Đừng để rủi ro y khoa thành 'sự im lặng đáng sợ'

23/08/2017 - 16:00

PNO - Đã ba tháng trôi qua, kể từ ngày gia đình bé T.T.M. (ngụ Đăk Nông) gọi điện thoại vào đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh việc bé M. bị đục thủy tinh thể hai mắt, mổ tại Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM không hồi phục.

Nhưng đến nay gia đình bé vẫn chưa nhận được phản hồi. Ngày 18/8, tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo BV Mắt TP.HCM, gia đình bé N.H.P. cũng đề nghị BV giải thích vì sao đợt mổ ngày 5 và 6/12/2016 lại có nhiều trường hợp bị đục giác mạc sau mổ.

Dung de rui ro y khoa thanh 'su im lang dang so'
 

Liệu trả lời của BV Mắt TP.HCM có làm cho gia đình các bé “tâm phục khẩu phục”? Làm sao để minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, bác sĩ (BS)?

Sau khi Báo Phụ Nữ đăng loạt bài Bí ẩn vụ hàng loạt trẻ mổ mắt không… sáng (từ ngày 14/8), chị H., mẹ của bé T.T.M. tâm sự: “Con tôi sinh ra không may mắn như những trẻ khác, được BS BV Mắt chạy chữa, gia đình tôi rất cảm kích. Tuy nhiên, kết quả phẫu thuật của con tôi thật đau lòng.

Gia đình muốn biết rõ nguyên nhân, để lương tâm tôi bớt cảm giác áy náy, hối hận và cũng là cơ hội để không còn những ông bố bà mẹ khác phải ân hận như tôi. Vì sao vụ việc nghiêm trọng như thế đến nay vẫn kéo dài trong im lặng?”. 

Dung de rui ro y khoa thanh 'su im lang dang so'
 

Gia đình các bé cho biết, sau hai lần phẫu thuật, nhiều lần khám, vẫn không rõ nguyên nhân của sự “xui xẻo”. Gần nửa năm qua họ buộc phải đưa các bé đến cơ sở y tế khác khám, điều trị. Chị V., mẹ bé N.H.P. (Gia Lai) cho biết, ngày 18/8/2017, đưa con tái khám theo lời mời của BV Mắt TP.HCM, BS và Ban giám đốc BV cho biết, “ca mổ thành công” (?).

Tuy nhiên, chị V. không thể hiểu nổi, vì sao trong  một tháng, bé P. phải mổ đến ba lần, thị lực giảm còn có 1/3... lại được đánh giá thành công. Gia đình bé P. khẩn cầu BV giải thích rõ vì sao kết quả phẫu thuật như vậy. Đồng thời, gia đình muốn biết sắp tới BV có hướng giải quyết như thế nào đối với các bé.

Trong khi đó, BV Mắt TP.HCM cho rằng, đục thủy tinh thể ở trẻ rất phức tạp, việc phẫu thuật không tránh khỏi những biến chứng, kết quả phẫu thuật còn liên quan đến cơ địa từng bé. Nhiều phụ huynh băn khoăn, hai ngày liên tiếp có đến 8 ca tai biến sau phẫu thuật mắt, không lẽ đều là do cơ địa? 

Dung de rui ro y khoa thanh 'su im lang dang so'
 

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, rủi ro, tai biến y khoa vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia có nền y khoa phát triển. Tại Mỹ, hàng năm vẫn có hàng trăm ngàn người thiệt mạng hoặc bị biến chứng vì những sơ suất trong điều trị. Từ năm 1999, ngành y tế Mỹ đã thống kê và công khai số lượng tai biến y khoa, kèm theo đó là phân tích khoa học xác định nguyên nhân.

Điều này giúp cải thiện tình hình điều trị, xây dựng niềm tin của bệnh nhân với người thầy thuốc. Việc này cũng đã được nhiều nước thực hiện. Một lỗ hổng lớn trong ngành y tế của chúng ta mà lâu nay vẫn loay hoay chưa thực hiện được, đó là việc mua bảo hiểm nghề nghiệp cho BS, nhân viên y tế. Bảo hiểm nghề nghiệp vừa giúp cho BS an tâm khi điều trị, vừa đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong việc bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. 

Khi xảy ra sự cố, rủi ro y khoa, cơ quan bảo hiểm y tế sẽ là đơn vị độc lập, như một “quan tòa” đứng ra “phân xử”, xác định rõ nguyên nhân, có sai sót hay không, lỗi do cố ý hay vô ý, trách nhiệm thuộc về ai? Nếu xác định đó là rủi ro y khoa ngoài ý muốn thì bảo hiểm nghề nghiệp sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người bệnh.

Dung de rui ro y khoa thanh 'su im lang dang so'
 

Bảo hiểm nghề nghiệp cũng sẽ chủ trì việc đền bù như thế nào, mức độ nào… chứ không phải theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân hay BV, BS thỏa thuận. Trong trường hợp, nếu xác định lỗi thuộc về nhân viên y tế thì bảo hiểm sẽ buộc BS, cơ sở y tế có trách nhiệm đền bù. Một kết luận từ đơn vị độc lập sẽ minh bạch, khách quan và đáng tin cậy hơn việc để cho chính người trong BV, người trong ngành thực hiện.

Vậy mà, ở nước ta, từ trước tới nay, khi xảy ra biến cố, rủi ro, việc xác định nguyên nhân thường do những người trong ngành y thực hiện. Thử hỏi việc để cho ngành y “vừa đá bóng vừa thổi còi” liệu có khách quan, minh bạch và làm cho người bệnh, BS tâm phục, khẩu phục? 

Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI