PNO - Đừng đếm mùa cho hôn nhân nghe thật lãng mạn nhưng thực ra, mùa trong năm hay trong hôn nhân cũng chỉ là một khoảng thời gian. Nói cho dễ hiểu và thực tế hơn thì thời gian không phải thước đo hay sự đảm bảo cho độ bền của hôn nhân. Nếu đã là “không thể chấp nhận” thì dù đã đủ dài để sinh ra 2-3 thế hệ, cuộc hôn nhân ấy hoàn toàn vẫn có thể tan vỡ.
2 năm về trước, một người đàn ông trung niên chở người mẹ 65 tuổi ra văn phòng luật sư nhờ tư vấn thủ tục ly hôn cho mẹ. “45 năm không phải là lý do để mẹ tôi phải tiếp tục cuộc sống như bị cầm tù và chỉ toàn chịu đựng từ khi bước chân vào hôn nhân” - anh nói.
Theo lời kể của người con và người mẹ im lặng, chỉ gật đầu xác nhận, từ khi có nhận thức, anh chưa bao giờ thấy ba nói một lời ngọt ngào hay có cử chỉ yêu thương với mẹ. “Ba mẹ tôi không thuộc thế hệ quá cổ hủ, nghĩa là cũng kết hôn sau thời gian tìm hiểu, yêu nhau nhưng tính ba tôi áp đặt, thích kiểm soát. Mẹ tôi thì hiền lành, cam chịu nên không có cãi vã, chỉ ba đặt yêu cầu, mẹ tuân thủ. Từ việc lớn đến việc nhỏ, ba tôi đều quyết định với thái độ rất trịch thượng nhưng mẹ tôi mới là người thực hiện tất cả những quyết định đó. Mẹ kinh doanh quần quật kiếm tiền cho mọi chi phí trong gia đình. Khi chúng tôi lớn lên, định hướng chọn trường, chọn nghề cho con cũng là ba tôi nhưng khi con cái phản ứng, không nghe lời, tự chọn con đường riêng cho mình, mẹ cũng là người âm thầm ủng hộ anh em tôi và hứng chịu mọi uất giận ba trút lên. Ba luôn chỉ trích mẹ, nói mẹ không biết dạy con, vô dụng, nhu nhược trong khi thực tế, người không làm được gì cho chúng tôi chính là ba.
Quá bất bình, nhiều lần chúng tôi đã hỏi sao mẹ không ly hôn nhưng câu trả lời của mẹ luôn là nếu mẹ đứng lên, các con sẽ không còn được ở cùng một nhà. Cả đời mẹ tôi, sai lầm duy nhất có lẽ là đã đồng ý kết hôn với ba. Chúng tôi nhận ra cuộc sống gia đình được kéo dài và duy trì chỉ nhờ vào sự hy sinh của mẹ, người luôn bị coi là “kèo dưới”. Đến giờ, khi chúng tôi đã khôn lớn, ba tôi già yếu, nhiều bệnh nền, vẫn chứng nào tật đó, vẫn luôn bạc đãi mẹ bằng những ngôn từ khó mà chấp nhận. Chúng tôi thuyết phục mẹ ly hôn, tự do không phải để mẹ được giải thoát khỏi công việc chăm sóc người bệnh vốn khá nặng mà là để mẹ thực sự được sống cuộc sống của chính mình, được tôn trọng. Chúng tôi đã thuê y tá, điều dưỡng, giải phóng hoàn toàn cho mẹ, coi như là cách báo hiếu, dù cho với ba, chúng tôi chỉ là bọn bất hiếu”.
Luật sư tư vấn cho người phụ nữ đã có cháu nội, cháu ngoại này chia sẻ rằng ngày càng có nhiều cặp đôi xé giấy đăng ký kết hôn khi mới chung sống được vài năm với lý do tương tự. Họ đều khẳng định rằng không việc gì phải chịu đựng sự thiếu tôn trọng, thái độ luôn hạch sách, thô lỗ, hỗn hào từ người kia. Được tôn trọng (không cần đến mức nâng niu chiều chuộng nhau thật ngọt ngào) luôn là điều kiện căn bản nhất để sống cùng nhau vui vẻ.
“Lẽ ra mẹ phải có quyết định này sớm hơn” là câu nói của người con khiến bà mẹ nghẹn ngào gật đầu. Có thể nhiều người sau khi quyết định chấm dứt cuộc sống gia đình nặng nề đầy ô nhiễm, bước vào một không gian mới trong lành hơn cũng muốn thốt lên như vậy.
Ảnh mang tính minh họa - Freepik
2. Mong muốn lớn nhất: luôn được chia sẻ, không bị lừa dối!
Lâu quá không gặp, bạn bè tôi hỏi, dạo này tình yêu, hôn nhân thế nào, rồi nhắc đến các ứng viên rất sáng giá trước đây. Khi tôi trả lời: “Không, chẳng đi đến đâu cả, ông ấy chỉ được cái giàu và giỏi, không thể kết hôn”, bạn tôi đã trố mắt ngạc nhiên: “Ủa, chứ bạn nghĩ bạn là hoa hậu hay sao? Chỉ giàu và giỏi thôi! Giàu và giỏi còn chưa đủ sao?”. Tôi đáp: “Ừ, giàu và giỏi nhưng kín tiếng lắm, không bao giờ chia sẻ làm gì, ở đâu. Nghe nói giàu thế nhưng nào tớ có biết tài sản thực sự của ông ấy bao lớn, nhà ở đâu còn không biết, nói vui là nếu có sống chung, có lẽ đến khi ông ấy chết, tớ mới biết mình rất giàu hay vỡ nợ phải ra đường”.
Kín tiếng, không chia sẻ hết có thể là điều thật khôn ngoan trong cuộc sống, nhất là trên cõi mạng, nhưng nếu người mong muốn là bạn đời của mình ứng xử với mình như vậy, bạn có thấy vui và yên tâm?
Một nửa sự thật không là sự thật, mà 90% sự thật cũng có khi vẫn chưa phải sự thật. Nếu đã yêu thương, là một gia đình, thì chia sẻ chân thành, tin cậy nhau tuyệt đối là điều kiện quan trọng để có thể gắn bó lâu dài và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn nếu có. Nhiều cặp vợ chồng rất gắn bó dù tính cách trái ngược nhau chính vì có được điều này.
Với nhiều người, sự lừa dối trong tình yêu được xem là không thể chấp nhận chỉ khi thiếu chung thủy. Thế nhưng, khi đã kết hôn, “khép đôi mi chung một giường, đôi khi mơ cùng một giấc”, người ta cần chân thành, chia sẻ với nhau tất cả chứ không chỉ chuyện yêu đương một vợ một chồng.
Những bí mật khi được phát giác có thể dẫn đến ly hôn không chỉ bó hẹp trong chuyện có phòng nhì, có con riêng, quan hệ bất chính với đồng nghiệp, trốn vợ - chồng đi gặp tình cũ… mà còn vô số sự vụ không hề dính đến hờn ghen tình ái: quỹ đen quá lớn để làm ăn riêng, đặt bẫy qua mặt chồng/vợ… để chiếm đoạt hoặc tẩu tán tài sản…
Kinh khủng hơn nữa là bài bạc, làm ăn phi pháp, vỡ nợ… khiến gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn. Tất cả những điều này khi vỡ lở đều có thể dẫn đến ly hôn chóng vánh. Cứ cho là người gây lỗi sẽ được tha thứ nhưng như một tiền án, nếu đối phương tái phạm, kết cục chia tay sẽ diễn ra dù cuộc hôn nhân ấy ở năm thứ mấy đi nữa!
Ảnh mang tính minh họa - Drazen Zigic
3. Vô tâm
Những cô gái thế hệ Z cho rằng chỉ thế hệ bà hay mẹ mình mới có trường hợp kiên nhẫn làm mọi điều trong khi ông hay cha mình quá vô tâm, chứ thế hệ các cô không có chuyện đó đâu. Kết hôn xong mà chỉ vợ chăm sóc vun vén, chồng cứ đi làm về rồi như thượng khách đến chơi nhà là sẽ chỉ được vài mùa rồi “banh”. Ly hôn sớm không phải là trào lưu mà là một thực tế.
Nhưng thực tế khác vẫn tồn tại: những gia đình một bên vô tâm, một bên chu đáo vẫn chưa “banh” do sự vô tâm ấy chỉ là bề nổi. Ẩn dưới những cãi vã, giận hờn là một nền tảng yêu thương, chia sẻ, tin cậy, tôn trọng nhau vẫn rất vững chắc, kết nối chặt chẽ và phân công công việc hợp lý giữa các thành viên. Những người trong gia đình có thể bỏ qua cho nhau vì nền tảng này và nó thường được xác lập, xây dựng trong những năm đầu của hôn nhân. Tức là khi đã có 1 và 2 như ở trên, mục 3 này sẽ được hóa giải.
Vô tâm có nhiều cấp độ, nhiều dạng, do nhiều nguyên nhân. Từ vô tâm đãng trí đến vô tâm ích kỷ, vô trách nhiệm có khi chỉ cách nhau một hạt thóc nếu thiếu nền tảng yêu thương và sẻ chia.
Quên sinh nhật vợ, quên ngày cưới, quên đón con… có thể bỏ qua nếu chồng/vợ quá bận mà quên chứ không phải vì thấy nó “không cần thiết, mắc gì phải nhớ”.
Sự vô tâm không thể chấp nhận khi nó khiến người ta dửng dưng, nhạt nhẽo với nhau cũng dễ dàng dẫn đến mục 1, 2 không đạt điều kiện đủ.
Bản chất của con người, dù giàu nghèo, già trẻ, giới tính nào cũng đều là muốn được yêu thương, chăm sóc, tôn trọng. Vậy nên khi một người ở với một người mà nhận ra tình yêu thương không hề có thì cũng sẽ đến một ngày, chẳng biết mùa nào, hôn nhân sẽ đi vào ngã ba.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.