Đừng để trả giá đắt vì quá muộn

18/03/2022 - 06:29

PNO - Những hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức không chỉ có ở TPHCM mà còn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Tại khu vực các quận nội thành TPHCM, việc dùng nước máy là rất bình thường trong mắt mọi người. Thế nhưng, chỉ cần bước đến một số huyện ngoại thành hay xóm trọ vùng ven, tình hình lại khác. Bởi ở đó, việc dùng nước giếng khoan phổ biến, dù đường nước máy đã đến tận từng nhà.

Mỗi ngày, người dân TPHCM tiêu thụ một lượng nước ngầm không nhỏ
Mỗi ngày, người dân TPHCM tiêu thụ một lượng nước ngầm không nhỏ

Vài năm trước, TPHCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với tổng lượng khai thác 0,7 triệu m3/ngày, trong khi lượng tiêu thụ nước sạch (nước máy) là 1,9 triệu m3/ngày. Nghĩa là, mỗi ngày, người dân TPHCM tiêu thụ một lượng nước ngầm không nhỏ.

Không ai nhìn thấy mạch nước ngầm, nhưng có thể thấy rõ tác động của việc khoan khai thác nó. Trong tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn” do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức sáng 17/3, bác sĩ Ngô Cao Lẫm - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - tiết lộ một thông tin giật mình: trong 1.400 mẫu giếng khoan mà HCDC kiểm tra trong năm 2015, có 2 - 5% mẫu không đạt chuẩn vi sinh và trên 70% mẫu không đạt chuẩn hóa lý. Còn trong năm 2021, trong 160 mẫu giếng khoan được kiểm nghiệm, có 15% mẫu không đạt chuẩn vi sinh và 98% mẫu không đạt chuẩn hóa lý. 

Khi chất lượng nước không đạt, tác động tiêu cực của việc sử dụng nước giếng không qua xử lý trong một thời gian dài lên sức khỏe là điều không thể tránh khỏi. Nhưng việc khai thác nước ngầm vô tội vạ còn dẫn đến các hệ lụy khác. Từ nhiều năm nay, giới chuyên gia đã cảnh báo hiện tượng sụt lún đất tăng nhanh trên diện rộng ở TPHCM do việc khai thác nước ngầm tràn lan. 

Những hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức không chỉ có ở TPHCM mà còn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi cung cấp một nửa sản lượng lương thực của nước ta. Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ - cho biết, ngày xưa, chỉ có người dân sống ven biển dùng nước giếng vào mùa khô, nhưng ngày nay, người dân chỗ nào cũng dùng nước giếng và dùng quanh năm. Ông nói: “Gần như không thể kiểm soát. Người ta khoan vô tội vạ, chỉ cần sáu giờ là khoan xong một cái giếng”. 

Một vụ sụt lún nghiêm trọng tại Cà Mau
Một vụ sụt lún nghiêm trọng tại Cà Mau

Nguyên nhân dẫn đến việc khai thác tràn lan nước giếng ở ĐBSCL là do nước mặt bị nhiễm mặn và ô nhiễm bởi rác thải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, người dân lại cần nước ngọt cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt. Theo nghiên cứu có tên “Rise and Fall” (tạm dịch “nâng lên và lún xuống”) do Chính phủ Hà Lan tài trợ, được công bố cách đây vài năm, việc khai thác nước ngầm quá mức góp phần gây ra sụt lún đất và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Nếu kết hợp cả hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, với tốc độ sụt lún hiện tại thì hơn một nửa diện tích ĐBSCL có thể chìm dưới nước biển trong hai thế hệ tới.

“Hôm nay chúng ta mới bàn vấn đề bảo vệ nước ngầm là muộn, nhưng đừng để quá muộn” - ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM , nhận định như thế tại tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn”. 

Đúng thế. Phải hành động ngay từ bây giờ để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong tương lai. Trước tiên, cần truyền thông thay đổi nhận thức của người dân, để mỗi người hiểu được điều cốt lõi: nước ngầm là tài nguyên vô giá, và như bất kỳ nguồn tài nguyên nào, nó là hữu hạn chứ không phải vô hạn. 

Cũng cần có những chính sách đồng bộ từ các ban, ngành khác nhau, tránh tình trạng mạnh ban, ngành nào thì đến hẹn là “than khóc” nhưng lại không có giải pháp, hoặc giải pháp manh mún, không phối hợp được với nhau. 

Cũng cần những sáng kiến, đóng góp từ giới khoa học. Tại tỉnh Trà Vinh, sáng kiến của Trường đại học Cần Thơ do nhóm nghiên cứu của phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất đã mang lại kết quả tích cực. Sống cạnh những con kênh bị ô nhiễm, người dân được hướng dẫn trồng bông súng để tẩy rửa ô nhiễm. Một thời gian sau, kênh sạch đẹp hơn và người dân có thể dùng nguồn nước này để sản xuất, sinh hoạt thay cho nước ngầm. Không những thế, họ còn có thêm tiền từ việc bán bông súng. 

Khai thác nước ngầm không miễn phí như nhiều người nghĩ. Nó có cái giá của nó, đó là sự tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng đến môi trường và nguồn sống nếu khai thác tràn lan. Nước ngầm chỉ mang lại giá trị khi được khai thác một cách khoa học. 

 Phan Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI