Đừng để trẻ chỉ biết học, ăn, ngủ và không biết gì về kỹ năng sống

04/07/2024 - 19:54

PNO - Xã hội hiện đại đi kèm với nhiều điều mới mẻ, tiềm ẩn nguy cơ mà chúng ta không thể lường trước được. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải dạy trẻ kỹ năng đối phó với các tình huống nguy hiểm.

Câu chuyện các bé bị bỏ quên trên ô tô dẫn đến hậu quả đau lòng, nhiều ý kiến chỉ trích trách nhiệm của tài xế và nhà trường. Điều này không sai, nhưng còn 1 trách nhiệm khác mà người lớn chúng ta chưa ai nhận, đó là trách nhiệm của cha mẹ trong việc trang bị kỹ năng sống cho con.

Một cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe từ sáng đến chiều mới được giải cứu nhưng đã muộn
Một cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe từ sáng đến chiều mới được giải cứu nhưng đã muộn - Ảnh: Anh Ngọc

Cuộc sống của người dân Việt Nam đã có những thay đổi lớn trong nhiều năm qua, từ bước chân trần lên cái ô tô, từ phiên chợ quê họp dưới gốc đa làng lên cái siêu thị, trung tâm thương mại mà người đi chợ lên xuống bằng thang cuốn hay thang máy. Chỉ 2 dẫn chứng nhỏ này để các cha mẹ xem lại mình đã trang bị kỹ năng sống cho con khi đi ô tô hay bước chân vào thang máy, lên thang cuốn chưa?

Bạn thử tìm trong sách giáo khoa từ lớp Một đến hết THCS, có quyển sách nào, trang sách nào dạy kỹ năng này không? - không có. Có nhiều cháu ngồi vào xe ô tô, theo thói quen hiếu kỳ mở các nút bấm, công tắc lung tung. Cha mẹ cầm lái phía trước, chưa chắc đã thấy. Đã có không ít trường hợp con ngồi trong xe chờ cha mẹ đi ra ngoài có việc đã táy máy nhả phanh tay, xe đang đậu ở triền dốc bị trôi đi…

Hay đơn giản hơn, có cháu bé 4 tuổi ngồi trong chiếc ghế nhỏ gắn phía trước xe gắn máy, xe chưa sẵn sàng chạy thì cháu mó vào kéo tay ga, cả hai mẹ con lao vào vệ đường.

Các cháu nhỏ đi xe máy, ngồi xe ô tô hiện nay đã trở thành chuyện thường ngày rất cần biết những quy tắc an toàn tối thiểu. Khi không may xảy ra chuyện (như bị bỏ quên trong xe) cũng biết cách bấm còi, đập cửa báo cho người bên ngoài hoặc kéo cửa kính xuống cho hết bí hơi, giỏi hơn thì biết bật nút mở cửa thoát ra.

Nhưng kỹ năng này nếu nhà trường hay cha mẹ hướng dẫn cho con cái, học sinh có lẽ không tốn quá 10 phút. Nhưng có mấy ai làm. Chúng ta quên hay không lưu tâm đến?

Còn nhớ trước đây, khoảng năm 2017, 1 chiếc xe du lịch đi hướng từ Sơn Tây đến Hà Nội. Cháu bé ngồi băng ghế sau. Khi đến gần phố Nhổn xe ghé vào đổ xăng, bà mẹ xuống xe đi vào nhà vệ sinh. Lúc này 1 tên trộm bất ngờ nhảy lên xe lái đi. Hắn lo tẩu thoát và không quan tâm đến cháu bé còn nhỏ đang mải mê chơi game ở băng ghế sau.

Đến gần ngã tư xe dừng đèn đỏ. Cháu bé bất ngờ mở cửa nhảy xuống la to “Chú này cướp xe nhà cháu”. Mọi người lập tức nhảy vào xiết tay kẻ gian ngay lập tức.

Thì ra cháu bé đã được gia đình hướng dẫn cách thoát hiểm khi bị bắt cóc. Cháu bé biết có chuyện không lành nhưng vẫn cố bình tĩnh ngồi chơi, chờ cơ hội.

Cha mẹ dù muốn tạo một môi trường an toàn cho con nhưng không thể bao bọc hoàn toàn trẻ khỏi những chuyện bất ngờ ngoài tầm kiểm soát. Trong cuộc sống, sẽ có những khoảng thời gian cha mẹ không thể ở cạnh con cái mình. Trong những lúc này, trẻ cần được dạy cách ở một mình sao cho an toàn. Xã hội hiện đại đi kèm với nhiều điều mới mẻ, tiềm ẩn nguy cơ mà chúng ta không thể lường trước được. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải dạy trẻ kỹ năng đối phó với các tình huống nguy hiểm.

Dạy con kỹ năng sống để sau này có thể sống tự lập, hòa nhập, tự tin và bản lĩnh hơn mới là điều thật sự tốt cho con.

Huy Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI