Đừng để rước họa vào thân vì kiêng đi khám bệnh ngày tết

08/02/2024 - 08:30

PNO - Có bệnh lại kiêng kỵ không đi khám vào ngày tết là điều không nên, bởi nếu bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến sẽ phức tạp rất nguy hiểm.

Nguy hiểm khi dự trữ thuốc để tết không đến bệnh viện

Nhiều người cho rằng đầu năm đi bệnh viện, đi mua thuốc thì trong năm mới sẽ gặp điều không may liên quan đến sức khỏe. Vì vậy, không ít người đã mua thuốc dự trữ phòng khi ốm đau, bệnh tật trong tết. Người bệnh khi đi tái khám cũng yêu cầu bác sĩ cho toa thuốc nhiều hơn để tránh phải đến bệnh viện vào tháng Giêng, điều này rất nguy hiểm.

Đợi nhận giấy xuất viện tại Bệnh viện Quân y 175, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (26 tuổi, ở Gò Vấp) cho biết cách đây gần 2 tuần, chị đã đưa cha chồng đến bệnh viện khám, lấy thuốc huyết áp, tiểu đường. Sau khi khám, bác sĩ cho biết cụ ông vẫn còn hơn một tuần thuốc trước đó nên không thể đưa thêm thuốc mà hẹn cận tết quay lại tái khám, rồi sẽ cho thuốc cụ ông sử dụng qua tháng Giêng.

Bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm khám cho người bệnh
Bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm khám cho người bệnh

Thế nhưng, càng gần tết, cha chồng chị càng hối thúc mọi người phải đi lãnh thuốc bảo hiểm bởi ông kiêng đi khám bệnh vào đầu năm. Tuy nhiên, lịch lấy thuốc, thì đến ngày 28 âm lịch. Vì vậy, chị ra tiệm thuốc tây, mua thuốc về cho ông yên tâm. Không ngờ, cụ ông lấy thuốc này thuốc rồi bị dị ứng thuốc phải nhập viện cấp cứu.

“Cha tôi bị bệnh mạn tính, uống thuốc của bệnh viện đã rất lâu rồi. Năm nào cũng vậy, ông cụ kiêng kỵ nên thường phải mua một túi thuốc dự trữ đợi đến ngày khám. May mà lần này gia đình phát hiện và đưa ông đi bệnh viện kịp”, chị Tâm nói.

Chị Giang cho biết, sau khi mẹ của chị khám bệnh xong, chị cũng sẽ mua một ít thuốc thông dụng điều trị nhức đầu, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa… để dự trữ. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, chứ đầu năm đầu tháng mà đi bệnh viện thì cả năm cũng sẽ phải đi. Có thuốc, cầm cự qua đến mùng 10 tháng Giêng thì tốt hơn”, chị Giang nói.

Đừng chờ qua tết mới đi khám bệnh

Về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sử - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, hiện các bệnh viện tại TPHCM nói chung đều đã nắm bắt tâm lý ngại đi khám bệnh ngày tết của người bệnh. Chính vì vậy, bệnh viện đã có chiến lược cấp thuốc đủ uống từ cận cho đến qua tết. Hơn nữa, bệnh viện không nghỉ tết, nên mọi người cứ yên tâm đến khám và lấy thuốc về uống. Tuy nhiên, bệnh viện không bán thuốc dự trữ, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

Kiêng cử đi khám bệnh, nhất là tình huống cấp cứu, nguy cơ biến chứng thậm chí tử vong rất cao
Kiêng cử đi khám bệnh, nhất là tình huống cấp cứu, nguy cơ biến chứng thậm chí tử vong rất cao

Bác sĩ cho hay bệnh tật ngay ngày tết là điều không ai mong muốn, thế nhưng mọi người không nên cố gắng chịu đựng, hoặc tự ý sử dụng thuốc bởi có thể sẽ làm cho bệnh phức tạp hơn. Việc kiêng kỵ khám bệnh ngày tết nhất là với người bệnh diễn tiến nặng, có bệnh nền sẵn, nguy cơ xảy ra biến chứng cao, không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị. Đặc biệt là các bệnh về đường ruột, hô hấp, sốt xuất huyết... hay bệnh cấp tính như viêm dạ dày, ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn, cảm lạnh... nguy cơ biến chứng, thậm chí tử vong rất cao.

Theo đó, năm nào cũng vậy, vừa qua tết, số lượng người bệnh mức độ nặng tăng lên khoảng 10-20%. Đáng nói, nếu người bệnh đi khám sớm hơn, bệnh sẽ không đến mức phải nhập viện. Như có trường hợp một thanh niên hơn 30 tuổi, vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng quằn quại, nôn ói ra máu, da xanh, thở mệt… sau thăm khám bác sĩ phát hiện anh bị loét dạ dày nặng, phải nhập viện điều trị gần 2 tuần mới hồi phục.

Khi hỏi bệnh sử, nam bệnh nhân cho rằng vào mùng Hai tết, sau khi uống rượu với bạn bè, anh đã có triệu chứng đau dạ dày, cơn đau quặn thắt ngày càng nhiều. Sợ nếu đi khám thì cả năm mới, người thân trong gia đình cũng sẽ… bệnh lây, anh cố gắng mua thuốc uống, ở nhà chịu dựng. Tuy nhiên, chỉ đến mùng Sáu tết, anh buộc phải vào cấp cứu vì nôn ói ra máu tươi. Lúc này, không chỉ anh bị nhập viện, mà vợ và em gái cũng phải túc trực trong bệnh viện để thăm nuôi. Đáng nói, nếu bệnh nhân thăm khám ngay khi bị các cơn đau quặn, kiêng rượu, bia thì khả năng chỉ cần uống thuốc và điều trị ngoại trú.

Vì vậy, bác sĩ Sử khuyến cáo người dân không nên chần chừ đi khám bệnh khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Bác sĩ chẩn đoán, điều trị càng sớm càng có hiệu quả hơn. Nhất là bệnh cấp cứu, đừng chờ đợi, đừng kiêng cử, cứ đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. “Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, chấn thương do sinh hoạt,… càng phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ thăm khám, xử trí kẻo nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ cũng rất tâm lý, chỉ cho nhập viện những trường hợp cần thiết. Vì vậy người dân yên tâm đừng ngại khám bệnh vào ngày lễ, tết”, bác sĩ Sử nói thêm.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe