Đừng để trẻ rối loạn ngôn ngữ khi học ngoại ngữ sớm

22/09/2023 - 06:19

PNO - Cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ rất sớm với mong muốn con phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn nhưng nhiều phụ huynh sau đó lại rơi vào trạng thái lo lắng khi con bị rối loạn ngôn ngữ, không thể nói tốt tiếng mẹ đẻ.

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Với hy vọng con gái sớm nói thành thạo tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, vợ chồng anh D.T.K. - ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM - đã cho con gái đến học ở trung tâm ngoại ngữ khi con mới 3 tuổi. Thấy con mỗi ngày đều nói thêm được vài từ tiếng Anh, anh mừng như “bắt được vàng”. Có thời gian rảnh, vợ chồng anh lại mở các chương trình ngoại ngữ cho thiếu nhi trên ti vi, điện thoại để con xem và học thêm.

Phụ huynh cần dành đủ thời gian, điều kiện cho trẻ phát triển tiếng mẹ đẻ  khi quyết định cho trẻ học ngoại ngữ sớm - ẢNH: T.T.
Phụ huynh cần dành đủ thời gian, điều kiện cho trẻ phát triển tiếng mẹ đẻ khi quyết định cho trẻ học ngoại ngữ sớm - ẢNH: T.T.

Niềm vui mới kéo dài được vài tháng thì anh nhận thấy sự bất thường khi con gái sử dụng tiếng Anh thường xuyên hơn, kể cả trong giao tiếp hằng ngày. Thậm chí, khi ba mẹ cố gắng hỏi han, tâm sự với con bằng tiếng Việt thì con cũng chỉ bập bẹ được vài từ, không thể diễn đạt thành câu trọn vẹn. Thấy tình hình đáng lo, anh quyết định đưa con đi khám tại bệnh viện thì được thông báo con mắc chứng rối loạn ngôn ngữ.

“Thấy con cháu trong nhà đều học tiếng Anh từ sớm nên gia đình cũng ráng thu xếp để cho con đi học. Tôi chỉ nghĩ con càng tiếp xúc nhiều với tiếng Anh sẽ càng giỏi chứ không hề nghĩ đến chuyện ngày hôm nay” - anh K. chia sẻ. Giờ đây, sau gần 4 tháng điều trị, con vẫn chưa nói được một câu dài dù bằng tiếng Việt hay tiếng Anh.

Tương tự, chị Như Hương - ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - cũng cho con đi học tiếng Anh khi vừa tròn 3 tuổi vì nghe nhiều lời khuyên nên cho con học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Dù không biết ngoại ngữ nhưng mỗi khi nghe con nói, chị rất thích thú và tìm cách khen ngợi, động viên để con nói nhiều hơn. Nhưng khi con bước sang 4 tuổi, chị bắt đầu lo lắng bởi con không chủ động dùng tiếng Việt, chỉ nói khi ba mẹ yêu cầu hoặc để lấy được thứ mình muốn. Lâu dần, những từ ngữ khó bé đều dùng tiếng Anh để diễn đạt nên chị không còn hiểu được ý muốn của con. Nỗi lo lắng cứ thế chất chồng.

Ngược lại, chị B.B. - ngụ Hải Phòng - đã từ chối lời đề nghị đăng ký cho con học tiếng Anh với người bản xứ của giáo viên mầm non. “Con trai 4 tuổi của tôi đã bị rối loạn ngôn ngữ Trung Quốc vì học khi còn quá nhỏ nên dù nhiều người khuyến khích cho con học tiếng Anh sớm thì tôi vẫn không sẵn sàng. Đợi thêm vài năm thì vẫn chưa muộn” - chị B. bộc bạch. 

Cần cho trẻ học theo khả năng

Tiến sĩ Đào Nguyễn Anh Đức - chuyên nghiên cứu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh, giảng viên Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết, có nhiều lý do khiến trẻ rơi vào tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Về chủ quan, điều này có thể nằm trong sự phát triển tự nhiên của trẻ, phải có những biện pháp chẩn đoán, chữa trị kịp thời. Về khách quan, việc trẻ phải học, sinh hoạt trong một môi trường mang tính bắt buộc, áp lực từ ba mẹ đã vô tình khiến trẻ không kiểm soát được khả năng, dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. 

“Con cần thời gian để thẩm thấu nhưng ba mẹ, thầy cô lại cung cấp quá nhiều thông tin, khiến con không biết nên chọn lọc, nhận lấy những thông tin gì. Kết quả là con không biết mình nên làm gì, học gì, nói tiếng Anh lúc nào, tiếng Việt lúc nào” - bà Đào Nguyễn Anh Đức giải thích.

Bà nhận thấy rằng, nhiều phụ huynh hiện nay sẵn sàng đầu tư nhiều tiền để cho con đi học ở trung tâm ngoại ngữ, tiếp xúc với người bản xứ từ sớm. Phụ huynh giao toàn quyền dạy dỗ cho trung tâm nhưng kết quả lại không như mong đợi, thậm chí con còn có tâm lý e ngại hơn. Bởi vì trẻ 2-3 tuổi không giống như học sinh các cấp khác, không thể cứ ngồi vào bàn, nghe giảng là hiểu được. Thay vào đó, người lớn phải quan sát để biết con muốn và thích gì. Từ đó, lồng ghép ngôn ngữ vào hoạt động hằng ngày, để ngôn ngữ tự động đi sâu vào trí nhớ của trẻ. 

Bên cạnh việc chăm chút về tiếng Anh, điều quan trọng là phụ huynh phải đảm bảo con có đủ thời gian để xây dựng và phát triển khả năng tiếng Việt. Có nghĩa là ba mẹ không được thiên vị, tạo dựng môi trường như con đang sống ở nước ngoài. Khi trẻ không có cơ hội nghe, nói, thực hành tiếng Việt từ khi còn nhỏ thì chắc chắn ngôn ngữ sẽ dần mai một. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn khi con đến trường và bị bạn bè cô lập, dẫn đến những vấn đề tâm lý khác. 

Đồng ý với quan điểm trên, thạc sĩ Đặng Thị Phúc Trường - Giám đốc một trung tâm Anh ngữ tại tỉnh Khánh Hòa - nhận định, quá trình học tiếng Anh sẽ phụ thuộc vào năng khiếu và sự phát triển cá nhân của từng đứa trẻ. Do đó, gia đình nên khuyến khích trẻ học một cách tự nhiên chứ không nên áp lực và đặt quá nhiều kỳ vọng ở trẻ. “Nhìn chung, ba mẹ cần tạo điều kiện để con phát triển song song 2 ngôn ngữ, chứ không nên áp đặt suy nghĩ là con phải học tiếng Anh như thế này, như thế nọ. Ép con học theo nhịp độ mà phụ huynh muốn nhưng con không muốn thì sẽ rất tiêu cực” - thạc sĩ Đặng Thị Phúc Trường nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh.

Trang Thư 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI