Việt Nam coi trọng chuyện bình đẳng, đề cao phụ nữ ngày càng nhiều. Con số này phân bố đều từ những người đàn ông có học thức, vị trí xã hội cao đến những người làm công việc lao động chân tay đơn giản. Với họ, ngày nào trong năm cũng là ngày 8/3, có nghĩa là, ngày nào họ cũng trân trọng, cưng chiều phụ nữ theo cách riêng của mình.

Ca sĩ Quách Tuấn Du: Tôi thích đưa tiền cho mẹ giữ 

Là ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc boléro, ca sĩ Quách Tuấn Du bước vào làng nhạc Việt từ thập niên 1990. Anh cũng nổi tiếng với nhiều ca khúc hát về tình mẫu tử. Sớm mất bố, lại chưa lập gia đình, ca sĩ coi mẹ là người bạn lớn nhất của mình, sau đó là những chị, em gái. 

“Tôi thấy đã là phụ nữ thì ai cũng đáng được trân trọng, họ chỉ nghĩ cho người khác mà quên đi bản thân mình, đàn ông nhiều khi vô tâm, coi đó là hiển nhiên.

Sau đại dịch vừa rồi, tôi thấy mình quá may mắn vì có mẹ bên cạnh. Tôi tự hào nói rằng, mẹ là người quan trọng nhất đối với tôi. Do phải đi lưu diễn thường xuyên nên tôi ít có điều kiện gần gũi để đưa mẹ đi chợ, đi chơi… Nhưng tôi luôn cố gắng một năm ít nhất một lần cùng mẹ đi làm từ thiện, chuyến đi này thường vào dịp sinh nhật mẹ.

Tôi cũng không có điều kiện thời gian phụ mẹ việc nhà. Một phần vì ở nhà tôi, cái bếp là của mẹ, mẹ không cho anh chị em tôi động vào, chỉ cần chúng tôi hào hứng ăn món mẹ nấu là bà vui. Mẹ tôi cũng giản dị, không chưng diện, nên tôi hiếm khi có cơ hội đưa mẹ đi mua sắm. 

Cách làm mẹ vui của tôi là cứ có tiền dành dụm thì tôi lại đưa mẹ giữ, để mẹ làm từ thiện hoặc mua sắm gì tùy thích. Mẹ thích tích cóp tiền, nên chừng nào còn thấy tôi làm được tiền, mẹ còn mừng vì tôi vẫn khỏe mạnh và cống hiến được cho khán giả. Tôi phải thừa nhận mình là người vụng về, thế mạnh duy nhất trong mắt mẹ là biết ca hát, biết đầu tư để có thêm tiền cho mẹ vui”.


Nhạc sĩ Quốc An: Tôi làm cái "thùng rác" cho chị xả chuyện buồn 

Nổi tiếng với những bản hit thập niên 2000 của ca sĩ Mỹ Tâm như Cây đàn sinh viên, Hát với dòng sông… nhạc sĩ Quốc An cũng có nhiều sáng tác xúc động về tình mẫu tử, về thân phận và tâm hồn người phụ nữ khi yêu. Quốc An không chỉ ga-lăng với phụ nữ, anh còn cư xử đàng hoàng với học trò, đàn em… luôn hỗ trợ họ hết mình trong âm nhạc, đời sống.

“Mẹ tôi mất nhiều năm rồi - đó là thiệt thòi của tôi vì khi các anh chị lớn lập gia đình rồi ra ở riêng, chỉ còn tôi và mẹ bầu bạn với nhau trong căn nhà rộng. Sau khi mẹ mất, có thời gian tôi chênh chao, hụt hẫng, đó cũng là thời gian tôi có nhiều sáng tác về tình mẫu tử. Mẹ mất rồi, các chị gái là người từ xa lo lắng cho tôi dù tôi đã là người trưởng thành. Phụ nữ mà, họ luôn lo lắng cho người thân, người họ yêu quý. Vì thế có cơ hội, tôi luôn muốn được chăm sóc họ. Tôi hay tháp tùng chị gái đi “nhậu”, hoặc đi bàn công việc, hoặc làm “thùng rác” cho chị chia sẻ mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống… 

Ngoài sáng tác, đào tạo, tôi tự nhận mình khá vụng về với phụ nữ. Tôi thường kém chủ động trong việc nắm bắt nhu cầu của họ. Cũng may các chị tôi rất thông cảm, nên cần hỗ trợ gì các chị hay nói thẳng, và tôi luôn sẵn sàng đáp ứng”.


Giám đốc tư vấn doanh nghiệp Kevin Sexton: Tôi luôn nói "vâng" trước yêu cầu của vợ 

Làm rể Việt Nam hơn 10 năm, Kevin hiện đang sống cùng vợ con tại Mỹ. Anh đặc biệt trân trọng những người phụ nữ quanh mình, đặc biệt là bà, mẹ, vợ và con gái. Chị Hằng, vợ Kevin, kể rằng: Ngoài thế mạnh là người lo toàn bộ kinh tế gia đình, anh còn là người biết chia sẻ. Khi chị sinh hai con, tự tay chồng chăm con, cho con ăn, tắm giặt cho con, trông con cả đêm cho vợ ngủ đủ giấc. 

Sinh con nơi đất khách, cha mẹ không ở bên nhưng có một người chồng chu đáo, tâm lý, chị không rơi vào trầm cảm như từng tưởng tượng.

“Tôi vốn là người vụng về, không biết nói lời ngọt ngào để vợ vui. Do đó, tôi luôn ghi nhớ lời ông tôi dặn: Đàn ông trong dòng họ có một bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình, đó là, luôn “vâng dạ” trước mỗi yêu cầu của vợ. Quả thật, tôi chứng kiến gia đình ba thế hệ nhà tôi sống rất hạnh phúc. Lấy được vợ Việt Nam với tôi đã là một may mắn lớn, cô ấy còn bất chấp nguy hiểm tính mạng, sinh cho tôi hai đứa con. Vì vậy, chỉ cần vợ vui, điều gì tôi cũng làm, không nhất thiết chỉ làm trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi sẵn sàng đi chợ, nấu ăn, chơi với con… để vợ chơi game.

Bởi tôi thấy, chẳng có gì trên thế giới đủ để bù đắp sự hy sinh của cô ấy…”.

 

Nhiếp ảnh gia Võ Minh Cường: Tôi luôn mua đồ ăn đêm cho vợ 

Trong giới nhiếp ảnh TPHCM, Cường không chỉ nổi tiếng bởi sở hữu một studio như “Đà Lạt trong mơ giữa lòng Sài Gòn” mà còn bởi cách quan tâm, chăm sóc, vun vén gia đình nhỏ mỗi ngày của mình. Cường được anh em trong giới, khách hàng… nhắc nhiều tới quá trình tự tay chăm sóc vợ một thời gian dài sau phẫu thuật. Sau biến cố sức khỏe đó của vợ, anh ngộ ra: “Hóa ra mình cũng có tay nghề chăm sóc người bệnh”.

“Nếu mua quà tặng vợ, tôi hay tặng bất ngờ chứ không câu nệ phải đúng dịp kỷ niệm hay lễ tết. Cũng muốn giúp vợ việc nhà để chia sẻ, nhưng tôi có tính hậu đậu mà vợ không cho tôi đụng vào bếp, nên tôi không thể giúp cô ấy việc nhà. Trước kia còn trẻ, tôi hay làm nhiều trò bất ngờ khiến vợ vui, vợ ngạc nhiên. Chẳng hạn, thấy nước hoa vợ dùng gần hết, tôi thường lén hỏi thăm bạn bè rành về nước hoa, mua về tặng vợ. Sau này, công việc bận rộn, tôi chỉ duy trì được những việc cỏn con như đưa đón con đi học, chơi với con, gọi đồ ăn đêm cho vợ nếu cô ấy đói.”

 

Nhiếp ảnh gia Huy Nguyễn: Chuyện gì cũng bàn với vợ 

Đợt dịch 2021, mắc kẹt tại Đà Lạt sáu tháng, vợ chồng Huy quyết định mở homestay lập nghiệp tại Đà Lạt, sau thời gian dài sống và làm việc tại TPHCM. Để có được quyết định lớn này, nguyên tắc của Huy là làm gì cũng chia sẻ với vợ.

“Tôi may mắn lấy được một cô gái giản dị và thấu hiểu. Nguyên tắc của tôi là làm gì hai vợ chồng cũng bàn bạc, chia sẻ, quyết định cùng nhau. Chúng tôi cũng đã từng có những quyết định sai lầm, nhưng may mắn vợ luôn đồng hành, động viên. Cô ấy không son phấn, quần áo, giày dép… chỉ cần ăn ngon, thấy chồng con khỏe mạnh là hạnh phúc. Vì vậy, dù công việc bận rộn, mỗi ngày tôi đều cố gắng… thỏa mãn dạ dày của cô ấy.

Nhìn cô ấy hạnh phúc khi ăn ngon, đó cũng chính là hạnh phúc của tôi”.


Ông Nghĩa Hải - Bảo vệ Công ty Rich Land Vietnam: Đàn ông đừng cố thắng phụ nữ, nên thắng chính mình thì hơn 

Làm bảo vệ “vì đam mê” - người đàn ông ngoài ngũ tuần cho rằng, phụ nữ là phái yếu, cần được bảo vệ và yêu thương mỗi ngày, không nhất thiết chỉ là những ngày lễ tết.

“Vợ tôi ăn chay, chỉ ở nhà nội trợ, nhưng tôi hiểu được cô ấy vất vả thế nào khi chăm lo miếng ăn, giặt giũ quần áo, chăm lo sức khỏe cho cả gia đình. Bà xã tôi tự hào lắm khi mỗi sáng đều được chồng chở đi chợ. Bả nói chị em cả chợ ghen tỵ với bả vì sáng nào chồng cũng tháp tùng. Tôi thì nấu ăn vụng về nên khi vợ nấu chỉ dám quanh quẩn bên cạnh phụ việc như lặt rau, bóc tỏi, quét, dọn…

Tôi cũng không ngại giặt quần áo cho bà xã. Trong nhà còn con dâu, con gái, việc dắt xe ra, dắt xe vào, những việc nặng nhọc… tôi không bao giờ để phụ nữ làm. Tôi chỉ mong mình là tấm gương tốt để con trai đối xử tốt với vợ và con gái cũng biết những tiêu chuẩn tối thiểu của người đàn ông tốt mà lựa chọn để gắn bó.

Đó là nói hoa mỹ, chứ tôi thấy mọi thứ tôi làm cứ tự nhiên thôi, ban đầu không hề suy nghĩ sâu xa đến thế. Mình là phái mạnh, giúp đỡ, hỗ trợ phái yếu là chuyện đương nhiên. Đàn ông đừng cố thắng phụ nữ, nên thắng chính mình thì hơn”. 

Châu Mỹ  (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI