Đừng để trẻ ra đi vĩnh viễn khi ngủ chung với ba mẹ

22/11/2020 - 06:24

PNO - Ban ngày, cha mẹ trông coi con nhỏ là điều dễ dàng, nhưng lúc ngủ say, ngay cả người lớn cũng khó kiểm soát hành động của mình.

 

Lối vào khu Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1
Lối vào khu Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1

Những tai nạn tưởng không thể xảy ra

Nhiều trẻ bị tai nạn thương tâm do sự bất cẩn hay thiếu hiểu biết của ba mẹ gây ra. Bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhớ lại: "Cách đây gần 3 tuần, chúng tôi tiếp nhận một bé gái 6 tháng tuổi, nhà ở quận 8 ngưng tim ngưng thở khi ngủ chung với ba".

Người nhà của bé kể, bé nằm ngủ cạnh ba và mẹ trên giường nệm sát mặt đất, bề dày nệm là 26cm. Khoảng 4g sáng, bé khóc đòi sữa nên ba của bé thức dậy pha sữa. Bé bú bình xong, cả nhà tiếp tục ngủ. Sau đó, mẹ bé xuống nhà ăn sáng rồi đi chợ.

Đến 7g sáng, ba của bé tỉnh dậy không thấy con đâu, anh quay sang thấy bé nằm sấp, úp mặt, kẹt cả thân người trong khoảng hở giữa thành nệm giường và tường. Anh vội vàng lật con dậy thì toàn thân bé tím tái, không cử động, nên tức tốc ẵm bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Đến nơi, bé đã tử vong. 

Trước đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cấp cứu cho em bé 3 tháng tuổi bị kẹt tay vào nôi trong lúc ngủ chung với ba mẹ giường kế bên. Khi bé liên tục khóc thét thì người nhà phát hiện ra ngón tay sưng, tím đen. Lúc vào bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận ngón tay đã bị hoại tử do bị kẹt quá lâu, dẫn đến thiếu máu nuôi.

Theo bác sĩ Phương, những trường hợp này do tính bất cẩn của phụ huynh, vì nghĩ con nhỏ nằm trong nôi sẽ an toàn nên không để ý. Đâu ngờ rằng trong lúc trẻ vươn mình khiến bàn tay bị kẹt. Cuối cúng, các bác sĩ đưa ra quyết định đau lòng là cắt bỏ ngón tay "đã chết". 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương đang cấp cứu cho bệnh nhi
Bác sĩ Đinh Tấn Phương đang cấp cứu cho bệnh nhi

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) - chia sẻ: Trẻ em ở nước ngoài bị tai nạn khi ngủ chung với cha mẹ thường xuyên xảy ra, phổ biến nhất là trẻ tắt thở do bị chân của người lớn đè lên khi ngủ say. Riêng ở Việt Nam thì ít hơn, nhưng không phải không có.

Trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé trai (khoảng 2 tuổi, ở Bình Dương) bị chấn thương sọ não khi ngủ chung với mẹ. Cụ thể, bé và mẹ đang ngủ ở dưới sàn nhà của phòng trọ. Rạng sáng, mẹ bé dậy sớm và lên cầu thang thì lỡ chân đá trúng điện thoại. Chiếc điện thoại rơi xuống trúng vào đầu, khiến bé chấn thương sọ não. May mắn, bé được mổ lấy máu tụ ra ngoài và xuất viện.

Bảo vệ con khi đã ngủ bằng cách nào?

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cảnh tỉnh: Ban ngày, cha mẹ trông coi con nhỏ là điều dễ dàng, nhưng lúc ngủ say, ngay cả người lớn cũng khó kiểm soát hành động của mình. Do đó, nếu không "sửa soạn" giấc ngủ cho cả gia đình sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc. 

Tại Việt Nam, trẻ dưới 12 tháng tuổi thường được ngủ chung với cha mẹ. Nhưng Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ lại khuyến cáo, với trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng), cha mẹ phải tuân thủ đối với quy tắc ABC.

A (Alone): Cho bé ngủ một mình, không được ngủ chung vơi ba mẹ và người lớn. Vì trong lúc ngủ chung sẽ có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Trường hợp hay gặp nhất là người lớn đè lên trẻ bằng tay, chân hoặc nằm nghiêng đè. Việc này có thể khiến trẻ bị nghẹt.

B (Back): Tư thế ngủ tốt nhất cho trẻ là nằm ngửa, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Không nên cho bé nằm sấp. Vì khi nằm sấp, đầu của bé có thể xoay úp vào khe của tấm nệm hoặc giường. Trong khi bé chưa có khả năng làm động tác tự bảo vệ nên chưa thể quay đầu lên được dẫn đến nghẹt thở.

C (Crib): Cho trẻ nằm trong nôi riêng, phải đảm bảo kích thước của nôi. Không để lọt bé ra ngoài, nhất là bàn tay chân, ngón tay ngón chân. Vì đã có những trường hợp trẻ bị kẹt tay dẫn đến hoại tử chi. Khu vực ngủ, tránh để những vật dụng nhỏ có thể bỏ lọt miệng của trẻ. 

Ngay khi phát hiện trẻ bị tai nạn lúc ngủ, cha mẹ nhanh chóng sơ cứu, đưa đến cơ sở y tế gần nhất
Ngay khi phát hiện trẻ bị tai nạn lúc ngủ, cha mẹ nhanh chóng sơ cứu, đưa đến cơ sở y tế gần nhất

Theo bác sĩ Phát, những trẻ lớn hơn cũng không được ngủ giường cao so với sàn nhà. Bởi nhiều tai nạn, trẻ bị té ngã từ trên giường xuống dẫn đến chấn thương sọ não, gãy tay chân.

Khi thấy trẻ bị kẹt chân tay ở giường hoặc bị tì đè, cha mẹ cần quan sát dấu hiệu của bé để có biện pháp cấp cứu nhanh chóng.

Cụ thể, với trẻ bị ngạt, cha mẹ quan sát thấy da bé hồng hào, còn thở được thì phải đưa tới các cơ quan y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Còn trẻ chẳng may bị ngưng tim ngưng thở, cha mẹ nhanh chóng hồi sức tim phổi. Phương pháp hồi sức tim phổi dành cho trẻ nhũ nhi khác với cho trẻ sơ sinh. Trường hợp này cần hồi sức tim phổi cho trẻ gấp, thực hiện càng sớm, khả năng cứu sống trẻ càng cao.

Đinh Tiên - Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI