Em bé trốn trong kẹt tủ
Sau khi giúp bà ngoại trông em, quét nhà, ăn vội chén cơm, bé N.T.L.A. - 4 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai - không nói gì mà chỉ thích chui vào tủ quần áo. Mỗi khi bà ngoại cần, bé đẩy cửa ra ngoài, sau đó lại vào tủ quần áo chơi.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa - mẹ của bé A. - lúc hơn 1 tuổi, bé rất hoạt bát, bi bô chơi đùa như những em bé khác cùng xóm. Tuy nhiên, từ khi việc làm ăn thất bại, chồng của chị trở nên hung bạo. Mỗi lần rượu vào, anh ta đánh vợ, con rất hung tợn. “Có lần, bé A. đang ngủ, chồng tôi xốc bé dậy đánh liên tục. Vì vậy, mỗi khi thấy cha đi nhậu về, A. lật đật chui vào tủ quần áo trốn, rồi có thói quen chơi trong tủ đến bây giờ” - chị Hoa nhớ lại.
Do bận mưu sinh, chị Hoa để con chơi như vậy mà không để ý rằng bé vì quá sợ hãi, co mình đến mức bị câm tạm thời. Sau khi ly hôn với chồng, chị đưa 2 con về quê nhờ bà ngoại chăm sóc. Được bà ngoại yêu thương, tinh thần của A. dần ổn định, bập bẹ được vài câu. Dù vậy mỗi lần A. không nghe lời, bà nói lẫy: “Con giống cha nên khó dạy bảo”. Vừa nghe bà nhắc đến cha, A. lại chạy vào tủ quần áo trốn.
|
Chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt đang hỗ trợ về tâm lý cho một bệnh nhi |
Nhiều tháng nay, A. ở trong tủ, tự ngắt nhéo khắp người bầm tím. Khi bé bị sốt cao, co giật, chị Hoa đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, bé không bị bệnh về thực thể mà đang gặp chấn thương tâm lý nặng nề. Không chỉ tự làm hại mình, A. còn lén trút giận lên đứa em mới vài tháng tuổi, giống như cha đã từng đánh mình.
“Mẹ ôm anh đi, mẹ chơi với anh đi, con đi một mình được” là câu bé P.V.M.K. - 6 tuổi, ở tỉnh Bình Định - nói với mẹ trước khi chào chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt (Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2) để ra về. Sau câu nói đó, chị Trần Thị Thanh - mẹ bé K. - rất vui vì nghĩ con biết lo cho người anh trai bị tăng động.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý phát hiện khi mẹ và anh trai của bé K. nắm tay nhau đi trước, ánh mắt bé K. buồn thiu, run rẩy đi phía sau. Gọi gia đình bé quay lại, chị nói với người anh trai hãy ôm em mình. Nghe vậy, bé K. liền ôm chầm lấy anh.
Bận chăm con trai lớn, chị Thanh gửi K. về quê cho người thân mà không biết rằng con không có ai chơi cùng, không có ai để nói chuyện nên bé rất khao khát tình yêu thương. K. mệt mỏi, dần mất đi niềm tin về gia đình, bị rối loạn chia ly, rối loạn lo âu, luôn sống trong nỗi sợ mẹ bỏ rơi.
Để định hình được nỗi sợ hãi của bé, chuyên gia tâm lý khuyến khích bé vẽ những gì mình muốn. Trước một bức tranh đầy màu sắc của bạn đồng trang lứa vẽ sẵn, K. chọn một góc nhỏ phía bên dưới, vẽ một đứa trẻ rồi run rẩy xóa đi. Đó là biểu hiện của sự bồn chồn, lo lắng không yên, luôn cảm thấy chỉ có một mình.
Vá "vết thương" tâm lý cho trẻ
Theo chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt, trong một số nghiên cứu trên thế giới, tùy thuộc vào sự phát triển của não bộ, trí tuệ và độ ghi nhớ, những ký ức xảy ra khi trẻ dưới 5 tuổi vẫn có thể được “lưu trữ”. Từ khi còn nhỏ, trẻ đã có khả năng ghi nhận tình huống, nhận biết được cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, trẻ còn quá nhỏ để xác định, chuyển cảm xúc đó thành lời nói để người khác lắng nghe, chia sẻ nên rất dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi. Theo thời gian, có trẻ rơi vào các rối loạn về sức khỏe tâm thần, có trẻ bị ảnh hưởng, dần trở nên tiêu cực, ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc của trẻ.
Như trường hợp của bé A., từ khi mẹ chia tay cha, bé dần lấy lại bình tĩnh khi được bà ngoại yêu thương. Thế nhưng, mỗi lần giận dỗi, bà ngoại cứ lặp lại câu nói bé giống cha, vô tình khơi lại nỗi ám ảnh, tổn thương càng làm cho bé sợ hãi, bất an, phải luôn trốn trong tủ áo cho đến khi bộc phát cơn co giật.
Ngay cả khi đang được hỗ trợ tâm lý, bé cũng luôn cảnh giác cao độ với người lạ, e dè, sợ hãi ôm chặt cánh tay người mẹ, khóc thét lên khi có ai đó đang nhìn vào mình. Không chỉ bé A. mà bà ngoại, mẹ của bé cũng phải được điều trị tâm lý bởi cả 3 người đều đang bị giày vò, đau khổ từ ký ức đã qua.
|
Bức tranh bé K. vẽ phía dưới góc trái tờ giấy cho thấy bé đang sợ hãi, lo lắng và rất cô đơn |
Chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt chia sẻ, hầu hết trẻ có biểu hiện, hành vi bất thường đến khám đều liên quan đến những tổn thương trong quá khứ. Có trẻ bị bạo hành, có trẻ phải sống theo kỳ vọng của cha, mẹ… Những vết thương này không mất đi mà trẻ cố gắng đè nén, cố gắng quên đi, nếu bị khơi gợi, ngay lập tức các tình huống đó sẽ trở về, trở thành nỗi ám ảnh, đeo bám suốt hành trình phát triển của trẻ.
Một khi có các “vết thương” chằng chịt trong tâm hồn, trẻ khó phát triển bình thường, không tự tin, không thể tập trung học tập, kết quả sa sút, thường lẩn trốn, khó ngủ, luôn thấy mệt mỏi. Gánh nặng quá khứ khiến những đứa trẻ này buộc phải gồng lên, tỏ ra trưởng thành hơn so với lứa tuổi của mình. Chúng học cách che giấu cảm xúc, tự lập và mạnh mẽ nhưng rất cần được người lớn thấu hiểu.
Mặt khác, trẻ cũng gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác, khó để hình thành các mối quan hệ lành mạnh, dễ bị tổn thương bởi những lời nói và hành động của người xung quanh.
Do đó, cha mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe những tâm sự của trẻ mà không phán xét hay áp đặt suy nghĩ của mình. Tạo môi trường sống an toàn, đầy yêu thương giúp trẻ cảm thấy được che chở, tin tưởng. Nếu trẻ gặp khó khăn, hãy đưa con đến gặp chuyên gia, bác sĩ tâm lý ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Phạm An