Đừng để sáng tạo thành lập dị

09/08/2018 - 09:30

PNO - Một tác phẩm điện ảnh nói riêng hay tác phẩm nghệ thuật nói chung luôn cần sự sáng tạo, cần dấu ấn cá nhân của người làm ra nó. Nhưng...

Khi biên độ sáng tạo, cái tôi đó vượt qua giới hạn cảm thụ thông thường của số đông công chúng thì dễ trở thành lập dị, đẩy người xem xa rời bộ phim.

Dung de sang tao  thanh lap di
Thế giới học đường trong Trường học bá vương khá xa lạ với cảm thụ của số đông người xem

Sau một tháng nhường sân cho phim ngoại, trong tháng Tám, điện ảnh Việt tái xuất với năm phim mà mở đầu là Trường học bá vương (khởi chiếu ngày 3/8). Mang cái tựa gợi nhớ đến tác phẩm hành động nổi tiếng thời thập niên 1990 của Hồng Kông, nhưng phim là tác phẩm mới hoàn toàn của đạo diễn Duy Joseph.

Phim kể chuyện một sát thủ siêu cấp bị truy sát, phải ngụy trang dưới hình dạng học sinh, lọt vào một ngôi trường chỉ có một lớp, dạy những môn khác người như khoa học không gian, ngôn tình, siêu anh hùng toàn tập, đào tạo ngôi sao.

Trong khi sát thủ đang dần hòa nhập với cuộc sống trong thân phận mới thì kẻ thù tìm đến tận trường và cuộc truy sát diễn ra ngay trên sân khấu, trong tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo người xem ngồi bên dưới, vì tưởng đó là một màn biểu diễn.

Quả thực, hiếm phim Việt nào gây hoang mang như Trường học bá vương, bởi những “sáng tạo” trong phim đã vượt quá mức tưởng tượng của số đông công chúng Việt, nhất là chuyện vác súng máy vào trường học xả đạn.

Với tiêu chí “độc, lạ”, tạo hình của các cô cậu học sinh trong phim cũng khó tìm thấy ở bất cứ trường học nào tại Việt Nam khi nữ sinh diện váy ngắn ôm sát lấp lánh, áo hai dây, hở bụng, mang vớ lưới, trang điểm kỹ; nam sinh thì tóc tai nửa cạo nửa búi cao hoặc uốn xù phồng.

Ở lớp, học sinh nam có lúc hứng chí cởi trần khoe “bo-đì” trước mặt mọi người và “đố vui” cả lớp bằng những câu hỏi về đồng tính. Có nữ sinh đi học mang theo tỏi, muối, nhang, đột nhập vào nhà vệ sinh nam để trừ tà, vì nghi ngờ bạn học của mình bị sát thủ “nhập”.

Hiệu trưởng lúc nào cũng ôm khư khư con chó trên tay và tiếng quát của thầy có sức chấn động khiến người xung quanh phải ôm đầu, đau tai, nhức óc. Cô giáo dạy thể dục mặc trang phục bó sát, khoe rốn, lượn lờ trước mặt trò và còn kết đôi với một nam sinh mà cuối phim mới lộ thân phận thật sự là cảnh sát chìm.

Chân dung các sát thủ trong phim cũng rất khác người, nhất là phần khắc họa sức mạnh. Nhân vật chính - sát thủ Diệp - né đạn bằng cách nhào lộn xoay người trên không hệt như vận động viên thể dục dụng cụ.

Đối thủ của Diệp - Đằng - có đôi mắt mà mỗi khi trợn lên có thể điều khiển ý nghĩ đối phương. Phim cố gắng cài cắm những thông điệp đề cao tình bạn, tình cảm gia đình nhưng mối nối các liên kết này lỏng lẻo, rời rạc, cộng thêm diễn xuất non của dàn diễn viên đa số lần đầu đóng phim khiến người xem càng hoang mang.

Điện ảnh Việt từng chứng kiến nhiều cú ngã ngựa của các tác phẩm quá chú trọng vào cá tính độc đáo của đạo diễn. Xem phim S.O.S Sói trắng, mấy ai hiểu được tên phim có liên quan gì đến đề tài ấu dâm mà phim đề cập khi tình tiết trong phim rời rạc, vô lý.

Đặc biệt, phần thoại của nhân vật quá “cao siêu” do bàn tay nhào nặn của biên kịch - đạo diễn Lê Hoàng. Không phủ nhận anh là một cây bút sắc sảo, nhưng khi chuyển sự độc đáo trong văn viết của anh thành lời nói từ miệng nhân vật lại thành buồn cười.

Những phim của Vũ Ngọc Đãng như Hot boy nổi loạn 1 và 2, Con ma nhà họ Vương luôn đề cập chuyện đồng tính và các nhân vật, dù xuất thân sang - hèn, đều “thở ra văn thơ” - những chỉ dấu rất riêng ở phim của anh. Giấc mơ Mỹ của biên kịch - đạo diễn Hồng Ngân cầu kỳ nhưng cách kể xa lạ với người xem - điều mà khán giả đã nhận ra từ các phim trước của chị như Tôi là ngôi sao, Valentine trắng.

Trong tình hình phim Việt nở rộ về số lượng như hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những cái khác biệt có thể sẽ giúp một bộ phim trụ rạp. Nhưng khác biệt không có nghĩa là lập dị, bởi một khi đã trở nên lập dị thì những thông điệp bộ phim muốn chuyển tải sẽ không thể đến được với người xem. Mục đích, ý nghĩa của tác phẩm chỉ là con số 0 vô nghĩa.

Nỗ lực mang đến một thế giới học đường khác biệt, mới mẻ trong Trường học bá vương của ê-kíp làm phim đáng được ghi nhận. Nhưng có lẽ những yếu tố “độc, lạ” trong phim hoặc cần thêm thời gian để người xem chấp nhận, hoặc sẽ bị khán giả quay lưng - không thể phục vụ được bất kỳ ý đồ nghệ thuật nào.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI