Đừng để xói mòn niềm tin

12/04/2014 - 17:24

PNO - PN - Những ngày qua, dư luận rất phấn khởi khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có ý kiến “yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phải đợi đến khi Chủ tịch nước “vào cuộc”, những người có trách nhiệm của tỉnh Phú Yên và TAND tỉnh Phú Yên mới hứa sẽ “xem xét thận trọng, thấu đáo hồ sơ” và tuyên bố “phải xử nghiêm túc, đúng pháp luật”.

Chủ tịch nước đang chỉ đạo cải cách tư pháp theo hướng mang lại niềm tin công lý cho người dân, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng chỉ riêng vụ xử “dùng nhục hình” ở TAND TP.Tuy Hòa đã như một cái tát vào tinh thần cải cách đó. Vụ xử năm công an được ông Chánh tòa TP.Tuy Hòa cho là “rất nhạy cảm” và “trong vụ này, lực lượng cảnh sát bị mất mát quá nhiều đã là một tổn thất lớn...” thì đúng là đã “gây bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng” cho người dân.

Dung de xoi mon niem tin

Nói như thế khác nào công nhận khi đứng trước tòa, vẫn có những “công dân hạng nhất” và những “công dân hạng hai”, thậm chí “công dân hạng… ba”. Lực lượng cảnh sát “bị mất mát quá nhiều” không phải do “hy sinh khi thi hành công vụ”, mà do dùng nhục hình “ngoài quy định của pháp luật” khiến nạn nhân tử vong. Nếu so những người “dùng nhục hình” với nạn nhân, thì ai là người bị “mất mát”? Kẻ dùng nhục hình trái pháp luật vẫn sống, còn nạn nhân thì đã nằm trong lòng đất. Nếu ông Chánh tòa TP.Tuy Hòa dùng cụm từ “một tổn thất lớn” cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều và gia đình anh, đó mới là một nhận định hợp lý và hợp tình người.

Mục đích của tòa án khi xét xử một vụ án là để nghiêm khắc cảnh cáo cho những vụ việc như thế sau này khó có cơ hội xảy ra nữa. Công an dùng nhục hình với công dân khi đang điều tra xét hỏi là không được phép. Dùng nhục hình đến mức gây chết người thì càng phải bị xử trị đúng pháp luật, không nương nhẹ, không “nhạy cảm”, với mức án phải giữ cho người dân còn có niềm tin vào sự công minh của pháp luật, tin vào công lý.

Một khi, kết quả xét xử của tòa án khiến người dân bị xói mòn nghiêm trọng niềm tin vào pháp luật, không còn thấy mình được pháp luật bảo vệ, thì điều gì sẽ xảy ra? Luật sư Phạm Công Út ở TP.HCM đã nói thẳng: với vụ “năm công an đánh chết người” vừa qua, dư luận xã hội còn thắc mắc rằng, liệu có cuộc họp liên ngành giữa ba cơ quan: công an, viện kiểm sát và tòa án TP.Tuy Hòa trước khi đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm không? Và “điều đó có thể phù hợp với quy chế phối hợp liên ngành của ba cơ quan đã ký kết với nhau, nhưng đi ngược với tinh thần cải cách tư pháp là bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Việc này có thể là thảm họa cho nền tư pháp nước ta khi hiện tượng “án bỏ túi” vẫn còn, các thẩm phán không thể tự mình độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật”.

Khi Chủ tịch nước đã vào cuộc, người dân kỳ vọng từ vụ án được xem xét lại và xử nghiêm túc, đúng pháp luật này, sẽ là một bước đột phá cho ngành tòa án trong việc xét xử theo hướng cải cách tư pháp. Án đã xảy ra, vấn đề là xử thế nào, để khi án đã tuyên, niềm tin sẽ được củng cố trong mỗi công dân.

 Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI