|
Ảnh minh họa |
Từ ngày 1/7/2024, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình) có hiệu lực thi hành.
Người dân đã bình luận nhiều chiều về điều 2 của nghị quyết - quy định người chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đình chỉ thai nghén (thai từ 22 tuần tuổi trở lên) mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai; cũng như trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
Báo Phụ nữ TPHCM phỏng vấn tiến sĩ Trần Công Thịnh (Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng
Phóng viên: Một số người cho rằng, chồng bị hạn chế quyền ly hôn ngay cả trong trường hợp vợ mang thai và sinh con với người đàn ông khác là “chèn ép” các ông. Phải chăng đó là sự tổn thương kép ở người chồng vừa bị vợ “cắm sừng” vừa không được quyền ly hôn?
Tiến sĩ Trần Công Thịnh: Thực ra, đó không phải là quy định mới. Tại khoản 3 điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã nêu rõ: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Luật đã không quy định rõ đứa con đó là con của người vợ với ai, dẫn đến điều luật được hiểu theo nhiều hướng. Để tránh việc không thống nhất trong nhận thức và xét xử, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành quy định này, xuất phát từ lý do bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng… theo Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em 2016.
Tại khoản 1, điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”.
* Nếu người vợ lợi dụng các quy định này, tiếp tục ngoại tình, mang thai, sinh con hòng “giam đời” người chồng thì sao?
- Quy định người vợ khi đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được ly hôn, đồng nghĩa với việc khi đứa trẻ đã đủ 12 tháng tuổi thì người chồng được phép nộp đơn ly hôn ngay (nếu vẫn còn nguyện vọng). Trường hợp người vợ “kịp” mang bầu lại khi đứa con trước chưa đủ 12 tháng tuổi là hy hữu.
Phải khẳng định ngay rằng, có rất nhiều tình huống khiến người vợ mang thai, sinh con với người khác, không phải lúc nào cũng do ngoại tình. Có nhiều trường hợp bất khả kháng, chẳng hạn người vợ là nạn nhân trong vụ cưỡng dâm, hiếp dâm, dẫn đến mang thai. Người vợ bị thiệt thòi, đáng thương và đứa trẻ không hề có tội. Trong trường hợp này, bảo vệ cho đứa trẻ và người vợ là hoàn toàn chính đáng. Dù đứa trẻ không phải là con (sinh học) của người chồng, nhưng người chồng không được phép ly hôn. Ở góc độ này, quy định trên nêu bật được tính nhân văn, xã hội nên tán đồng và ủng hộ.
Còn khi đứa bé là kết quả/hậu quả của một cuộc tình vụng trộm, tôi cho rằng quy định như thế còn bất cập, chưa hợp lý, thậm chí là hơi tàn nhẫn với người chồng, trong khi chưa hẳn đã có ích đối với những người còn lại.
Bảo vệ quyền được ly hôn của cả vợ và chồng
* Xin ông phân tích cụ thể?
- Khi người vợ mang thai và chăm con nhỏ thì người chồng không được quyền ly hôn; nhưng ở chiều ngược lại, nếu người vợ chủ động ly hôn thì được chấp nhận; bởi mục đích cuối cùng là ưu tiên quyền lợi của phụ nữ cùng với đứa trẻ và hơn ai hết, người vợ hiểu rõ tình trạng hôn nhân của mình, những nguy cơ có thể xảy đến nếu vẫn tiếp tục chung sống.
Mang tâm lý bị “cắm sừng”, đa số người chồng sẽ quyết lòng ly hôn. Họ sẽ không chỉ thụ động giấu một tờ đơn xin ly hôn và lật lịch chờ thời, mà còn dễ dẫn đến những hậu quả đau lòng. Điều ấy đi ngược lại mục đích tốt đẹp của quy định là bảo vệ, chăm sóc cho mẹ và bé.
|
Làm sao để con trẻ chào đời là gạch nối yêu thương của vợ chồng chứ không phải miễn cưỡng chấp nhận hay đánh dấu sự chia lìa - Ảnh minh họa: iStock |
* Ông có cho rằng quyền lợi của mẹ và bé sẽ bị thiếu hụt nếu ly hôn ngay trong thời điểm người phụ nữ cần trợ giúp nhất?
- Sự hiện diện của người chồng trong nhà hoặc trên tờ giấy không đồng nghĩa với sự đồng hành, quan tâm, chăm sóc, yêu thương vợ và cháu bé. Nếu ly hôn, không có chồng bên cạnh, người phụ nữ vẫn còn có sự hỗ trợ của những người thân khác, cha của đứa bé, bạn bè hoặc dịch vụ xã hội; mẹ và bé vẫn được chăm sóc, bảo vệ.
Giá trị của sự thủy chung, tôn trọng, gắn bó giữa vợ chồng cần được giữ gìn, vì đó là cốt lõi của giá trị gia đình, cũng là môi trường tích cực để nuôi dưỡng, giáo dục con trẻ. Nếu đã tìm mọi cách để xây dựng mà không cải thiện được thì ly hôn cũng là giải pháp cho cả hai, bảo vệ quyền lợi cho mọi người, trong đó có quyền được ly hôn của người chồng.
Nhà báo có nói 2 chữ “giam đời”. Quyền được hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân của đàn ông cũng cần được bảo vệ, tuổi thanh xuân của đàn ông cũng quý và đàn ông cũng sợ bị “lỡ duyên” khi mãi ràng buộc trong hôn nhân với người vợ lăng nhăng.
* Đằng nào cũng khó khi một em bé tượng hình trong một hoàn cảnh tréo ngoe và sự dang rộng vòng tay của cha/chú chỉ phụ thuộc may rủi. Theo ông, có cách nào ngăn ngừa tình cảnh oái oăm này?
- Một em bé sinh ra bởi sự vô tình hay từ một sự cố của người lớn thì từ trong bào thai đã thiệt thòi. Chúng ta cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản… cho người dân, nhất là phụ nữ độ tuổi sinh sản để đừng có thêm những em bé “bị” sinh ra. Đứa trẻ phải là kết quả của tình yêu thương và sự chủ động, sẵn sàng chào đón của cha mẹ; sự sẵn sàng về pháp lý, tài chính, chăm sóc, môi trường sống, giáo dục…
Nếu không còn tình cảm với nhau và mãi không cải thiện được mối quan hệ thì vợ/chồng nên giải thoát cho nhau để đường đường chính chính xây dựng mối quan hệ khác. Trường hợp người phụ nữ là nạn nhân bị xâm hại tình dục, cần được bác sĩ khám và tư vấn kịp thời. Khi đó, họ đủ kiến thức và được nâng đỡ tâm lý để chọn lựa giải pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn, cân nhắc có thể đình chỉ thai kỳ khi còn sớm để không mắc kẹt bởi bi kịch ly hôn hay mong chờ sự chấp nhận của người chồng.
* Xin cảm ơn ông.
Dù là chồng hay vợ, khi không còn tình cảm trong thời gian dài, có yếu tố ngoại tình mà bắt ép duy trì cuộc hôn nhân thì gia đình đã không còn là mái ấm, thậm chí là “mái lạnh”. Tâm lý ức chế khiến lời nói, hành vi khó kiểm soát, có thể là ngòi nổ của bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của các thành viên trong gia đình, nhất là người mẹ và thai nhi. |
|
Tô Diệu Hiền (thực hiện)