PNO - Viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ em vào mùa lạnh. Tuy nhiên, do dấu hiệu dễ trùng với những bệnh hô hấp thông thường như viêm họng, viêm mũi họng nên có thể gây nhầm lẫn.
Viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ em vào mùa lạnh. Tuy nhiên, do dấu hiệu dễ trùng với những bệnh hô hấp thông thường như viêm họng, viêm mũi họng nên có thể gây nhầm lẫn. Nếu không được điều trị, viêm VA không chỉ gây biến chứng viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm họng... mà còn làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, thể chất, thậm chí gây biến dạng khuôn mặt trẻ.
Môi hở, răng vẩu, nói ngọng
Những ngày này, tại Khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1 có khá nhiều trẻ chờ nạo VA hoặc vừa nạo VA xong, chuẩn bị xuất viện. Bé Nguyễn Chí T., bốn tuổi, ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM là một trong những bệnh nhi bị biến chứng VA nặng, thể chất ốm yếu, miệng vẩu, răng hô, ngực nhô, mắt lừ đừ…
Chị Kim Hồng, mẹ bé T. kể: “Bé thường bị ho, sổ mũi, sốt, viêm họng, viêm phế quản nên phải uống kháng sinh. Tôi cứ tưởng bé ốm yếu, lớn không nổi là do ảnh hưởng thuốc, nên đưa bé đi khám hết BV này đến BV khác. BS cho xét nghiệm máu, nói bé thiếu sắt, kẽm và vitamin D, kê toa cả mớ thuốc bổ. Uống cả tháng cũng không thấy bé lên cân, ăn uống vẫn khó khăn, tôi chuyển sang thuốc Bắc của một thầy ở quận 8 cho bé uống. Lại thêm một tháng trầy trật với thuốc Bắc, con tôi vẫn gầy đét, lừ đừ, mệt mỏi. Lúc này, tôi lại sợ con mắc bệnh tim vì thấy ngực bé nhô hẳn ra, không giống các bạn khác. Đưa bé đến BV Nhi Đồng 1, BS siêu âm, chụp X-quang tim cho kết quả bình thường. Mãi gần đây, bé lại ho, sổ mũi, viêm phế quản và nghẹt mũi không ngủ được, tôi lên mạng thử tìm bệnh của con qua các triệu chứng, thì thấy mô tả những biến chứng của bệnh viêm VA hệt như của con mình: ốm yếu, hay bệnh, môi quớt, miệng không khép, ngực nhô, mông teo…”.
Bé P. vừa được nạo VA tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Vậy là chị đưa ngay con đến BV Nhi Đồng 1, xin khám chuyên khoa Tai Mũi Họng và nói với BS những nghi ngờ của mình về bệnh VA. BS cho chụp X-quang, kết quả là T. bị phì đại VA, che kín đường thở sau, đó chính là lý do khiến T. luôn bị nghẹt mũi, chỉ có thể thở bằng miệng nên môi không khép lại được, ngực bị nhô. T. được nạo VA ngày 29/10/2016.
Bé Nguyễn Minh P., bốn tuổi, ở Phan Thiết, Bình Thuận thì mỗi khi cất giọng là ai cũng cười vì ngọng “toàn tập”. Ba mẹ bé định đưa đến BS tìm cách điều chỉnh cho bé hết ngọng nhưng bà nội lại cản: “Con nít 10 đứa ngọng hết 8-9, lớn lên từ từ sẽ hết. Ba nó ngày xưa cũng ngọng mà giờ nói chuyện bình thường đó thôi”.
Nghe vậy nên cả nhà không để tâm nữa, dù càng lớn P. càng ngọng, chứ chẳng hề có dấu hiệu giảm. Mãi đến tháng 3/2016, P. cứ nghẹt mũi về đêm, không thở được cũng không ngủ được, người hốc hác hẳn nên gia đình mới đưa đến phòng khám tư gần nhà. BS cho là P. bị viêm mũi họng do thay đổi thời tiết, nhưng uống thuốc chỉ thấy đỡ vài ngày rồi lại bệnh, cứ quanh quẩn nghẹt mũi, ho, sốt, viêm phế quản...
Thấy con ngày càng ốm, mẹ P. đưa vào BV Nhi Đồng 1 khám, gia đình bất ngờ khi nghe BS kết luận: bé bị VA sùi vòm và biến chứng gây viêm tai giữa mạ n tính, ảnh hưởng đến thính lực, khiến bé nghe không rõ nên phát âm không chuẩn, ngọng, đớt. Ngày 9/11/2016 bé P. đã được nạo VA, lúc đó đã che kín đường thở sau.
Khi nào cần nạo VA cho trẻ?
Viêm VA thường gặp ở trẻ từ 2-6 tuổi. Đây là tổ chức lympho tương tự amidan nhưng nằm phía sau mũi, trên lưỡi gà, là vùng đặc biệt khó thấy ở trẻ nhỏ nên có thể bị bỏ sót khi khám bệnh, chủ yếu được chẩn đoán qua các dấu hiệu gián tiếp như nghẹt mũi và gương mặt điển hình của người bị biến chứng VA.
Theo BS Nguyễn Tuấn Như - Phó khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị viêm VA là nghẹt mũi lúc nằm ngủ. Do vùng mũi bị viêm nhiều, tổ chức lympho tăng sinh, gây hẹp ở mũi sau, nên khi trẻ nằm, đặc biệt là nằm ngửa, lưỡi gà rớt ra phía sau, gặp VA to thì sẽ làm đường thở ở phía sau hẹp lại, bít tắc khiến trẻ không thở bằng mũi được, phải há miệng thở.
Tình trạng há miệng thở kéo dài sẽ khiến không khí vào phổi không được làm ẩm, nên đường hô hấp của trẻ dễ bị viêm. Đáng lo hơn, thở bằng miệng sẽ gây biến dạng mặt của trẻ như làm môi vẩu lên, khung răng đưa ra phía trước như bị hô và mắt luôn giương to trông rất ngây ngô. Nguy hiểm nhất là việc thở bằng miệng sẽ làm giảm lượng không khí vào phổi, dẫn đến thiếu ôxy cung cấp cho não, làm trẻ chậm phát triển về trí tuệ.
Một biến chứng tiềm ẩn nhưng tác hại kéo dài và nguy hiểm khác mà phụ huynh thường không để ý là viêm tai giữa. Vì trong mũi có lỗ thông giữa tai và mũi, đường dẫn từ tai lên mũi ở trẻ lại ngắn hơn ở người lớn, nên khi VA to sẽ gây tắc lỗ thông đó, khiến tình trạng viêm tai xảy ra. Viêm tai sẽ gây ra viêm tai giữa (VTG), viêm xương chũm, thậm chí chuyển sang viêm màng não, viêm não, đe dọa tính mạng trẻ.
VA gây VTG mạn tính ở trẻ nếu không phát hiện sớm, trẻ sẽ bị giảm thính lực, đặc biệt ở trẻ 2-5 tuổi, đang trong giai đoạn tập nói, nghe không rõ sẽ phát âm sai, nói ngọng. Viêm VA cũng khiến tần suất lên cơn suyễn của trẻ tăng lên. Một trong những điều phụ huynh băn khoăn khi phát hiện con bị viêm VA là có nên nạo VA không, nạo vào thời điểm nào là phù hợp?
Theo BS Nguyễn Tuấn Như, không phải cứ có VA là phải nạo mà cần làm phẫu thuật này đúng thời điểm, khi VA quá to, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của trẻ. Viêm VA có ba cấp độ:
- Độ 1, 2: Viêm VA chiếm chưa đến 50% đường thở sau, chủ yếu điều trị bằng thuốc.
- Trên độ 2 đến độ 3: VA chiếm 50% đường thở sau, sẽ cân nhắc chuyện phẫu thuật. Nếu chiếm trên 75% đường thở sau thì phải phẫu thuật.
Trong trường hợp VA độ 1, 2, việc quan trọng nhất là phải làm thông thoáng đường thở của trẻ. Cách tốt nhất là dùng nước muối bơm rửa mũi và hút mũi cho bé mỗi ngày, nhất là vào buổi sáng khi trẻ vừa ngủ dậy hoặc vừa đi học về. Khi mũi thông thoáng, trẻ thở bằng mũi tốt thì dù VA to cũng ít gây khó chịu, biến chứng.
Nhiều chuyên gia tai mũi họng nhắc nhở: “Nếu trẻ từ 2-5 tuổi bị viêm mũi họng kéo dài, tái đi tái lại thì phải nghĩ đến việc chụp phim để kiểm tra VA. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ bị “khuyết tật” vì mang bộ mặt đặc trưng của viêm VA: da tái, môi trên bị kéo xếch lên, môi dưới dài, miệng không khép, răng vẩu, mọc lệch, hai mắt giương to, ngây ngô, lưng cong, ngực nhô, bụng ỏng, mông teo”.
Điều trị táo bón cho trẻ phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh. Điều trị nội khoa thường được áp dụng trước, nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.