“Tôi chăm bà ấy như thế nào à? Đơn giản thôi, mỗi ngày tôi đi chợ mua và nấu những món bà ấy thích ăn, khi thấy bà ấy buồn, tôi lại đọc Truyện Kiều cho bà ấy nghe. Giữa một khu vườn rộng lớn, tuổi già của chúng tôi nương tựa vào nhau…”.
|
"Tôi chỉ làm những điều bà ấy thích", ông chia sẻ |
Tôi cứ tưởng mình sẽ phải mất thời gian và vất vả lắm mới trò chuyện được với cụ ông Trần Bá Yên. Cụ đã 90 tuổi, dễ gì cụ sẽ hiểu và nghe rõ những điều tôi muốn trao đổi. Thế nhưng kết quả nằm ngoài sức mong đợi, không những nghe rõ, nói rõ, mà ở giọng cụ còn tỏa ra sự ấm áp của một người có lối sống chân tình. Cụ thích kể chuyện.
Cụ đã kể về cuộc hôn nhân kéo dài gần bảy thập niên của mình với một sự nâng niu, trân trọng đầy nhiệt thành.
Cụ kể: “Vợ tôi là bà Võ Thị Thành, người cùng quê (xã Phúc Trạch, H.Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Bà ấy kém tôi hai tuổi. Hai vợ chồng cưới nhau năm 1955, mười năm sau, khi đã có với nhau ba mặt con thì tôi được điều đi làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh ở Lào. Mọi nhiệm vụ gia đình, gánh nặng nuôi dạy con cái đều trao lại cho vợ. Trong bối cảnh chiến tranh, có những ngày tháng quê hương bị bom đạn giày xéo, cả nhà phải kéo nhau vào rừng lánh tạm, có khi phải ăn sương ngủ rét cả tháng trời nhưng vợ tôi vẫn kiên cường vượt khó, bảo bọc đàn con thơ. Sau này, tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ cách mạng nên tiếp tục xa nhà gần 20 năm trời đằng đẵng. Một mình bà ấy tần tảo nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già, nếm trải đủ khó khăn…”.
|
Ông bà đã cùng nhau đi qua 70 năm hôn nhân |
|
Ông bà bên nhau trong lễ thượng thọ để con cháu chụp hình |
Chiến tranh qua đi, cuộc sống tưởng đã bình yên và ổn định theo thời gian, nhưng đến năm 1998, khi hai vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, cuộc đời của cụ ông Trần Bá Yên và cụ bà Võ Thị Thành lại một lần nữa rẽ lối. Họ có hai người con gái, bốn người con trai. Các con gái ở quê, còn bốn cậu con trai vào Tây Nguyên sinh sống và lập nghiệp. Để được gần các con trai, ông bà phải bán hết nhà cửa ruộng vườn ở quê nhà Hà Tĩnh vào Tây Nguyên sinh sống.
“Rời bỏ quê khi tuổi đời đã cao luôn là một lựa chọn khó khăn. Bà ấy đi trước, mấy năm sau tôi mới vào theo. Những tháng ngày bà ấy đi, nhà cửa cứ vắng hoe vắng hắt, nhìn mấy cái cây cũng buồn, đụng con chó con mèo cũng bực bội. Con cái hỏi han gì tôi cũng giận lẫy, bóng gió xa gần. Sau đó vì vắng quá, nhớ quá chịu không nổi, tôi cũng phải theo vào thôi…”, cụ Yên kể.
Giới trẻ bây giờ thường truyền tai nhau câu nói: “Thời gian là phép thử của hôn nhân và hạnh phúc”, nhưng chính những điều được nghe từ câu chuyện như của cụ ông Trần Bá Yên lại giúp tôi cảm nhận, nhận ra thứ “vàng ròng” giúp con người thử được lửa thời gian. Đó chính là sự kiên định, tình nghĩa, là cùng nhau nhìn về một hướng.
“Năm nay đã 90 tuổi, điều gì giúp ông bà minh mẫn, sống vui sống khỏe như vậy ạ?”, tôi hỏi.
“Đó là nghĩa vợ chồng, sự hiếu thảo của con cháu, đặc biệt phải kể đến tinh thần thích ứng hoàn cảnh, chăm chỉ lao động mỗi ngày”, cụ trả lời.
Là người có kiến thức về nông nghiệp nên sau khi chuyển từ Hà Tĩnh vào xã Bàu Cạn, H.Chư Prông, tỉnh Gia Lai, hai ông bà liền bắt tay vào trồng cây gây vườn. Ngoài chọn những loài cây hợp thổ nhưỡng như bơ, thanh long, cà phê, gừng… cách canh tác của gia đình ông luôn đảm bảo kỹ thuật nên thành phẩm làm ra đạt chất lượng cao, được thương lái bao tiêu. Điều đó giúp tuổi già của ông bà không những độc lập tài chính mà còn tích lũy được vốn liếng, sau này hỗ trợ ngược lại cho con cái.
“Bây giờ, ở Tây Nguyên tôi có bốn người con trai, nhưng đứa gần nhất cũng cách nhà tôi 3km. Giữa một vườn cây lớn, ngày ngày tôi và vợ cùng trò chuyện, chăm sóc lẫn nhau. Bà ấy không khỏe bằng tôi nên mỗi ngày tôi chạy xe đạp điện đi chợ, mua món bà thích về nấu. Tôi gội đầu, tắm rửa; và đọc Truyện Kiều cho bà nghe vào những lúc nhìn bà có vẻ buồn, nhớ quê hương”.
“Điều ông lo nghĩ nhiều nhất bây giờ là gì?”, tôi lại hỏi.
“Tháng Mười năm ngoái, vợ tôi ốm nặng một trận thập tử nhất sinh, may con cháu thương yêu, chăm sóc, bồi dưỡng mới níu lại được. Từ đợt đó trở đi, tôi sợ nhất là việc còn lại một mình trên cuộc đời này. Bà ấy dẫu không giúp được gì, tôi phải chăm sóc bà ấy, nhưng chính điều đó lại mang đến sự chủ động, niềm vui sống cho tôi. Già rồi, đêm đêm hai chúng tôi đều khó ngủ, nhưng miễn còn nghe được hơi thở, sự rục rẹc của nhau trong bóng tối lại thấy an lòng”.
|
Ông bà hạnh phúc bên con cháu trong lễ mừng thọ tuổi 90 |
Hiện tại, cụ ông Trần Bá Yên và cụ bà Võ Thị Thành có 6 người con, 19 người cháu, 7 người chắt. Ông bà rất yêu thương, cưng chiều con cháu, mỗi lần có người nào ghé thăm chơi, tặng quà bánh ông bà đều gạt đi. Ông bà bảo món quà mà ông bà cần nhất là sự khỏe mạnh, bình an của mỗi thành viên gia đình.
“Bà ấy già, rụng mất mấy cái răng trông móm mém nhưng duyên dáng lắm. Mỗi lần có đứa nào về chơi, bà lại ôm chầm lấy thơm vào má, thơm vào trán. Trong buổi lễ thượng thọ vừa được con cháu tổ chức vào dịp xuân Nhâm Dần mới đây, bà ấy cứ luôn miệng bảo với tôi: “Ông ơi, như lễ tân hôn nhỉ. Tôi vui lắm!”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi tìm xem thêm chiếc video nhỏ về buổi tiệc thượng thọ mà người cháu ông bà tải lên ứng dụng YouTube. Hình ảnh cụ ông cụ bà ở tuổi thập cổ lai hy xúng xính nói cười bên con cháu, đùa trêu nhau… khiến tôi càng ấm lòng và xúc động.
Ông bà bận những bộ áo dài, quấn khăn đóng màu đỏ. Thêm một mùa xuân nữa, hai mái đầu bạc còn được tựa vào nhau…
Diệu Thông